Nhiều gian dối trong việc thanh lý khối tài sản dạy nghề ở trường Cao Thắng?

(PLVN) - Khối tài sản thuộc 2 dự án về việc “Tăng cường thiết bị dạy học cho trường THPT Cao Thắng thí điểm THPT kỹ thuật và dạy nghề” tỉnh Thừa Thiên Huế được các tổ chức nước ngoài tài trợ sau thời gian triển khai thực hiện được đánh giá rất khả thi. Năm 2016 trường Cao Thắng dừng dạy nghề, khối tài sản này được điều chuyển và thanh lý. Tuy nhiên, lợi dụng sự lỏng lẽo của cơ quan chức năng đơn vị thanh lý đã có nhiều nghi vấn biểu hiện sự gian dối.
Trường THPT Cao Thắng nơi nghi vấn có nhiều gian dối trong thanh lý khối tài sản dạy nghề
Trường THPT Cao Thắng nơi nghi vấn có nhiều gian dối trong thanh lý khối tài sản dạy nghề

Cố tình biện hộ nhằm trốn tránh trách nhiệm

Thực hiện việc triển khai thí điểm THPT kỹ thuật và dạy nghề theo chương trình của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã Quyết định thành lập trường THPT Cao Thắng với 3 nhiệm vụ: Tổ chức dạy học chương trình THPT đại trà; thực hiện thí điểm THPT kỹ thuật; tiếp tục giảng dạy nghề phổ thông và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Để thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trên, trường THPT Cao Thắng ngoài việc nỗ lực đáp ứng về mặt chuyên môn cần phải trang bị CSVC - TBDH (gọi tắt là tài sản) tương ứng đối với các mặt hoạt động giáo dục đa dạng.

Trên tinh thần đó, trường Cao Thắng từ năm học 2007 - 2008 đã triển khai 6 ngành nghề chính như: Tin học ứng dụng; điện dân dụng; điện tử dân dụng; cắt may; gia chánh; làm vườn và đã được Hiệp hội Thúc đẩy Giáo dục và Đào tạo Nước ngoài - đất nước Bỉ (gọi tắt là APEFE) và Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Thụy Sĩ (gọi tắt là SVTC) tài trợ một khối tài sản tương đối đầy đủ, nguyên giá được tính khoảng trên 2,3 tỷ đồng. 

Sau thời gian triển khai thực hiện, chương trình được đánh giá rất khả thi. Tuy nhiên, đến năm 2016 trường THPT Cao Thắng dừng dạy nghề, khối tài sản này được điều chuyển và thanh lý. Lợi dụng sự lỏng lẽo của cơ quan chức năng trong quá trình thanh lý trường THPT Cao Thắng đã có nhiều nghi vấn biểu hiện sự gian dối.

Trên cơ sở phản ánh của công dân, PV đã tiến hành đi sâu tìm hiểu sự việc. Trả lời câu hỏi về nguồn gốc khối tài sản được các tổ chức tài trợ cho trường, bà Hoàng Thị Mai, nguyên hiệu trưởng trường THPT Cao Thắng cho biết: “Tôi là giáo viên dạy nghề và sau đó là phó giám đốc, rồi giám đốc Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp dạy nghề Huế. Ngày 15/8/2007 Trường THPT Cao Thắng được thành lập trên cơ sở của Trung Tâm này. Tôi được bổ nhiệm Hiệu trưởng cho đến 15/9/2015 thì nghỉ hưu. 

Trong thời gian đó tôi được tiếp cận dự án SVTC, dự án đã tài trợ về thiết bị dạy nghề trong 3 năm 1998, 1999 và 2000 khoảng 1,5 tỷ đồng. Năm 2008 - 2010 tôi trực tiếp làm việc với dự án APEFE và được hỡ trợ số trang thiết bị có giá trị trên 735 triệu đồng.

Lúc nghỉ hưu tôi đã bàn giao lại cho hiệu trưởng mới đầy đủ, giá trị tài sản được đánh giá rất cụ thể, chi tiết. Trong đó nhiều tài sản mặc dù đã qua sử dụng nhưng còn rất tốt, giá trị sử dụng còn trên 40 - 50% nhưng nếu hết tỷ lệ khấu hao tôi cam đoan là vẫn sử dụng tốt. Ngoài ra trường Cao Thắng còn được Nhật Bản tài trợ dự án IMOLA với hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ dạy nghề gia chánh vào năm 2010 cũng tương đối lớn, còn hiện nay số tài sản trên như thế nào tôi không rõ”.

Một phòng dạy nghề may công nghiệp của trường THPT Cao Thắng được APEFE và SVTC tài trợ đưa vào sử dụng năm 2010
Một phòng dạy nghề may công nghiệp của trường THPT Cao Thắng được APEFE và SVTC tài trợ đưa vào sử dụng năm 2010 

Để có cơ sở phản ánh khách quan, sáng 12/12/2019, PV tiến hành làm việc với Ban giám hiệu trường THPT Cao Thắng. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Ngô Đắc Dũng, Hiệu trưởng khẳng định lúc nhận bàn giao chức trách hiệu trưởng từ bà Mai ông đã nhận đủ danh mục số tài sản trên của trường.

Khi PV đề nghị cung cấp tài liệu các danh mục bàn giao tài sản, ông Dũng chỉ đạo ông Đoàn Văn Tiến - Phó hiệu trưởng, người được giao nhiệm vụ quản lý tài sản của trường và đồng thời cũng là người trực tiếp kiểm đếm, đánh giá giá trị tài sản từ các giáo viên phụ trách các nghề và ký nhận bàn giao số tài sản trên lúc bà Mai bàn giao để nghỉ hưu - thực hiện. Tuy nhiên, ông  Đoàn Văn Tiến đã vòng vo né tránh hết cả buổi sáng nhưng vẫn không chịu cung cấp.

Có mặt buổi chiều cùng ngày, ông Đoàn Văn Tiến tiếp tục vòng vo và cho rằng: “Lúc bà Mai bàn giao cho chúng tôi không có sổ sách gì, lúc nhận bàn giao tôi ký theo danh mục trong giấy tờ thôi chứ số tài sản đó chúng tôi không biết… Đến năm 2016 tôi mới cho đánh giá lại số tài sản trên và thống kê, lập danh sách đầy đủ. Còn anh muốn tiếp cận hồ sơ này thì không thể tiếp cận được (!?)”. Tuy nhiên, cuối buổi chiều ông Dũng hiệu trưởng đã chỉ đạo ông Tiến phải cung cấp và sáng hôm sau chúng tôi mới có được một ít tài liệu.

Không thể chấp nhận kiểu cố tình né tránh của vị Phó hiệu trưởng này, ngày 13/01/2020 chúng tôi đến làm việc với Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế để yêu cầu chỉ đạo cung cấp tài liệu thì đã được Phòng Tài chính của Sở về làm việc với trường và cung cấp tương đối đầy đủ.

Sau đó, ngày 20/02/2020 chúng tôi tiếp tục làm việc với Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế và đề xuất có cán bộ Sở cùng về trường làm việc. Có được tài liệu trong tay chúng tôi mới khẳng định lúc nhận bàn giao chức trách, nhiệm vụ lãnh đạo trường THPT Cao Thắng bên giao, bên nhận đã có đầy đủ văn bản, danh mục kê khai, đánh giá rất chi tiết từng loại tài sản và đặc biệt trong biên bản có đầy đủ chữ ký của thành phần liên quan (!?). 

Vậy nguyên nhân vì sao ông Đoàn Văn Tiến - Phó hiệu trưởng trường THPT Cao Thắng, người được giao nhiệm vụ quản lý tài sản của trường lại cố tình không cung cấp tài liệu? Phải chăng có gì uẩn khúc khi khối tài sản trên ngoài số ít được điều chuyển thì đến nay trường đã xử lý gần hết..?!

Gian dối trong việc thanh lý tài sản

Đối chiếu một số biên bản kiểm kê tài sản được lập vào thời điểm bàn giao chức trách nhiệm vụ hiệu trưởng do thành viên kiểm kê lập để đánh giá chất lượng tài sản bàn giao có chữ ký của bà Hoàng Thị Mai - Hiệu trưởng, ông Đoàn Văn Tiến - Phó hiệu trưởng cùng các thành viên liên quan ký tên.

Kết quả kiểm tra đã đánh giá nhiều tài sản có giá trị tốt hoặc bình thường, chất lượng còn từ 40-50%. Vậy nhưng không lâu sau đó trong biên bản kiểm kê ngày 20/7/2016 các thành viên kiểm kê của trường này lại đánh giá chất lượng số tài sản trên kém hoặc hỏng, đề nghị thanh lý và tiêu hủy (?!)

Điển hình trong việc gian dối được chúng tôi phát hiện đó là tại biên bản kiểm kê công cụ, dụng cụ Phòng may công nghiệp (P40) được lập ngày 20/7/2016 do ông Đặng Văn Phú lập có xác nhận đầy đủ của lãnh đạo trường, kế toán… đã báo một số tài sản hỏng như máy 1 kim JUKI DDL 8300 25 bộ hỏng 10 bộ, vậy nhưng sau đó 1 tháng tức ngày 20/8/2016 bà Lê Thị Bích Hoa - Giáo viên phụ trách nghề May trước khi chuyển công tác đến đơn vị mới thì số máy này được đánh giá là đang còn giá trị 50%, chất lượng cả 25 máy đều bình thường…

Hay như trong biên bản thanh lý đợt 1 được lập ngày 22/10/2016 có đại diện của các Sở: GĐ&ĐT, Tài chính, KH&CN, hiệu trưởng, kế toán trường THPT Cao Thắng đã đưa ra danh mục thanh lý hàng trăm đơn vị tài sản được báo tổng nguyên giá chỉ hơn 501 triệu đồng nhưng trong bảng danh mục lại không kê nguyên giá của từng đơn vị tài sản thanh lý.

Thanh lý hàng trăm đơn vị tài sản được báo tổng nguyên giá chỉ có trên 501 triệu đồng, trong khi đó nguyên giá của 25 máy 1 kim JUKI đã có nguyên giá trên 188 triệu đồng
Thanh lý hàng trăm đơn vị tài sản được báo tổng nguyên giá chỉ có trên 501 triệu đồng, trong khi đó nguyên giá của 25 máy 1 kim JUKI đã có nguyên giá trên 188 triệu đồng 

Điều đáng nói ở đây là quá trình thanh lý không có biên bản đấu giá, không có hợp đồng mua bán cũng như không biết ai là tổ chức, cá nhân mua hàng thanh lý… và số tài sản trên chỉ bán được hơn 7,4 triệu đồng? Trong khi đó, theo tài liệu mà chúng tôi có được thì số tài sản này phải có giá trị nguyên giá gấp nhiều lần. 

Đó là kết quả thanh lý đợt 1, vậy đợt 2 được thanh lý ngày 25/2/2019 thì sao...? Khi xem hồ sơ chúng tôi thật bất ngờ về sự gian dối qua mặt cơ quan chức năng khi hội đồng thanh lý tài sản trường này đã đưa ra thanh lý tài sản có giá trị nhưng lại không thể hiện nguyên giá của tổng số tài sản.

Mặc dù trong danh mục kê khai có một số tài sản có đưa nguyên giá nhưng cũng gian dối hạ thấp xuống. Cụ thể như 15 máy 1 kim JUKI DDL 8300 có nguyên giá là trên 113 triệu đồng nhưng chỉ kê khai nguyên giá 37,5 triệu đồng, tương tự nhiều tài sản khác cũng vậy…

Không những thế quá trình thanh lý đã không có biên bản xác định chất lượng giá trị tài sản đề nghị thanh lý của các cơ quan thẩm quyền như Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, Sở KH&CN và khối tài sản trên chỉ trường tự ý định giá và bán được hơn 11 triệu đồng mà không qua đấu giá công khai hoặc làm đúng quy trình pháp luật... Hơn thế nữa về nguyên tắc tài chính cũng sai khi người mua tài sản không ký nộp tiền mà chỉ có kế toán và thủ quỹ nộp tiền và nhận tiền…

Chưa nói đến một số tài sản có giá trị năm 2015 được đánh giá chất lượng tốt và chỉ sau một thời gian ngắn trường THPT Cao Thắng không còn dạy nghề nữa thế nhưng trong đợt thanh lý năm 2019 lại báo hỏng, đưa đi hủy như máy may đa năng còn gọi là máy may điện Singer 988CC số lượng 20 cái có nguyên giá là 5.044 USD (khoảng trên 100 triệu đồng hiện nay) như vậy liệu có quá lãng phí?

Ngoài các tài sản có giá trị như nghề Gia chánh, May công nghiệp, May dân dụng… các ngành khác như Điện tử, Xe máy, Máy nổ, Máy lạnh, Điện kỹ thuật, Đan len máy, Tin học…mà chúng tôi chưa đề cập đến thì việc xử lý khối tài sản này sẽ ra sao liệu có đúng quy trình pháp luật hay cũng chỉ tìm cách “gian dối” để cho thanh lý hoặc báo hỏng để tiêu hủy...? 

Trong khi đó, theo nhận định của một số cán bộ, giáo viên và các chuyên gia nhận định thì số tài sản trên của trường Cao Thắng cơ bản đang sử dụng tốt nếu các cơ quan chức năng tỉnh này quan tâm và có trách nhiệm điều chuyển hết cho các trung tâm như dạy nghề hoặc trung tâm dạy nghề khuyết tật…thì giá trị biết mấy? Đằng này khối tài sản có giá trị như vậy lại để một số bộ phận nhỏ cán bộ tìm cách “gian dối” cho tiêu hủy và thanh lý để thu về chưa được vài chục triệu đồng…

Trước sự việc trên, dư luận khẩn thiết mong muốn các cơ quan chức trách như Thanh tra, Công an…và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cần sớm vào cuộc để làm rõ, tránh để dư luận bàn tán không tốt về những tiêu cực trong môi trường giáo dục của một tỉnh có truyền thống lâu đời./.

Đọc thêm