Ý kiến trái chiều về điều kiện kinh doanh taxi

(PLO) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận xét dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô không những không gỡ khó mà còn đưa ra thủ tục phức tạp hơn quy định cũ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hoạt động kiểu Uber, Grab là taxi hay hợp đồng điện tử?

Điều kiện kinh doanh taxi trong dự thảo sửa đổi Nghị định 86 do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó nổi bật vẫn là nội dung định danh taxi công nghệ như Grab, Uber… và quản lý loại hình này như thế nào.

Mới đây, đề cập tới điều kiện kinh doanh taxi tại buổi làm việc của Tổ công tác Chính phủ ngày 16/10, ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, đang có quan điểm cố tình đánh tráo khái niệm khi nói ôtô chở khách hoạt động kiểu Uber, Grab không phải là taxi mà là xe hợp đồng điện tử. 

Theo ông này, quá trình lấy ý kiến các chuyên gia, thẩm định Bộ Tư pháp... đều khẳng định thực chất đây là xe taxi điện tử. Cách gọi qua tổng đài điện thoại hay qua phần mềm, cách đo quãng đường xe chạy và tính tiền bằng đồng hồ hay phần mềm chỉ là hình thức của thủ tục, đều có giá trị tương đương chứ không phải là bản chất của loại hình vận tải.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM Tạ Long Hỷ cũng đồng tình việc dự thảo đưa ra định danh các đơn vị vận tải. Theo đó, nếu cung cấp phần mềm, cho thuê phần mềm đơn thuần, không can thiệp vào quá trình vận tải thì chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm. Còn nếu đơn vị đó tham gia định giá cước, thu tiền, phân phối lợi nhuận thì đương nhiên là kinh doanh vận tải.

Ông Hỷ cũng cho rằng, các xe chở khách 9 chỗ ngồi trở xuống, kết nối qua phần mềm hoặc không kết nối qua phần mềm nhưng trong nội đô và tính chất, bản chất giống nhau thì coi là taxi. “Mặt bằng chung là taxi cái đã, còn taxi loại gì thì Bộ Giao thông có thể quy định riêng”, ông Hỷ nói.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM cũng kiến nghị, để phân biệt giữa kinh doanh và không kinh doanh chở khách thì tất cả xe, trước hết là 9 chỗ trở xuống nên có biển số khác hoặc có đặc điểm khác trên biển số để nhận dạng, chẳng hạn như màu sắc, kích thước tem kiểm định.

Đưa ra thủ tục phức tạp hơn quy định cũ

Tại cuộc họp, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận xét về dự thảo sửa đổi Nghị định 86: "Dự thảo Nghị định này không những không gỡ khó mà đưa ra thủ tục phức tạp hơn quy định cũ". Ông dẫn chứng, dự thảo quy định thời gian của phù hiệu tăng cường cuối tuần là “không quá 3 ngày”.

Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải đến Sở Giao thông Vận tải 52 lần một năm để xin cấp phù hiệu tăng cường dịp cuối tuần. "52 lần trong một năm tới Sở thì còn thời gian đâu làm việc nữa", ông nói.

Chỉ ra lỗ hổng trong Nghị định 86 sửa đổi, ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nêu quan điểm, Luật Giao thông đường bộ quy định 5 loại hình vận tải, cần áp dụng công nghệ đối với cả 5, không thể chỉ áp dụng với 2 loại hình vận tải hợp đồng du lịch như dự thảo. Do chưa có phần mềm quản lý vận tải tự động nên các lực lượng chức năng không thể kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. 

"Bộ Giao thông đã cử các đoàn cán bộ đi nghiên cứu, học tập ở các nước nhưng không hiểu tại sao lại không áp dụng. Điều này khiến dư luận nghi ngờ có sự thiếu khách quan, cố tình tạo kẽ hở trong xây dựng chính sách vì lợi ích nhóm", ông nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải lắng nghe và tiếp thu, "tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, tạo kẽ hở khi Bộ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật". Trả lời ngắn gọn, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Ngọc Đông nói "việc sửa Nghị định 86 rất phức tạp, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ ban hành". 

Sáng 17/10, TAND TP HCM mở lại phiên xử Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gần 42 tỷ đồng, dự kiến phiên tòa diễn ra trong 2 ngày.

Theo đơn khởi kiện, Vinasun cho rằng, Grab lợi dụng việc Bộ GTVT ban hành Quyết định 24 về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường. Vinasun cho rằng hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây nhiều hệ lụy cho Công ty này.

Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, trong đó do Grab gây ra là gần 42 tỷ nên yêu cầu đơn vị này bồi thường. Trong khi đó tại phiên xử hồi tháng 2, đại diện Grab cho biết, không thay đổi ngành nghề kinh doanh như đã đăng ký với các cơ quan chức năng là "cung ứng phần mềm kinh doanh vận tải" và không hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi.

Mức giá Grab áp dụng cho khách hàng là do hợp tác xã đưa ra. Căn cứ để thường xuyên thay đổi mức giá là phụ thuộc vào thời gian, thời tiết, nhu cầu thị trường và lập trình dựa trên đơn giá cũng do hợp tác xã cung cấp. Theo hãng taxi công nghệ này, họ có hay không vi phạm pháp luật, có hay không làm đúng Đề án 24... thì chỉ có Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Và việc này Vinasun chưa cung cấp được bằng chứng. Nếu cho rằng hoạt động của Grab gây thiệt hại, Vinasun phải khiếu nại quyết định cho phép đề án thí điểm lên Bộ trưởng GTVT hoặc khiếu kiện hành chính, chứ không phải vụ kiện này.

Đọc thêm