Chương trình có sự tham gia của NSUT Bích Việt, NSND Vi Hoa, cùng các diễn viên của đoàn văn công Trường Sơn và sinh viên trường Đại học Văn hoá.
Cách đây đúng 60 năm, trước đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã ra đời, từng bước được xây dựng, phát triển, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lớp lớp những người lính ra trận đã để lại dấu chân mình trên con đường Trường Sơn huyền thoại, trong số đó có chàng nhạc sĩ trẻ Hà Nội - Đào Hữu Thi.
Và Trường Sơn đã trở thành nguồn cảm xúc bất tận để ông viết rất nhiều tác phẩm âm nhạc. Sau hơn 2 thập niên khoác áo lính, nhạc sỹ Đào Hữu Thi về giảng dạy tại mái trường ĐHVH Hà Nội trong 22 năm. Đêm qua, tại sân khấu nhà văn hoá của trường Đại học văn hoá Hà Nội, gần 100 nghệ sĩ là những CCB của chiến trường hoa lửa năm xưa cùng đông đảo sinh viên đang học tập tại mái trường ĐHVH đã cùng hội tụ để thực hiện chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “ Đào Hữu Thi - nhạc sĩ Trường Sơn”.
Chương trình có sự xuất hiện của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường. Thiếu tướng - anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền - nguyên tư lệnh công binh, nguyên giám đốc đường tuần tra biên giới. Thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc ủy viên thường vụ Đảng ủy, phó tư lệnh binh đoàn 12, đơn vị kế tục đoàn 559 bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Đinh Công Tuấn - phó hiệu trưởng trường ĐHVH Hà Nội.
Nhạc sĩ Đào Hữu Thi có tới 8 năm gắn bó với Trường Sơn. Và chính những tháng năm cùng đồng đội “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” nhạc sĩ Đào Hữu Thi đã viết lại nhật ký về chiến tranh, về những người đồng đội thân yêu bằng âm nhạc.
Điều đặc biệt ấn tượng là tất cả những nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong chương trình đều là những người lính, những CCB nghệ thuật Trường Sơn. Người Trường Sơn viết về Trường Sơn, người Trường Sơn hát về Trường Sơn. Sau khi rũ áo lính, người nhạc sĩ lại trở thành thày giáo chuyên tâm với việc truyền thụ kiến thức cho hàng ngàn lớp sinh viên suốt mấy chục năm.
Với gần 20 tác phẩm được chọn lọc trình bày trong chương trình đã thể hiện sự lãng mạn và chất anh hùng ca rất rõ trong âm nhạc của Đào Hữu Thi.
Nhạc sĩ Đào Hữu Thi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hình ảnh về một thủ đô thanh lịch, đầy chất trữ tình luôn nằm ở một vị trí trang trọng trong trái tim người lính Trường Sơn năm xưa. Vì vậy, kể cả khi ra chiến trường, những ký ức về cây cầu Thê Húc màu son đỏ, nước hồ Gươm xanh biếc và những tà áo dài thướt tha của những cô gái Hà Nội vẫn in đậm trong tâm trí ông. Để rồi từ đó tác phẩm “Nhớ mãi một chiều thu” ra đời. Và bài hát này được học trò cũ lớp K 19 - Phương Phạm và ca sĩ Phương Anh trình bày trở thành điểm nhấn thú vị trong đêm giao lưu nghệ thuật Đào Hữu Thi - nhạc sĩ Trường Sơn”.
Những năm tháng là người lính, gắn bó với Trường Sơn, tuy gian khổ nhưng cũng là khoảng thời gian thật ý nghĩa, thật đẹp trong cuộc đời của NS Đào Hữu Thi, bởi đây chính là thời gian giúp ông trở thành một nhạc sỹ đặc biệt- Nhạc sĩ của Trường Sơn. Ngoài đề tài về Trường Sơn, ông đã tiếp cận rất nhanh mọi vấn đề của cuộc sống và sáng tác bắt kịp nhịp sống ở nhiều góc nhìn như: Lính cũ trung đoàn, Cô giáo vùng cao... Bài hát Nỗi nhớ cựu chiến binh và Hào khí Trường Sơn của NS Đào Hữu Thi như đi ra từ trái tim những người lính, là tiếng lòng của muôn vàn trái tim.
Trong phần giao lưu với khán giả, nhạc sĩ Đào Hữu Thi rưng rưng xúc động, ông gửi lời cảm ơn Trường Sơn, cảm ơn các đồng đội và ông cho rằng “Những bài hát này không phải của tôi đâu mà hoàn toàn thuộc về những người đồng đội của tôi ở Trường Sơn. Nếu không mặc áo lính, không trải qua những tháng ngày ác liệt của cuộc chiến thì tôi không thể có những bài hát xúc động như vậy!”
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh -Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội đã khẳng định “Nhạc sĩ Đào Hữu Thi đã ghi lại nhật ký về Trường Sơn bằng âm nhạc. Những sáng tác của ông ngoài giá trị về mặt nghệ thuật âm nhạc thì còn có giá trời rất ý nghĩa về lịch sử về giáo dục cho thế hệ mai sau.”
Đêm giao lưu “Đào Hữu Thi - nhạc sĩ Trường Sơn” kết thúc vỡ òa trong niềm hân hoan xúc động, sắc áo lính như màu xanh bất tận của dải Trường Sơn, nghĩa tình đồng đội, thày trò tràn ngập trong vòng tay, ánh mắt, nụ cười. Những CCB của Trường Sơn năm xưa, giờ tóc bạc, da mồi họ ôm chầm lấy nhau cùng cất vang lời hát.