Nhiều game show đang 'xả rác' vào khán giả truyền hình

(PLO) - Ồn ào, hỗn tạp, thiếu chuyên môn, thiếu tôn trọng khán giả… là vài trong số nhiều nhận xét mà khán giả dành cho một số chương trình truyền hình thực tế gần đây. Nhìn những gì mà thí sinh lẫn giám khảo thể hiện trong chương trình, nhiều người hoang mang không biết mục đích thực sự của các gameshow này là gì, hay chỉ để… tạo ra một cái chợ?
Thí sinh Next Top Model suýt đánh nhau, ê kíp chương trình phải can ngăn.

“Lập chợ” trên sóng 

Ngay từ khi mới phát sóng những tập đầu tiên, The Face 2017 đã khiến khán giả ngỡ ngàng vì cách thể hiện ồn ào, lộn xộn của mình. Trong khi huấn luyện viên (HLV) đặt ra cho thí sinh những câu hỏi hết sức kém duyên, kiểu như “em chụp hình quảng cáo nhiều rồi còn đi thi ở đây làm gì”, thì thí sinh, ngược lại cũng chẳng thèm nể mặt, đốp chat vào mặt HLV bằng những câu nói bất cần, thiếu lễ độ. Trong những tập của chương trình này, khán giả được xem nhiều nhất chính là… các cuộc cãi nhau. HLV cãi nhau, thí sinh cãi nhau, rồi thí sinh và HLV cãi nhau. Nhiều khán giả cho biết, có lúc phải tắt ti vi nửa chừng vì không chịu được tiếng ồn ào như vỡ chợ. 

The Face 2017 còn nổi tiếng với scandal mâu thuẫn nhau giữa HLV khi mà Lan Khuê và Minh Tú xô đẩy nhau ngay trong chương trình để giành chỗ đứng, khiến cho HLV thứ 3 là Hoàng Thùy bị ngã. Sự việc này đã gây nên những ồn ào hậu trường, vì câu hỏi “ai xô ai trước”, kéo theo tranh cãi kéo dài giữa fan và quản lý, bạn bè hai bên trên mạng xã hội.

Tương tự như The Face 2017, Việt Nam Next Top Model cũng bị không ít khán giả chê “chợ búa”, khi thí sinh cãi nhau ầm ĩ trên sóng. Thậm chí, mới đây nhất, các thí sinh trong ngôi nhà chung của chương trình vì mâu thuẫn đã ném đồ, hắt nước và suýt lao vào ẩu đả nhau, khiến ê kíp thực hiện chương trình phải vào  can thiệp. Rồi đến cả giám khảo chương trình cũng thỏa sức để cái tôi của mình ngự trị, tranh cái, đòi lấn át nhau và kết quả là mới đây, một trong ba giám khảo, Võ Hoàng Yến đã bỏ ghế nóng vì mâu thuẫn với giám khảo Nam Trung.

Không chỉ ở hai chương trình nói trên, khá nhiều gameshow khác, khán giả có thể chứng kiến các giám khảo cãi nhau nảy lửa đến không nhìn mặt nhau, như X-Factor, Nhân tố bí ẩn… Dường như, khi bất lực trong việc tìm cách thức để chương trình trở nên sôi động, hấp dẫn hơn, các nhà làm chương trình thường áp dụng công thức “cho cãi nhau” để thu hút khán giả, tăng lượng phát sóng.

“Rác truyền hình” gây lệch lạc nhận thức

Nhiều người cho rằng, tất cả các màn đấu khẩu nảy lửa trên sóng truyền hình của các chương trình như trên, hầu hết được sự “đặt hàng” từ phía nhà sản xuất để làm cho chương trình nóng lên. Tuy nhiên, nếu theo dõi kĩ những chương trình này, sẽ thấy chuyện “đặt hàng” không nằm ở các cuộc cãi nhau, mà thực tế, là nhà sản xuất “thả cửa” cho những người tham gia chương trình tự đẩy cái tôi của mình lên cao, đến đâu thì đến. Cãi nhau chỉ là một trong những hệ quả của sự khuyến khích “tự do, thoải mái” này.

Không ít lần, những người tham gia các chương trình truyền hình thực tế nói trên đã lên tiếng cho rằng, cãi nhau là cần thiết trong chương trình, nhằm rèn giũa thí sinh, thúc đẩy mọi thứ tiến lên. Cãi nhau – theo như lý giải của các nhà làm chương trình, còn là cách để thí sinh tự do bày tỏ tiếng nói, khẳng định cá tính của mình – một cách để thể hiện, bộc lộ bản thân nhằm giúp giám khảo phát hiện ra tài năng…

 Tuy nhiên, bất cứ ai theo dõi các chương trình cũng đều có thể nhận thấy, các cuộc cãi vã, tranh chấp, những câu chuyện lê thê ngoài lề của thí sinh và giám khảo thực chất chẳng có giá trị gì trong việc tìm kiếm, thúc đẩy tài năng và cũng không liên quan gì đến chuyên môn. The Face là chương trình tìm kiếm gương mặt sáng giá để đại diện thương hiệu. Next Top Model là chương trình tìm kiếm người mẫu tài năng.

Tương tự, các chương trình khác cũng là để tìm kiếm các tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng thay vì được xem các giám khảo huấn luyện thí sinh về kiến thức nghề nghiệp, về chuyên môn, cách hành xử đúng đắn và các quy tắc cần có trong nghề, thì lại toàn thấy cảnh thí sinh ngoi lên, chiến thắng bằng cách đấu võ mồm, giẫm đạp lên nhau. Dường như, khái niệm “cá tính”, “tài năng”, “khác biệt”… ở đây đã bị hiểu sai và thay thế bằng “cái tôi bất chấp”, “đấu đá”, “thiếu lễ độ”… Kể cả các giám khảo cũng lại là tấm gương rất xấu khi thiếu tôn trọng thí sinh, thiếu tôn trọng lẫn nhau. Nhiều khán giả, sau khi xem The Face 2017 chia sẻ: Không biết những cô gái với hành xử “chợ búa” thế này sẽ đại diện thương hiệu như thế nào đây?

Những cảnh phát sóng như thế, nhiều người gọi là “rác truyền hình”, bởi nó không đem lại ích lợi gì cho người xem, kể cả giá trị giải trí. Không chỉ thế, nó còn mang lại những tác dụng tiêu cực cho khán giả trẻ, vì dễ gây ra những nhận thức lệch lạc về chuẩn mực sống, cách hành xử giữa người và người, khái niệm về tài năng và sự phấn đấu… Thật ngạc nhiên, khi những thứ “rác truyền hình” này vẫn có thể tồn tại một thời gian dài mà chưa bị chấn chỉnh!

Đọc thêm