“Lách” luật cho thuê đất
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Dự án mở rộng khu bay – Cảng hàng không Cát Bi (Hải Phòng) để đưa Cảng hàng không Cát Bi trở thành cảng hàng không quốc tế. Ngoài diện tích hơn 11ha đất tại các phường Tràng Cát, Thành Tô (quận Hải An) được quy hoạch, sử dụng mở rộng khu bay, một vùng hồ, ao thuộc đất quốc phòng cũng được cắm mốc giới, điều chỉnh quy hoạch xây dựng hạ tầng khu bay, các công trình phụ trợ.
Vùng ao, hồ này vốn thuộc quyền quản lý của Tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật sân bay Kiến An. Điều đáng nói, trước khi điều chỉnh quy hoạch, phần lớn diện tích ao, hồ đã được đơn vị này cho các hộ dân thuê đất nuôi trồng thủy sản.
Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 67/2011/TT – BQP ngày 19/4/2011, Bộ Quốc Phòng vẫn “nghiêm cấm các đơn vị chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng sang mục đích khác; cấm cho thuê làm kho tàng, bến bãi, nhà xưởng…; cấm cho mượn, phát canh thu tô, cấm dùng quyền sử dụng đất để thế chấp, góp vốn liên doanh, liên kết, hợp tác làm kinh tế”.
Quy định của Bộ trưởng Quốc phòng là thế nhưng đơn vị quản lý khu đất vẫn cho người dân thuê đất dưới dạng hợp đồng liên kết, hợp đồng khoán sản có thời hạn năm một với mức khoán sản từ 50 – 150 kg cá/sào.
Bao biện cho việc cho thuê đất trái luật, đơn vị quản lý khu đất cho rằng quá trình hình thành các đầm nuôi trồng thủy sản có từ những năm 1980 – 1990, người dân đã sản xuất trước khi có quyết định giao đất cho đơn vị quân đội.
Để “chữa cháy” việc cho thuê đất trái luật, đơn vị quản lý khu đất cho rằng: “Tạo điều kiện cho các hộ dân gặp khó khăn khi phải chấm dứt hợp đồng, đơn vị sử dụng đất đã có báo cáo giải trình và đề nghị được hỗ trợ tài sản trên đất để đơn vị có kinh phí hỗ trợ cho những hộ dân đã ký hợp đồng với đơn vị”.
Trong khi giải trình việc cho thuê đất trái luật, đơn vị đang quản lý khu đất còn “dọa” chính quyền địa phương “việc thu hồi không hỗ trợ là không phù hợp thực tế, có thể sẽ gây khiếu kiện từ những hộ dân đã ký hợp đồng với đơn vị sử dụng đất”.
Thiếu minh bạch trong việc chi tiền hỗ trợ
Mặc dù xác định khu đất ao, hồ vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng của đơn vị bộ đội, không thuộc đối tượng bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện ổn định cho người dân đã từng thuê đất không đúng quy định pháp luật, TP.Hải Phòng đã quyết định hỗ trợ bằng 80% mức bồi thường đối với các hạng mục vật kiến trúc, mặt nước nuôi trồng thủy sản, hoa màu… được người dân đầu tư trên đất.
Để khách quan trong việc kiểm kê, lên phương án hỗ trợ cho người dân, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (HĐBTGPMB) – nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hải An - đã vào cuộc, cùng Tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật sân bay Kiến An kiểm kê, tính toán toàn bộ giá trị hỗ trợ đối với vật kiến trúc, hoa màu, mặt nước nuôi trồng thủy sản có sự chứng kiến của các hộ dân để lên phương án hỗ trợ tổng thể cho toàn bộ diện tích đất được thu hồi với tổng mức kinh phí hỗ trợ lên đến hơn 8,7 tỷ đồng.
Điều đáng nói, sau khi được HĐBTGPMB quận Hải An lên phương án chi tiết, tổng mức hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, lãnh đạo Tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật sân bay Kiến An đã tự chia phương án hỗ trợ tổng thể thành 35 phương án hỗ trợ cho 35 hộ dân thuê đất của đơn vị. Kết quả, có 30 hộ dân nhận tiền hỗ trợ GPMB, 5 hộ dân khiếu nại phương án hỗ trợ GPMB do đơn vị bộ đội lập, tính toán.
Năm hộ dân khiếu nại phương án hỗ trợ giải phóng mặt bằng với lý do tại phương án lần 1 được đơn vị này tính toán còn thiếu nhiều hạng mục xây dựng, cây trồng trên đất. Tuy nhiên, sau khi khiếu nại, không những không được tăng tiền hỗ trợ, phương án hỗ trợ do Tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật sân bay Kiến An đưa ra lần 2 đối với một số hộ dân còn bị giảm hàng trăm triệu đồng tiền hỗ trợ.
Thiếu tá Nguyễn Thái Thịnh – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật sân bay Kiến An thừa nhận phương án hỗ trợ lần 2 đối với một số hộ dân có sự điều chỉnh giảm so với phương án lần 1. Theo ông Thịnh, ở phương án hỗ trợ lần 1, những hộ dân này được tính thừa hạng mục xây dựng, cây trồng. Ông Thịnh quả quyết: Việc chi hỗ trợ cho 35 hộ dân vẫn nằm trong tổng mức hỗ trợ đã được HĐBTGPMB quận Hải An kiểm kê, tính toán; TP.Hải Phòng phê duyệt, chi trả mức hỗ trợ.
Theo ghi nhận của chính quyền địa phương, sau khi chi trả tiền hỗ trợ lần 1 tại trụ sở UBND phường Thành Tô, đơn vị này mới đưa phương án hỗ trợ lần 2 đối với những hộ dân có khiếu nại. Theo lập luận của ông Thịnh, nhiều hộ dân bị giảm số tiền hỗ trợ GPMB, đương nhiên phải có hộ dân được nhận tăng số tiền hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông Thịnh không đưa ra giải pháp xử lý số tiền “dôi dư” hàng mấy trăm triệu đồng so với tổng số tiền đã được phê duyệt theo như lập luận của ông này. Điều này khiến người dân nghi ngại ông Thịnh đại diện cho đơn vị nhận tiền hỗ trợ từ chính quyền rồi phân bổ tiền hỗ trợ không minh bạch, chính xác khiến người dân khiếu nại.
Không minh bạch được việc hỗ trợ cho 5 hộ dân còn lại, 5 hộ này bèn khiếu nại phương án hỗ trợ bồi thường của UBND quận Hải An, không bàn giao mặt bằng, gây cản trở cho nhà thầu thi công công trình trọng điểm cấp quốc gia.
Luật sư Lê Quang Hiệp, Đoàn Luật sư TP.Hải Phòng đưa ra nhận định: Để Nhà nước phải bỏ ra gần 9 tỷ đồng tiền hỗ trợ do hành vi cho thuê đất trái luật, không tích cực tham gia giải quyết khiếu nại của người dân là hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị cho thuê đất trái luật, các cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nghiêm hành vi này.