NHCSXH huyện Phú Lộc chú trọng nâng cao chất lượng các điểm giao dịch xã

(PLO) - Để tạo điều kiện và giúp đỡ các hộ nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế trên địa bàn, hơn 15 năm qua, NHCSXH huyện Phú Lộc luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội để nâng cao chất lượng, hoạt động tại các điểm giao dịch.
NHCSXH huyện Phú Lộc
NHCSXH huyện Phú Lộc

Hiện nay, NHCSXH huyện Phú Lộc có 18/18 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Hoạt động tại các điểm giao dịch được thực hiện nghiêm túc theo đúng thời gian quy định. Thực hiện các nghiệp vụ cho vay, thu nợ, thu lãi, triển khai các chính sách mới, giao ban hàng tháng với lãnh đạo chính quyền địa phương, các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác, tổ TK&VV để nêu ra các tồn tại cũng như các giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ cho vay các chương trình NHCSXH huyện Phú Lộc là 300, 917 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch năm 2018 với 301 tổ TK&VV, trong đó, 261 tổ xếp loại tốt, 40 tổ loại khá, không có tổ trung bình, yếu.

Nhằm nâng cao hoạt động tại điểm giao dịch xã, thị trấn đi vào chiều sâu, NHCSXH huyện đã chú trọng thực hiện các giải pháp như sau:

Thứ nhất, thường xuyên báo cáo, tham mưu Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện quan tâm, chỉ đạo Chính quyền UBND xã, thị trấn tạo điều kiện bố trí không gian giao dịch thuận lợi, rộng rãi trong các phiên giao dịch. Các điểm giao dịch tại xã, thị trấn hoạt động với thời gian cụ thể từ 8h00 đến muộn nhất là 11h30 các ngày giao dịch cố định theo lịch đã thông báo. Hàng tháng, nhờ sự hỗ trợ an ninh của lực lượng công an xã, đội nên quá trình giao dịch đã được đảm bảo an toàn. Từ đó, tạo thuận lợi cho người nghèo, đối tượng chính sách được phục vụ một cách tận tình, nhanh chóng.

Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Phú Lộc làm việc với chính quyền UBND thị trấn Lăng Cô nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn
Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Phú Lộc làm việc với chính quyền UBND thị trấn Lăng Cô nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn

Thứ hai, Ban Giám đốc PGD NHCSXH huyện thường xuyên bám sát chỉ đạo cán bộ tín dụng phụ trách theo dõi địa bàn chủ động nắm bắt chi tiết về các hoạt động tín dụng chính sách: hồ sơ xin vay vốn, nợ đến hạn phân kỳ, kỳ cuối, tình hình thu lãi, huy động tiền gửi của các Tổ trưởng tổ TK&VV, nội dung họp giao ban trước các phiên giao dịch hàng tháng. Từ đó, kịp thời đưa ra các giải pháp để tổ chức phiên giao dịch đạt hiệu quả tốt nhất.

Thứ ba, công tác giao ban định kỳ tại phiên giao dịch được tổ chức thực hiện ngày càng có chất lượng. Với sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo UBND xã, thị trấn, Hội đoàn thể và Tổ trưởng tổ TK&VV phản ánh kịp thời chính xác các hoạt động, những tồn tại, khó khăn trong công tác ủy nhiệm, ủy thác của các tổ chức chính trị, xã hội. Ngoài ra, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn đã quan tâm đưa ra các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, tồn tại và nghiêm túc phê bình các Hội nhận ủy thác, Tổ TK&VV hoạt động chưa hiệu quả. Kiên quyết kiện toàn, thay thế các Tổ trưởng tổ TK&VV không thực hiện tốt các nội dung ủy nhiệm theo hợp đồng đã ký kết với NHCSXH.

Thứ tư, sau các phiên giao dịch định kỳ, Cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn báo cáo kịp thời cho Chủ tịch UBND xã, thị trấn kết quả phiên giao dịch, các tổ TK&VV hoạt động chưa tốt, các Hội đoàn thể chưa thực hiện tốt công tác ủy thác, danh sách các hộ vay chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định...

Thông qua hoạt động của các điểm giao dịch tại xã, thị trấn NHCSXH huyện Phú Lộc đã đưa kịp thời đồng vốn tín dụng chính sách đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách. Hạn chế người dân phải tiếp cận với các nguồn tín dụng đen, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Đồng thời, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ cơ bản của Ngân hàng.

Hiện nay, NHCSXH huyện Phú Lộc đã triển khai tốt việc huy động tiền gửi trong dân cư, các tổ chức kinh tế, xã hội,... Nghiệp vụ này có thể thực hiện tại Trụ sở Ngân hàng huyện hoặc có thể thực hiện trực tiếp tại các điểm giao dịch xã (vào ngày giao dịch cố định hàng tháng), lãi suất tương đương lãi suất huy động của các Ngân hàng thương mại. Hoạt động này nhằm huy động nguồn vốn nhàn rỗi tạo nguồn cho vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo quy định. Tính đến nay, chỉ tiêu huy động tiết kiệm trong dân cư, đơn vị thực hiện được 27.747 triệu đồng, đạt 147% kế hoạch giao năm 2018, trong đó, 18/18 điểm giao dịch xã đã nhận huy động được tiền gửi với số tiền 10.476 triệu đồng, đạt 228% so với thời điểm cuối năm 2017.

Phải nói rằng trong thời gian qua NHCSXH huyện Phú Lộc thực sự là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo tại địa phương.

Đọc thêm