Nhiều bất cập trong việc hỗ trợ khắc phục hạn mặn ở Kiên Giang

(PLO) - Theo tìm hiểu của PLVN, đợt thiên tai vừa qua, toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 86.000ha lúa bị nắng hạn và nhiễm mặn, thiệt hại khoảng 2.350 tỷ đồng với 32.481 hộ nông dân bị ảnh hưởng. 

Trong khi đó, báo cáo của huyện U Minh Thượng cho biết: Trong đợt 1, toàn huyện có tổng diện tích thiệt hại 1.406,5ha, với tổng số tiền chi hỗ trợ cho người dân chỉ gần 2 tỷ  đồng – một con số quá “khiêm tốn” so với mức độ thiệt hại của người dân?! 

Điều tra thực tế của PLVN cho thấy, đến ngày 13/7, việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại sản xuất do hạn mặn trên địa bàn huyện U Minh Thượng vẫn còn nhiều bất cập, khuất tất, thiếu tính công bằng… gây bức xúc cho người dân. Cán bộ làm việc tắc trách, đặc biệt là công tác phân bổ và giám sát nguồn vốn hỗ trợ thiên tai hạn mặn của Chính phủ cho người dân tại hai huyện này còn quá lỏng lẻo.

Thích thì ghi hỗ trợ, không thích thì thôi!

Ghi nhận phản ánh của nhiều hộ dân tại các xã Vĩnh Hòa, Minh Thuận thuộc huyện U Minh Thượng cho thấy: Mặc dù cùng chung một xã nhưng có ấp thì người dân đã nhận được tiền hỗ trợ hạn mặn, có ấp thì người dân chưa có đồng nào. Càng khó hiểu hơn là các hộ sống chung một ấp đều có diện tích lúa thiệt hại giống nhau, nhưng “điều lạ” là có hộ thì được nhận hỗ trợ, có hộ thì không. Khi dân thắc mắc cán bộ địa phương bảo là do dân không khai báo nên sót, sau đó mới tiến hành bổ sung nhưng vẫn thiếu...

Ông Lư Văn Mến (ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa) bức xúc: “Nhà tôi có 5ha đất, vụ Đông Xuân vừa qua thiệt hại khoảng 50%. Lúa vừa trổ đồng đã bị lép hạt trên diện rộng, gia đình phải mua phân bón nợ số tiền lên tới hàng chục triệu đồng”. Khi hỏi về việc kê khai để được hưởng chính sách hỗ trợ, bà Lư Thị Sang (con ông Mến) xác nhận đến nay vẫn chưa có ai đến thông báo hay ghi danh sách gì về việc hỗ trợ hạn mặn. Bà Sang thắc mắc: “Không biết vì lý do gì mà có hộ dân được ghi danh sách, có hộ thì không, trong khi cũng cùng là người dân, cùng canh tác lúa và bị thiệt hại như nhau”… 

Chị Hồ Thị Kim Hằng và hàng chục hộ dân quanh ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa cũng không hiểu vì sao cùng canh tác ruộng giáp ranh nhau, bị thiệt hại như nhau nhưng hộ ranh bên kia thì được nhận hỗ trợ còn hộ ranh liền kề lại không. Chị Hằng cho biết vì quá bức xúc nên các hộ dân đồng loạt khiếu nại và sau đó mới được cán bộ ấp đến cập nhật ghi danh sách. Tuy nhiên, đến nay những hộ được bổ sung vào danh sách vẫn chưa nhận được đồng nào. 

Còn nữa, nhiều hộ dân ấp Minh Tiến, xã Minh Thuận, huyện U Minh cũng “cùng chung số phận”. Anh Lư Văn Tửng (tổ 2, ấp Minh Tiến, xã Minh Thuận) cho biết, anh có 6ha, mấy vụ rồi đều mất trắng, hiện tại nợ tiền phân bón, thuốc của đại lý gần 100 triệu đồng nhưng anh cũng như nhiều người dân khác trong ấp đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương…

Hỗ trợ theo kiểu “ban phát” cho dân!

Mang những bức xúc và khuất tất trong việc áp dụng hỗ trợ thiệt hại cho người dân đến gặp lãnh đạo huyện, ông Giang Văn Phục- Bí thư huyện U Minh Thượng– phân trần: Do người dân không khai nên chính quyền địa phương không biết, từ đó dẫn đến việc người có trong danh sách, người không. “Vừa qua huyện đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các hộ bị thiệt hại mà chưa có trong danh sách để ghi nhận bổ sung”, ông Phục nói.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là việc triển khai cũng như giám sát, phân bổ nguồn vốn hỗ trợ hạn mặn của Chính phủ tại các địa phương còn quá thờ ơ, lỏng lẻo. “Lỏng” từ quy trình khảo sát đến việc ghi nhận mức độ thiệt hại của người dân tại các địa phương này được tiến hành rất sơ sài. Thậm chí, chỉ tuyên truyền thông qua những lần sinh hoạt của tổ tự quản, rồi sau đó người dân bị thiệt hại tự đến trưởng ấp khai báo về việc mình bị thiệt hại.

Như vậy, người dân nào tự đến khai báo thì được ghi nhận, được lập danh sách nhận tiền hỗ trợ; còn nếu không đến khai báo thì không được ghi nhận và tất nhiên không được nhận gì cả. Hơn nữa, ngay cả việc ghi nhận diện tích thiệt hại để hỗ trợ người dân cũng có nhiều bất cập, có ấp thì áp dụng trừ bờ bao- tính trên diện tích gieo sạ; có ấp lại không trừ bờ bao- tính theo diện tích mà người dân sở hữu. Đó là chưa nói đến việc thẩm định mức độ thiệt hại cũng không được chú trọng…

Ông Phục cho biết thêm, ở tất cả các xã đều có thành lập Hội đồng thẩm định đến các ấp để khảo sát và thẩm định mức độ thiệt hại để áp dụng mức hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, phản ánh của người dân tại một số xã trên địa bàn này cho thấy hoàn toàn không có bất kỳ đoàn nào xuống để thẩm định. Khi PV đặt vấn đề này với Bí thư huyện thì vị Bí thư này ậm ờ bảo có lẽ địa bàn rộng quá nên “đi không hết”...

Vấn đề đặt ra là đối với những trường hợp ghi thiếu danh sách thì các địa phương có thể bổ sung. Nhưng việc ghi nhận diện tích thiệt hại không được áp dụng đồng nhất; việc đánh giá mức độ thiệt hại quá sơ sài… Như vậy, công tác hỗ trợ liệu có khách quan, công bằng và tránh gây lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước? Vấn đề này rất cần được cơ quan chức năng trả lời thỏa đáng. Bởi, việc làm thiếu trách nhiệm, tắc trách của cán bộ địa phương ngoài việc đẩy tiến độ hỗ trợ cho người dân bị chậm trễ, thậm chí còn khiến người dân mất luôn quyền lợi chính đáng lẽ ra họ được hưởng.

(Còn tiếp) 

Giật mình tổ trưởng, trưởng ấp làm công tác thẩm định

Theo quy trình, khi có thông tin hỗ trợ thiệt hại hạn mặn thì chính quyền địa phương phải thông báo cho người dân nắm bắt thông tin và tự kê khai mức độ, diện tích thiệt hại của mình để cán bộ ấp nắm và báo cáo về chính quyền xã. Sau đó, xã sẽ thành lập Hội đồng thẩm định với đủ thành phần, cán bộ có trình độ chuyên môn tiến hành công việc thẩm định. Đoàn khảo sát này sẽ đến từng hộ để thẩm định lại những thông tin mà người dân kê khai, sau đó trình lên chính quyền huyện để cơ quan này tham mưu UBND tỉnh xin cấp kinh phí. 

Quy trình là thế, tuy nhiên khi PV đến nơi tìm hiểu thực hư sự việc thì chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, nhiều người dân cho biết: Không có đoàn nào đến khảo sát, ghi nhận mức độ thiệt hại của người dân do hạn mặn gì cả. Người dân thông tin, việc tiến hành công việc ghi danh sách các hộ dân bị thiệt hại hầu hết là do vị trưởng ấp hoặc tổ trưởng thực hiện. Điều đáng nói là không biết các vị này ghi kiểu gì mà “người có, người không”. Thậm chí, rất nhiều người còn không biết đến thông tin về việc hỗ trợ thiệt hại của Nhà nước. Phải chăng, ở đây có sự thiên vị hay do năng lực chuyên môn khi tiến hành thẩm định, đánh giá đúng mức độ thiệt hại đối với người dân?!

Đọc thêm