Nằm trong chuỗi sự kiện của Chương trình bình chọn, trao tặng Giải thưởng chuyển đối số (CĐS) Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022) do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) bảo trợ, hôm qua (9/10), Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức Hội thảo: “Tăng tốc CĐS: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp”.
Đại diện Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về CĐS, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã khẳng định CĐS là một hành trình dài mà con đường CĐS của Việt Nam dần được hình thành trong 2 năm dịch COVID-19 vừa qua.
Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục CĐS quốc gia (Bộ TT&TT), nếu coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về CĐS, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về CĐS trong bối cảnh đại dịch và năm 2022 là năm đẩy mạnh CĐS theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. “Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc CĐS với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương…”, ông Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Cục CĐS quốc gia, tính đến nay, chương trình CĐS quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Đáng chú ý, thống kê mới nhất của Cục CĐS quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021, nhưng vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 20% GDP.
Năm 2022, định hướng trọng tâm của công tác CĐS quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua: Phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; Phổ cập nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; Phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; Phổ cập nền tảng dạy học trực tuyến; Phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Giám đốc tăng trưởng GapoWork - đơn vị từng được vinh danh ở VDA 2021 đã chia sẻ “Nếu không có không gian làm việc số, công cuộc CĐS của doanh nghiệp sẽ gặp hàng loạt trở ngại, như: độ trễ và sự minh bạch trong trao đổi công việc giữa các cấp; Chất lượng về tốc độ phối hợp công việc bị hạn chế; Tính liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng sẽ kém hơn, phát sinh nhiều tác vụ thủ công, tốn nguồn lực và tạo nhiều “lỗ hổng” trong đồng bộ thông tin…”.
Không gian làm việc số sẽ giúp hỗ trợ lực lượng lao động phân tán khắp nơi, bổ trợ và giải quyết một số vấn đề cho không gian vật lý. Không gian làm việc số cũng sẽ phá bỏ rào cản giữa nhân sự, thông tin và quy trình: tách bạch giữa công việc và cuộc sống; Quản trị linh hoạt, tăng sự hiện diện của lãnh đạo; Quản trị tinh gọi, tăng tốc xử lý thông tin qua thúc đẩy giao tiếp.
Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc khối Nghiệp vụ doanh nghiệp và Tư vấn giải pháp tại FPT Digital khẳng định CĐS đã trở thành một hướng đi chiến lược cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Chuyên gia của FPT Digital cũng đưa ra một số khuyến nghị và giải pháp cho các doanh nghiệp khi thực hiện CĐS, như: Thiết lập cơ cấu tổ chức “chuyên trách” điều hành giúp tăng tốc quá trình CĐS; Phối hợp với các đơn vị độc lập nhằm tháo gỡ những vướng mắc; Tận dụng xu hướng công nghệ điện toán đám mây để tối ưu chi phí CĐS... “CĐS không phải là đích đến mà là một hành trình dài theo cùng sự phát triển của doanh nghiệp” – đại diện FPT Digital quả quyết.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, những kết quả ban đầu về CĐS còn xa so với kỳ vọng. Rất mong sự chung tay của người dân, doanh nghiệp để chúng ta có câu chuyện để kể về CĐS của Việt Nam…