Nhập nhằng quan hệ giữa tài xế và hãng taxi công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc nhập nhằng giữa quan hệ “đối tác” và người làm thuê đã ồn ào trong thời gian qua, vậy bản chất mối quan hệ này là quan hệ giữa người tuyển dụng lao động với nhân viên hay chỉ đơn thuần là quan hệ giữa những chủ thể kinh doanh độc lập? Tài xế lái taxi công nghệ có cần được coi là nhân viên chính thức của các hãng xe công nghệ hay không?
Tài xế xe công nghệ cần có tư cách của người lao động trong mối quan hệ lao động rõ ràng, minh bạch  (Ảnh minh họa).
Tài xế xe công nghệ cần có tư cách của người lao động trong mối quan hệ lao động rõ ràng, minh bạch (Ảnh minh họa).

Đối tác hay là người làm thuê? 

Vào tháng 12/2020, hàng trăm tài xế Grab đã tắt ứng dụng, tập trung diễu hành phản đối tại một số thành phố lớn sau khi Grab lấy cớ vì bị tăng thuế VAT nên đã tăng tỉ lệ chiết khấu đối với tài xế từ khoảng 28% lên trên 32%.

Về bản chất, hàng trăm tài xế diễu hành tập trung phản đối Công ty để đòi hỏi cơ chế chiết khấu công bằng hơn, minh bạch hơn, về căn bản không khác gì hàng trăm công nhân đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm, yêu cầu chủ doanh nghiệp đối thoại.

Trả lời báo chí, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính - thuế đánh giá: “Việc tăng mức thuế GTGT từ 3% lên 10% là chủ trương hoàn toàn đúng nhưng Grab lấy đó làm cớ để tăng cả phần trích nộp các khoản giảm trừ của tài xế là không đúng. Bởi quy định mới này không làm tăng nghĩa vụ thuế đối với cá nhân tài xế công nghệ, thậm chí còn giảm do chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân chứ không gánh thuế giá trị gia tăng như lâu nay”. 

Với nhiều tài xế, thuế VAT là đánh lên khách hàng nhưng thực tế lại đánh thẳng vào bát cơm của họ. Trước đây, nếu chạy cuốc xe 100.000 đồng thì chiết khấu cho công ty 20.000 đồng. Nhưng với cách tính mới, họ bị trừ 20% mỗi cuốc xe cho Grab, sau lại bị trừ tiếp 10% trên số tiền 80.000 đồng còn lại.

Bên cạnh đó, họ hoàn toàn không biết có chính sách bảo hiểm hay quyền lợi cho anh em tài xế, dù công ty gọi họ là đối tác. Thực tế, ngoài việc trừ chiết khấu 10%, tài xế tự lo các vấn đề còn lại, hoàn toàn không có chính sách nào công ty đóng bảo hiểm xã hội, tiền lương.

Thiết nghĩ, mối quan hệ giữa tài xế và taxi công nghệ chưa thể gọi tên, là một mối quan hệ “yêu – ghét” bất phân mà pháp luật hiện nay chưa thể điều chỉnh được. Bởi lẽ, mô hình nền kinh tế hợp đồng dựa trên nền tảng cung ứng dịch vụ của các lao động tự do, những người làm việc trong những vị trí tạm thời và linh hoạt, không chịu sự kiểm soát khắt khe của người thuê lao động, chấp nhận không hưởng lương thường xuyên và các chế độ phúc lợi từ người thuê lao động.

Tuy nhiên, người lao động Việt Nam phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt bên phía công ty. Họ “mang tiếng” là lao động tự do nhưng thực chất là lao động toàn thời gian và “miếng ăn” bị phụ thuộc hoàn toàn vào hãng.  

Cần cấp tư cách cho tài xế công nghệ

Tháng 12/2020 Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM cùng đứng đơn kiến nghị Quốc hội xử lý những sai phạm và bất cập trong hoạt động của Công ty TNHH Grab, trong đó có việc hơn 120.000 tài xế của doanh nghiệp này không được đóng bảo hiểm xã hội…

Việc Grap không nhận trách nhiệm, làm ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hàng trăm nghìn tài xế của Grab đã bị ảnh hưởng, không có thu nhập nên phải nằm trong diện được Chính phủ trợ cấp. Thiết nghĩ, Grab đang kinh doanh thu lợi nhuận nhưng trách nhiệm an sinh xã hội lại đẩy cho Nhà nước.

Hơn nữa, Grab luôn coi các tài xế là đối tác, nhưng hàng ngày các tài xế đều phải tuân thủ các chỉ dẫn của Grab về phân chia “cuốc” chạy, về xử lý kỷ luật lao động, cũng như về an toàn, đồng phục, giờ giấc… trong khi những nội dung này thể hiện rõ mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) nêu rõ: “Là đơn vị kinh doanh, các ứng dụng phải có trách nhiệm an sinh xã hội. Mối quan hệ giữa lái xe và đơn vị cung cấp phần mềm là mối quan hệ hợp đồng lao động chứ không phải là đối tác như hiện nay”. 

Tiên phong trong vấn đề này, ứng dụng gọi xe nội địa Be của Be Group đã tài trợ 100% kinh phí mua gói bảo hiểm bổ sung beHealthcare với quyền lợi bảo vệ hơn 350 triệu đồng cho tài xế. Tuy nhiên, đại diện Be Group cho biết chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho tài xế vẫn... đang xem xét vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong khi đó, các ứng dụng gọi xe như Gojek, Grab, Fast-Go... chỉ có gói bảo hiểm tai nạn. 

Ông Hùng cho rằng, hiện các đơn vị cung cấp ứng dụng công nghệ như Grab, Gojek, Fast-Go... đang quyết định giá cước và điều hành lái xe nên phải chấp hành theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Họ sẽ phải chuyển đổi và thực hiện trách nhiệm như đơn vị kinh doanh vận tải để tài xế có thể được thực hiện chế độ làm việc theo thời gian quy định, được khám sức khỏe định kỳ... 

Đọc thêm