Nhan nhản hành vi “mượn” hình ảnh để kinh doanh

(PLVN) - Thói quen sử dụng ảnh vô tội vạ từ Google đã khiến nhiều người vô tình hoặc hữu ý trở thành người vi phạm pháp luật về bản quyền. Nhiều vụ kiện tụng, rắc rối cũng vì hành vi vô ý thức này mà ra.

“Kiện củ khoai” để đánh động về bản quyền

Diễn ra từ trước Tết nhưng vụ vi phạm bản quyền bộ ảnh “Tết xưa” đến nay vẫn còn nóng bởi sự kiên quyết làm ra lẽ của bên bị vi phạm. Cụ thể, bộ ảnh “Tết xưa” của đơn vị truyền thông Trăng đen được vẽ và đăng trên website tetxua.vn của đơn vị này, sau đó bộ ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng.

Bộ ảnh Tết xưa gốc
Bộ ảnh Tết xưa gốc

Thời điểm trước Tết vừa qua, Truyền thông Trăng Đen phát hiện thương hiệu Panasonic đã sử dụng các bức tranh Tết xưa trong một sự kiện. Đáng nói là đơn vị này không hề xin phép sử dụng hình ảnh, đồng thời đã cắt chữ kí của ê kíp thực hiện trên các bức tranh. Phía truyền thông Trăng Đen đã tiến hành thu thập chứng cứ cũng như trưng ra các bằng chứng mình là tác giả bộ ảnh, đề nghị Panasonic có động thái xử lý. 

Tuy nhiên, phía Panasonic không nhận lỗi mà đẩy trách nhiệm cho đơn vị tổ chức sự kiện, tức 1 công ty truyền thông khác. Sau nhiều email qua lại, mới đây, mặc dù Panasonic đã đề nghị bồi thường tác quyền lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng ông Nguyễn Ngọc Long, đại diện truyền thông Trăng Đen cho biết sẽ vẫn tiếp tục khởi kiện.

“Từ khi bộ ảnh “Tết xưa” ra đời, mỗi năm cứ dịp Tết đến, bộ ảnh này lại bị các đơn vị lấy sử dụng cho các hoạt động của mình, trong đó có những thương hiệu rất lớn. Chúng tôi thống kê lên đến gần 50 đơn vị đã từng “mượn không phép” bộ ảnh này. Nhưng mãi đến trường hợp Panasonic chúng tôi mới kiện. Bởi đây là một thương hiệu rất lớn, luôn đưa ra thông điệp về sự sáng tạo. Thế nhưng, hành xử của họ lại là sử dụng ảnh không phép, sau đó không trung thực, đổ lỗi và khi nhận lỗi thì chiếu lệ. Tôi biết khi chúng tôi khởi kiện có thể sẽ mất nhiều hơn được, có khi số tiền còn thấp hơn thỏa thuận riêng với họ. Thậm chí tay trắng ra về, lại “mất lòng” một hay nhiều thương hiệu lớn, nhưng đơn giản, chúng tôi muốn đòi lại công bằng cho mình và cất lên tiếng nói để đánh động về ý thức vấn đề bản quyền tại Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Long cho hay.

Vi phạm nhỏ lẻ nhiều, khó xử lý

Google được coi là một trong những “kho” ảnh lớn nhất trên thế giới. Việc tìm kiếm, lưu các ảnh trên google hết sức dễ dàng. Điều này cũng khiến cho người dùng “quên” đi rằng ảnh trên google cũng có tác giả đàng hoàng và hoàn toàn “lờ” đi dòng chữ “hình ảnh có thể có bản quyền” bên dưới mỗi bức ảnh. Thế nên, việc vi phạm bản quyền về hình ảnh có lẽ là hành vi vi phạm bản quyền phổ biến nhất hiện nay. 

Panasonic đã sử dụng các bức tranh Tết xưa của Truyền thông Trăng Đen trong một sự kiện
Panasonic đã sử dụng các bức tranh Tết xưa của Truyền thông Trăng Đen trong một sự kiện

Sự vi phạm diễn ra từ việc các doanh nghiệp sử dụng ảnh từ trên mạng cho các hoạt động của mình: Tổ chức sự kiện, quảng bá, in ấn… đến việc vi phạm diễn ra bởi các đơn vị làm chương trình nghệ thuật, tổ chức các cuộc thi (chương trình Lễ hội áo dài Festival Huế cũng một lần bị phản ứng vì lấy ảnh của nhiếp ảnh gia làm nền sân khấu mà không xin phép). Việc vi phạm bản quyền hình ảnh còn diễn ra nhan nhản với các hình thức kinh doanh khác. 

Nguyễn Hoàng Hải, một nhiếp ảnh gia tự do có nhiều bức ảnh phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp chia sẻ, nhiều năm nay, anh thường phát hiện ra ảnh của mình bị sử dụng trái phép ở nhiều nơi. Lúc thì thấy trong một bộ lịch nào đó, lúc thì làm phông nền của một chương trình, mà nhiều nhất là làm phông nền ảnh cưới do các đơn vị chụp ảnh cưới sử dụng… 

Anh Hải cho biết, thời gian đầu, anh cũng trực tiếp liên hệ các đơn vị vi phạm yêu cầu gỡ bỏ, nhưng có đơn vị còn xin lỗi, nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ thì phớt lờ, thậm chí bảo anh “lắm chuyện”. Sự việc nhiều quá nên anh đành chấp nhận “sống chung với lũ”, tìm cách gắn chữ kí vào ảnh và dùng các công cụ kĩ thuật để hạn chế việc tải ảnh mình với đầy đủ chất lượng. 

Như trường hợp bộ ảnh “Tết xưa”, ông Nguyễn Ngọc Long cũng cho hay, trong khi liên hệ với một số đơn vị nhỏ vi phạm bản quyền bộ ảnh, ông thường nhận thái độ bất hợp tác, thậm chí bị chửi ngược lại (!). 

Có lẽ, vi phạm bản quyền ảnh nhiều nhất phải kể đến lực lượng bán hàng online. Để minh họa cho sản phẩm mình đang bán, những người bán hàng online không ngại ngần “chôm chỉa” các bức ảnh trên mạng xã hội, thậm chí sử dụng bộ ảnh của những người nổi tiếng, ảnh độc quyền quảng cáo của sao Việt, sao quốc tế trong khi một mặt tiêu thụ hàng giả, hàng lậu…

Có thể nói, vi phạm bản quyền trong lĩnh vực hình ảnh là hành vi vi phạm bản quyền phổ biến nhất, nhưng cũng khó xử lý nhất. Chế tài đã có, tuy nhiên, như đã nói, sự bất hợp tác của các đơn vị vi phạm và sợ phiền toái của những người vi phạm là cản trở lớn. Đồng thời, hành vi vi phạm diễn ra quá nhiều, vụn vặt, không chỉ ở doanh nghiệp, đơn vị lớn mà các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, các cá nhân… khiến vấn đề bản quyền ở Việt Nam trở nên rối rắm, khó xử lý. 

Đọc thêm