Kế hoạch tăng 2,6% chi tiêu quân sự trong vòng 5 năm tới được Nhật Bản công bố ngày 17/12 đã đảo ngược xu hướng cắt giảm trong vòng một thập kỷ qua của Tokyo. Kế hoạch này là sự thể hiện rõ ràng nhất tuyên bố muốn Nhật Bản có vai trò quân sự lớn hơn trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra khi lên nắm quyền hồi năm ngoái.
Ưu tiên hàng đầu của ông Abe là vực dậy nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp nhưng ông cũng cam kết tăng cường quân sự, an ninh của Nhật Bản để đáp ứng với cái mà ông gọi là một mối đe dọa từ việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào quân sự và những hành động gần đây để củng cố tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo hiện do Nhật quản lý trên biển Hoa Đông.
“Trung Quốc đang cố thay đổi hiện trạng trên các vùng trời và vùng biển của biển Hoa Đông và biển Đông cùng một số khu vực khác dựa trên những tuyên bố đơn phương của nước này, vốn không phù hợp với luật pháp quốc tế đã được ban hành” – Nhật Bản cho biết trong Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của nước này được phê chuẩn ngày 17/12 cùng với 2 kế hoạch khác.
Theo các bản kế hoạch vừa được thông qua, trong đó có kế hoạch xây dựng quân sự 5 năm và đường lối quốc phòng 10 năm, ngân sách cho quốc phòng của Nhật Bản trong vòng 5 năm tới sẽ tăng từ 23,37 nghìn tỉ yên trong 5 năm trước lên 23,97 nghìn tỉ yên (232,4 tỉ USD).
Chi tiêu quân sự của Nhật đã giảm trong 10 năm cho đến khi ông Abe tăng ngân sách quốc phòng 0,8% trong năm nay. Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến sẽ tăng chi tiêu khoảng 3% trong một năm tính từ tháng 4 tới. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 22 năm qua, dù phần lớn sự gia tăng này là do chi phí nhập khẩu cao hơn do đồng yên yếu.
Các thiết bị mà Nhật dự định mua thêm gồm 3 máy bay không người lái, 52 phương tiện đổ bộ, 17 máy bay Osprey, 5 tàu ngầm, 2 tàu khu trục trang bị hệ thống chống tên lửa Aegis, 28 máy bay chiến đấu F-35 mới và dòng máy bay tàng hình hiện đại hơn chiếc F-15 mà Nhật đang sử dụng.
Ngoài ra, Nhật cũng sẽ xem xét lại lệnh cấm xuất khẩu vũ khí - một động thái có thể truyền sức sống cho các nhà thầu quốc phòng đang gặp nhiều khó khăn như Mitsubishi và Kawasaki.
Ngoài ra, Chiến lược an ninh quốc gia của ông Abe cũng kêu gọi Nhật Bản không chỉ nâng cấp hợp tác của nước này với Mỹ mà còn củng cố mối quan hệ với các đối tác chiến lược, trong đó có Hàn Quốc, Australia, các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Chính sách mới cũng đưa ra lời kêu gọi tăng cường năng lực phòng vệ trước các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo, ví dụ như từ nước láng giềng Triều Tiên.