Kho hàng khủng ở tận… thôn
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, sau khoảng 6 tháng trinh sát, mới đây, Tổng cục đã chỉ đạo Tổ 368 phối hợp với Cục QLTT Nam Định và PC03 (Công an tỉnh Nam Định) ập vào kho chứa hàng hóa giả nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel… tại thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Kho hàng rộng hơn 500m2 tàng trữ hàng chục nghìn các sản phẩm chủ yếu là túi nhái nhãn hiệu Hermès (một hãng thời trang xa xỉ có trụ sở ở Paris, Pháp).
Không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa được xuất trình tại thời điểm lực lượng chức năng ập đến kiểm tra. Theo ước tính, có tới 20.000-30.000 sản phẩm vi phạm được tàng trữ tại đây. Lực lượng chức năng phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới có thể di chuyển hết số hàng hóa vi phạm tại kho hàng này. Lô hàng vi phạm ước trị giá khoảng 6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Tổ trưởng Tổ công tác 368 cho biết, lực lượng QLTT đã phải rất vất vả trong quá trình trinh sát trước khi quyết định bắt giữ kho hàng này. Bởi đối tượng vi phạm chủ yếu sử dụng mạng xã hội để chào bán và dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa.
Hàng chục tài khoản với các tên gọi khác nhau được sử dụng để bán online như The Queen Shop; Trang Anna (The Queen); Dung Vũ (Boss The Queen); The Queen - Chuyên túi VIP; Dương Vũ Xuân; The Queen - Đại Dương - Sỉ lẻ túi xách; Kho Túi xách - Hàng Quảng Châu… Tất cả các tài khoản này được thay nhau sử dụng bán hàng để né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng khi bị tố cáo và bị chặn tài khoản vì vi phạm.
Đặc biệt, một thủ đoạn tinh vi phải kể đến trong vụ việc này, đó là, đối tượng sử dụng một cửa hàng trung gian tại Hà Nội (ở địa chỉ đường Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) để làm địa chỉ giới thiệu sản phẩm. Nhưng thực chất, cửa hàng này không hề chứa bất cứ sản phẩm nào. Toàn bộ hàng hóa được chứa trữ tại kho hàng ở thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. “Điều này đã gây thách thức không nhỏ cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát” - ông Minh chia sẻ.
Sử dụng phòng trọ sinh viên làm… kho chứa
Khi sự việc sử dụng một địa chỉ ở một vùng quê xa trung tâm làm kho chứa hàng được đưa ra, chưa kịp khiến dư luận kinh ngạc về thủ đoạn quá tinh vi của các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại thì Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) đã lại kiểm tra và bắt giữ một kho hàng ở trong khu… nhà trọ sinh viên (ở ngõ 56 đường Cầu Vồng, phường Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh này đang chứa gần 50.000 sản phẩm dầu gội đầu, sáp vuốt tóc, keo xịt tóc, dưỡng tóc các loại dành cho nam giới và tem nhãn dời (trong đó một số đã được dán nhãn và một số chưa dán nhãn).
Làm việc với Đoàn kiểm tra, chủ của cơ sở này khai nhận toàn bộ số hàng hóa tại hiện trường được mua trôi nổi thông qua mạng xã hội facebook. Tất cả số hàng hóa đều không có tem, nhãn. Sau khi nhận hàng, cơ sở tiến hành dán tem và bán ra ngoài thị trường. Toàn bộ số hàng đã được Đoàn kiểm tra niêm phong, tạm giữ để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định.
Đặc biệt, cơ sở không bày bán theo hình thức truyền thống thông thường bằng cửa hàng mà thuê phòng trọ giá rẻ gần khu sinh viên hay thuê trọ giáp với đất nông nghiệp khu vực ngoại thành. Lợi dụng diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 và tâm lý của người tiêu dùng muốn mua hàng online nhằm hạn chế tiếp xúc, cơ sở đã sử dụng tài khoản mạng xã hội facebook.com để giao dịch.
Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết, chính địa điểm kho hàng ở khu trọ sinh viên là khó khăn lớn nhất cho lực lượng chức năng trong quá trình trinh sát và thu giữ kho hàng này. Tuy việc đặt ở địa điểm này không gây bất ngờ cho lực lượng chức năng bởi trong quá trình theo dõi, các kiểm soát viên vẫn hướng đến các khu nhà trong ngõ sâu, hẻm, các địa điểm “ít ai nghĩ đến” nhưng để “lần” ra được địa chỉ chính xác khi chỉ có thể theo dõi online là một thách thức cực lớn.