Nhiều khó khăn trong kê biên xử lý tài sản ở An Giang

(PLO) -Đây là một trong những khó khăn nổi lên của THADS An Giang, tuy nhiên, toàn ngành xác định tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra.
Hình minh họa
Hình minh họa

11 tháng năm 2018, Cục THADS An Giang cho biết, đã giải quyết xong 8.711 việc trong số có điều kiện thi hành. Về tiền, đã giải quyết xong 457.013.434 ngàn đồng. Công tác phối hợp với các ngành, công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiện toàn bộ máy tổ chức… được tiếp tục tăng cường. 

Tuy nhiên, cũng theo Cục THADS An Giang, tổng thụ lý về việc so với cùng kỳ tăng 1.349 việc (tỷ lệ tăng 8,12%), về tiền so với cùng kỳ tăng 933 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 30,56%); tính chất vụ việc ngày càng khó khăn và phức tạp (án lớn, án chùm, liên đới đến nhiều người, tài sản người phải thi hành án phân tán nhiều nơi, một người thi hành án cho nhiều người); biên chế được giao hiện nay 155 biên chế; biên chế hiện có chỉ 148 biên chế (thiếu 07 biên chế).

Bên cạnh đó, lực lượng chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án trình độ, năng lực chưa đồng đều. Biên chế và lượng án phải đưa ra thi hành chưa tương xứng. Lượng án ngày càng tăng, nhưng biên chế được giao chưa tương xứng; bộ máy chậm được kiện toàn, vì vậy, đơn vị gặp nhiều khó khăn khi thực thi nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao.

Ngoài những nguyên nhân về chủ quan, Cục THADS An Giang cho biết, việc kê biên xử lý tài sản theo Luật THADS gặp nhiều khó khăn, cụ thể: Doanh nghiệp phá sản, tài sản ở nhiều nơi, khi định giá thì giá trị tài sản thế chấp không đủ để thi hành án. Nhiều tài sản đưa ra bán đấu giá không có người mua, phải giảm giá nhiều lần; người được thi hành án không chịu nhận tài sản để thi hành án theo quy định; nhất là án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng; án chùm… 

Trong quá trình kê biên, định giá, theo quy định thì Chấp hành viên phải hợp đồng với Trung tâm thẩm định giá để xác định giá trị tài sản, nhưng thời gian thẩm định kéo dài; tài sản đưa ra bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên phải thực hiện lại các thủ tục cần thiết dẫn đến kéo dài thời gian thi hành, gây bức xúc cho người được thi hành án, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án và hiệu quả công tác chung.

Đặc biệt, tài sản là bất động sản, đương sự chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau khi kê biên, định giá không đưa ra bán đấu giá được, có trường hợp nhà của người phải thi hành án xây cất trên đất do người khác đứng tên…

 Cạnh đó, do đặc thù của địa phương có một số huyện giáp vùng biên giới Campuchia, trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế; đối với người dân tộc Khmer là người phải thi hành án, Chấp hành viên gặp nhiều khó khăn khi tác nghiệp; địa bàn rộng, đi lại khó khăn vào mùa nước nổi…

Trong khi đó, ý thức tuân thủ pháp luật của người phải thi hành án chưa cao như: Chấp hành viên mời không đến, tránh né, trì hoãn, không hợp tác, gửi đơn khiếu nại, viện dẫn ra nhiều lý do, thậm chí tỏ thái độ chống đối… mục đích để kéo dài, tìm cách tẩu tán tài sản, khi đến giai đoạn cưỡng chế kê biên, thẩm định giá, đấu giá tài sản thì có nhiều trường hợp đương sự khiếu nại về mức giá đã định, khiếu nại về quyền, sở hữu tài sản kê biên, gây khó khăn trong quá trình thi hành án. 

Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng Cục THADS An Giang xác định thời gian tới, tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; đẩy nhanh tiến độ thi hành án, đôn đốc công tác giải quyết án phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao. 

Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy, tổ chức THADS toàn tỉnh; tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra công vụ đối với các đơn vị trực thuộc (đột xuất); tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đối với các đơn vị đạt kết quả thi hành án thấp trong 11 tháng đầu năm Cục THADS sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng giúp các đơn vị đẩy mạnh tiến độ giải quyết án, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao; tiến hành kiểm tra việc phân loại án của các đơn vị có tỷ lệ phân loại án có điều kiện về việc, tiền thấp hơn so với mặt bằng chung của toàn tỉnh.

Đồng thời, nghiêm túc triển khai thực hiện các Quy trình, Quy chế, Kế hoạch, Kết luận, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS; thực hiện tốt các quy trình theo quy định của Luật THADS và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS; xây dựng Kế hoạch tiếp tục tổ chức quán triệt Chỉ thị số 05/2016/CT-TTg đến toàn thể lực lượng công chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Cục THADS. 

Đọc thêm