Cổng dịch vụ hành chính công một cửa điện tử được UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trương xây dựng để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn có thể thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, đơn giản, góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ. Để thực hiện mục tiêu đó, sau khi nghiên cứu giải pháp của các doanh nghiệp cũng như đi thực tế tại một số địa phương triển khai trước, UBND tỉnh Lâm Đồng đã lựa chọn VNPT là nhà cung cấp và triển khai Hệ thống.
Sau một thời gian triển khai, Hệ thống đã chính thức ra mắt tại địa chỉ http://motcua.lamdong.gov.vn. Hiện Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã kết nối liên thông, tích hợp hệ thống dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 với cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Tính đến thời điểm hiện tại, cả tỉnh có 18 cơ quan cấp tỉnh, 12/12 UBND huyện và thành phố, 19 UBND cấp xã đã được trang bị hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến.
Các đơn vị cấp tỉnh đã cung cấp được 235 thủ tục mức độ 3 (cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ, các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng); 46 thủ tục mức độ 4 (cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến, việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện).
Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho biết “Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước tại Lâm Đồng đã thực sự làm công khai, minh bạch nền hành chính công, góp phần xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, dân chủ, vì dân phục vụ, làm cho mọi người dân đều hài lòng, tin cậy”.
Ngoài Hệ thống một cửa điện tử liên thông, nhiều giải pháp CNTT khác của VNPT cũng đang được ứng dụng và đem lại hiệu quả tại Lâm Đồng. Ví dụ, giải pháp Hội nghị truyền hình VNPT Meeting đang được sử dụng để phục vụ các cuộc họp trực tuyến cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh với các đơn vị trực thuộc tuyến dưới, giúp tỉnh đảm bảo chỉ đạo thông suốt từ đơn vị cấp trên xuống cơ sở mà lại tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại. Phần mềm văn phòng điện tử VNPT eOffice cũng đang được triển khai sử dụng đồng bộ tại 59 cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã thông qua trục liên thông do Sở TT&TT quản lý…
Không chỉ đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhà nước, Lâm Đồng cũng là một trong số những tỉnh đi đầu cả nước trong việc xây dựng smart city để phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề của đô thị. Một lần nữa, giải pháp VNPT smart city của VNPT lại được lựa chọn để đưa Đà Lạt trở thành thành phố thông minh.
Sau gần một năm ký kết thỏa thuận hợp tác, VNPT đã hoàn thành xong Đề án đưa Đà Lạt trở thành một smart city. Trong đó, giai đoạn 2017 - 2020 sẽ chú trọng vào 9 lĩnh vực chính gồm: Chính quyền số; Nông nghiệp thông minh; Du lịch thông minh; Thành phố an toàn; Lĩnh vực môi trường; Quy hoạch đô thị thông minh; Giáo dục thông minh; Y tế thông minh và Giao thông thông minh.
Trong đó, nhóm giải pháp ưu tiên chính quyền số sẽ được thực hiện từ năm 2017 cho đến quý II/2018, thí điểm tại UBND tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt. Tương tự, nhóm giải pháp ưu tiên nông nghiệp cũng bắt đầu được triển khai từ năm 2017 với các tiểu dự án như quản lý chuỗi giá trị phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng tổng đài tin nhắn nông nghiệp, phần mềm thông tin thị trường nông sản.
Đối với ngành du lịch, Đề án ưu tiên thực hiện tiểu dự án xây dựng cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh từ tháng 9/2017. Tiếp đó, quý I/2018 sẽ xây dựng bản đồ du lịch thông minh, hệ thống wifi quảng bá du lịch để cung cấp cho người dân và du khách tại khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt, sân bay và các bến xe…
VNPT hiện đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về VT-CNTT với 55/63 tỉnh thành phố trên cả nước. Tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, các giải pháp của VNPT cũng đang được tin dùng và phát huy hiệu quả.