Vụ việc đã được xét xử ở cấp phúc thẩm, tuy nhiên, ông Bình cho rằng bản án trên còn nhiều thiếu sót khi không đánh giá đúng thực tế của vụ việc, nhiều tình tiết không được HĐXX xem xét.
Suốt 30 năm không được biết di chúc
Theo trình bày của ông Bình, ngày 08/1/1976, ông bà nội của ông Bình là cụ Huỳnh Ngọc Châu và cụ Nguyễn Thị Phú có lập di chúc (tương phân) và được UBND xã Long Tân xác nhận, công chứng. Di chúc được lập làm 3 bản, hiện bà Huỳnh Thị Ngọc giữ 01 bản, ông Huỳnh Thành Lê (bố ông Bình) giữ 02 bản, các ông bà này là con của cụ Châu và cụ Phú. Theo nội dung tờ di chúc có nói rõ tổng tài sản có, chia cho các con và phần để lại cho cháu nội là ông Bình. Tất cả các thành viên có tên lúc đó đã hưởng luôn tài sản, trừ ông Bình, do lúc đó ông Bình mới có 8 tuổi.
Năm 1981 cụ Châu chết, năm 1982 cụ Phú chết, lúc này ông Bình mới 14 tuổi, nên di sản được thừa kế vẫn do bố mẹ ông Bình quản lý. Do còn nhỏ, nên ông Bình không hề hay biết về bản di chúc trên và việc mình được ông nội chia đất cho để làm nơi thờ cúng, hương hoả. Mãi tới năm 2012, ông Bình mới được biết rõ về tài sản của ông được hưởng theo di chúc mà bao nhiêu năm nay bố mẹ ông đã giấu nhẹm đi.
Kể về quá trình được biết tờ di chúc của ông bà nội mình, ông Bình kể: “Trong phần đất hương hỏa để lại, ông bà nội tôi có cho ông Thành mượn 1.000m2 để ở nhờ ông Thành có khai hoang được thêm 2.400m2. Tuy nhiên, bằng những cách chuyển đổi kê khai, con dâu ông Thành là bà Nguyễn Thị Kim Liên đã hợp thức hóa 6.900m2 đất. Do đó đã lấn sang gần 4.500m2 đất mà tôi được hưởng từ thừa kế của ông bà nội. Năm 2011 bố mẹ tôi đã gửi đơn khiếu kiện UBND huyện Nhơn Trạch về việc cấp sai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho bà Liên. Năm 2012 tôi được biết về bản di chúc phô tô, nên ngày 08/6/2012 tôi đã có đơn xin tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do đất tranh chấp đất theo di chúc ông bà nội để lại”.
Sau đó, nhận thấy quyền lợi bị xâm phạm, ngày 18/12/2014, ông Bình đã khởi kiện vợ chồng ông Công và bà Liên về việc tranh chấp liên quan tới thửa đất số 180; tờ bản đồ số 23 đã được cấp giấy CNQSDĐ diện tích 6.900m2 có chồng lấn sang đất thừa kế do ông bà nội để lại của ông Bình. Diện tích sau khi đo đạc lại trừ mở rộng đường còn lại là 3.696,3m2.
Ngày 25/7/2017, TAND huyện Nhơn Trạch đã đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, HĐXX lại cho rằng ông Lê bố của ông Bình mới là người được quyền quản lý và sử dụng phần đất của cụ Châu và cụ Phú để lại có diện tích là 3.696,3m2. Kể từ đây, phát sinh ra tranh chấp giữa hai cha con ông Lê và ông Bình.
Không đồng ý với bản án trên, ông Bình kháng cáo. Ngày 24/9/2018, TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm, tiếp tục tuyên án ông Lê được quyền quản lý sử dụng phần đất đó. Cũng tại phiên tòa này, ông Bình mới chính thức được cầm bản chính của bản di chúc của ông nội để lại.
Sau khi được cầm trên tay chính thức tờ di chúc của ông bà nội và đọc kỹ các bản án sơ thẩm, phúc thẩm, ông Bình cho rằng có nhiều tình tiết, nhận định trọng vụ án còn sai sót, nhiều nội dung chưa được làm rõ.
Ngày 04/10/2018, ông Bình làm đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tới TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ngày 14/11/2019 TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã ra thông báo trả lời không xét được thủ tục giám đốc thẩm.
Về việc TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh không xem xét thủ tục giám đốc thẩm với vụ án của mình, ông Bình cho rằng như vậy là không công bằng, dẫn tới oan sai. Ông Bình nói: “Tôi rất bất bình với cách giải quyết của các cán bộ Tòa án cấp cao TP Hồ Chí Minh, nó thể hiện không chuyên nghiệp, không kiểm tra kỹ hồ sơ, không xem xét kỹ các tình tiết, không làm rõ những lời khai man, dối trá của bố mẹ tôi là ông Huỳnh Thành Lê và bà Lê Thị Nhê”.
Bản án còn nhiều sai sót?
Lý do ông Bình đề nghị giám đốc thẩm lại vụ án vì ông cho rằng có rất nhiều tình tiết cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa nghiên cứu kỹ, nhận định dựa vào những lời khai mà không bám sát vào trọng tâm chính của việc tranh chấp là bản di chúc, dẫn đến quyết định sai, tước đi lợi ích hợp pháp của ông.
Ông Bình nêu ra nhiều điểm bất cập trong việc giải quyết của toà án như: Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đều nhận định xác nhận nguồn gốc đất tranh chấp 3696,3m2 (theo đo đạc thực tế) thửa số 180 tờ bản đồ số 23 là của cụ Châu, cụ Phú để lại, cũng xác định phù hợp với di chúc (tờ tương phân) ngày 08/1/1976. Theo tờ tương phân cụ Châu, cụ Phú chỉ chia cho ông Huỳnh Thành Lê 1.500m2 đất thổ hạng 3 tại vị trí giáp mặt Lô 15, đã được xác định nằm tại vị trí ngôi nhà ông Lê, bà Nhê đang ở. Vậy tại sao bản án cấp phúc thẩm lại tuyên án “Công nhận cho ông Huỳnh Thành Lê được quyền sử dụng diện tích đất 3.696,3m2”. Toà án tuyên như vậy là đã xác nhận sai so với tờ di chúc của cụ Châu, cụ Phú để lại.
Thêm vào đó, mâu thuẫn chính của vụ kiện tranh chấp là ở chỗ theo tờ di chúc đã thể hiện rõ nguyện vọng của cụ Châu và cụ Phú là cho các con cháu, trong đó phần đất 1 héc ta đất ruộng và 2 ha đất rừng sẽ để lại cho ông Bình sau khi hai cụ qua đời. Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm không nhận định vấn đề mấu chốt là cần xác định chính xác các vị trí tài sản của cụ Châu và Phú bao gồm: Ruộng 5.9ha; đất vườn 0.7ha; thổ hạng 3 là 0.4ha và rừng 2ha. Để từ đó xác định các vị trí tài sản thừa kế của ông Bình được hưởng. Mặt khác, vai trò quan trọng nhất xác định vị trí đất thuộc về Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, nhưng lại vắng mặt tại phiên xét xử nên khiến các bên đương sự chưa thể làm sáng tỏ các vấn đề liên quan.
Đặc biệt, vì không xác định một cách chính xác, khách quan vị trí của các thửa đất mà ông bà nội ông Bình để lại làm tài sản thừa kế, dẫn đến việc tòa án các cấp tuyên xử ông Bình không có quyền lợi tại 3696,3m2 là do xác định rằng, ông Bình đã đồng ý cho bố ông là ông Lê bán 2 ha đất thừa kế.
Về vấn đề này, ông Bình cho rằng TAND các cấp chưa xem xét kỹ nên đưa ra quyết định không chính xác. Ông Bình nêu quan điểm: “Di chúc chưa công khai thì tôi làm sao biết đất của tôi ở đâu mà tôi đồng ý bán. Năm 2001 ông Lê có ý định bán khu đất rẫy khai hoang này và có chồng lấn vào đất hương hỏa khoảng 6.500m2 nên bị các cô, chú tranh chấp đòi quyền lợi. Do đó, ông Lê bảo tôi lên xã họp hòa giải cứ nói là đồng ý bán phần đất rẫy ông bà để lại để các cô, chú không kiện nữa? Trong biên bản hòa giải cũng không có tên tôi, tôi cũng không biết đọc, không biết viết và kết luận biên bản hòa giải cũng không thành”.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm không xác minh diện tích đất khai hoang của bố mẹ ông Bình nằm ở đâu, nên việc kê khai đất khai hoang vào tờ di chúc là không thực sự khách quan. Chính bố mẹ của ông Bình cũng có lời khai mâu thuẫn nhau. Lúc khai là đất khai hoang, lúc lại khai là đất cho bằng miệng. Lời khai không đồng nhất như thế nhưng sau đó tòa sơ thẩm, phúc thẩm và cả Tòa cấp cao TP Hồ Chí Minh lại kết luận là nguồn gốc do cụ Châu, cụ Phú để lại cho ông Huỳnh Thành Lê.
Thêm điều chưa được làm rõ, là diện tích đất rừng hương hỏa mà cụ Châu và cụ Phú để lại cho ông Bình chính là phần đất trên đó có 17 ngôi mộ gia tiên hiện hữu từ những năm 1930 đến nay. Mộ này được ông bà nội ông Bình chăm nom từ những năm 1930 đến khi chết. Do đó, không thể nhận định và kết luận là ông Lê đã khai hoang phần đất đã được xây mộ này. Đất khai hoang phải là phía sau trên đồi, đất rừng hoặc khu vực khác cách xa khu mộ, chứ không phải như nhận định của tòa.
Trước những thông tin trên, gia đình ông Bình mong muốn được TAND Tối cao xem xét lại và giải quyết vụ án một cách khách quan, chính xác nhất. Để đảm bảo quyền lợi, cũng như tránh oan, sai đáng tiếc nếu có.