Nhiều lắm những 'Nick Vujic Việt'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu theo dõi TikTok hay các nền tảng mạng xã hội khác, bạn có thể đã một lần bắt gặp cái tên “Cụt yêu đời” - Nguyễn Ngọc Nhứt, hiện là sinh viên năm cuối Đại học Công nghệ TP HCM; Lê Thị Thảo Nguyên, sinh ra đã bị bại liệt nửa người nhưng vẫn kiên cường đến trường trên lưng mẹ, lưng dì…
Nguyên và mẹ trên đường đến trường.
Nguyên và mẹ trên đường đến trường.

Phải tự đi trên đôi chân mình

Sau biến cố bị mất hai bàn tay vào năm 16 tuổi, Nhứt bắt đầu học cách sinh hoạt bằng “đôi tay mới” của mình. “Tôi xây dựng các kênh mạng xã hội với tên “Cụt yêu đời” để chia sẻ câu chuyện cuộc sống của mình đến các anh chị người khuyết tật khác, giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc đời”, Nhứt nói.

Năm 2023, Ngọc Nhứt cùng bạn bè thành lập nhóm “Gia đình thứ 2” với gần 40 thành viên là người khuyết tật. Đây là nơi những người khuyết tật có thể trao đổi cách thức tự chăm sóc bản thân cũng như kinh nghiệm sống, làm việc và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Nguyễn Ngọc Nhứt sở hữu trang Facebook khoảng 40.000 người theo dõi và tài khoản Tiktok có 110.000 người theo dõi.

Tháng 6 vừa qua, Dự án Bộ khớp đa năng - Hỗ trợ cho người khuyết tật vận động chi trên của Nguyễn Ngọc Nhứt đã giành ngôi vị Quán quân HUTECH Startup Wings 2024.

Trong một lần trò chuyện cùng nhóm bạn, Ngọc Nhứt được gợi ý: “Tại sao anh không làm dụng cụ hỗ trợ những người giống như anh?”. Ngọc Nhứt cho biết, sản phẩm bộ khớp đa năng gồm hai bộ phận chính là phần kết nối trực tiếp với mỏm cụt của tay (hay còn gọi là socket) và bộ phận khớp. Các khớp này có nhiều tính năng khác nhau và có khả năng thay thế sao cho phù hợp với từng công việc người khuyết tật muốn thực hiện như: cầm muỗng, gõ phím, sử dụng chuột máy tính.

Thảo Nguyên và mẹ.

Thảo Nguyên và mẹ.

Trong suốt khoảng một năm, cả nhóm đã liên tục nghiên cứu, mang cho người khuyết tật ở nhiều nơi thử nghiệm, khắc phục những hạn chế và sản phẩm hiện tại được xem như là đã hoàn thiện. Bên cạnh bộ khớp đa năng, Ngọc Nhứt và các bạn đang ấp ủ phát triển thêm những sản phẩm mới có nhiều công dụng khác để phục vụ người khuyết tật…

Biến cố bất ngờ ập đến năm anh 16 tuổi, vào một buổi sáng đi đến công trình làm việc. Sau cơn mưa nhỏ vừa tạnh, khi đang cùng hai người thợ lợp tôn cho mái nhà cách đường điện trung thế khoảng 3 mét, Nhứt bị điện giật rơi từ trên cao xuống.

Thời điểm đó, do chưa đủ kiến thức nên Ngọc Nhứt không rõ ràng về mức độ nghiêm trọng khi bị điện ba pha giật. Đến khi bị vỡ mạch máu tay trái, xém chết lần hai do nơi ở xa phòng phẫu thuật mà lại mất máu quá nhiều, anh mới vỡ lẽ về tình trạng của bản thân. Sau khi chuyển viện lần hai, Nhứt tiến hành phẫu thuật cắt bỏ chi trái. Ca phẫu thuật diễn ra ngay cả khi anh và bác sĩ không biết phải cắt bỏ đến đâu vì phải tiến hành ca mổ để xem tình trạng hoại tử.

Trải qua hơn 5 - 6 cuộc phẫu thuật sau khi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy để cứu chữa tay phải, Ngọc Nhứt trở nên sợ hãi mỗi khi nhìn vào vết thương. Thay rửa vết thương trở thành nỗi ám ảnh của anh lúc bấy giờ, bởi vì quá đau đớn và ghê sợ với hình ảnh cánh tay chỉ còn là xương.

Cú sốc sau tai nạn khiến Nguyễn Ngọc Nhứt tự trách nặng nề, bởi vốn trước đó, anh đã kịch liệt cãi lời bố mẹ, quyết định nghỉ học phụ giúp gia đình, để mẹ anh không cần đi làm tha hương nữa. Nhưng trớ trêu thay, biến cố bất ngờ đã biến mong muốn giúp đỡ trở thành nguyên nhân khiến anh như hiện tại.

Ngọc Nhứt bắt đầu lên mạng tìm những trường hợp giống mình để xem cuộc sống của họ thế nào. Nhìn những người có cùng cảnh ngộ với mình vẫn sống tốt, Nhứt bắt đầu có lòng tin rằng mình sẽ làm được. Mặt khác, anh không chấp nhận cuộc đời còn lại của mình sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình. Chàng trai sớm tự lập năm ấy hiểu được gia đình không có trách nhiệm với cuộc đời của anh và một ngày nào đó, họ sẽ phải rời đi. Từ đó, Nguyễn Ngọc Nhứt dần tìm cách tự chăm sóc cho mình, tập lại mọi thứ như một đứa trẻ bằng đôi tay mới.

Quyết định đi học lại từ năm lớp 9 đã tạo nên bước ngoặt cuộc đời Ngọc Nhứt. Khoảng thời gian đầu đi học lại, Nhứt bị “hụt hơi” so với các bạn vì thiếu kiến thức nền tảng. Không bỏ cuộc, Nhứt tự tìm tòi học thêm trên mạng, mua những khóa học của lớp 6, 7, 8 để bổ sung kiến thức. Nỗ lực được đền đáp, cuối năm đó, anh đã theo kịp kiến thức của mọi người. Đó cũng là nền tảng để Nhứt đi hết chặng đường THPT và lên đại học.

Nguyễn Ngọc Nhứt giới thiệu sản phẩm tại triển lãm “HUTECH Startup Show”. (Ảnh trong bài: NVCC)

Nguyễn Ngọc Nhứt giới thiệu sản phẩm tại triển lãm “HUTECH Startup Show”. (Ảnh trong bài: NVCC)

“Có thể mục đích của mình và người khác giống nhau, nhưng hành trình đi đến mục tiêu của mỗi người là khác nhau. Mình không lấy con đường của người khác để áp đặt cho mình, không bắt buộc bản thân phải đi theo con đường của ai khác mà sẽ tự đi trên con đường của chính mình. Mình mong muốn giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ, để họ thấy có những người giống như họ, vẫn đang sống rất tốt và có thể tự lập, cho họ lòng tin rằng họ có thể làm được”, Nguyễn Ngọc Nhứt chia sẻ.

Tới trường trên lưng mẹ, lưng dì và chạm tay tới khát vọng

Từ nhỏ tới lớn, mọi sinh hoạt của Thảo Nguyên (ở xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đều phải nhờ vào người khác. Cô gái khuyết tật đầy nghị lực ấy đã vượt qua số phận để tạo nên kỳ tích: trở thành sinh viên K46, ngành tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Quy Nhơn.

Cha bỏ đi khi cả hai anh em Thảo Nguyên còn nhỏ khiến gia đình vốn nghèo khó càng thêm khốn đốn. Một mình bà Lương Thị Hoa gánh gồng nuôi hai con. Từ lúc Thảo Nguyên còn nhỏ, người chị gái của bà là bà Lương Thị Hương thường xuyên cõng đứa cháu gái đi học. “Trong thời gian đi học, mẹ và dì là người đưa em đến trường, sau đó dì sẽ ngồi chờ em đến hết buổi học. Có những khi, cả ba người cảm thấy mệt mỏi và muốn dừng lại, bởi vì nó thật sự quá gian nan và có thể kết thúc bất cứ khi nào vì lý do sức khỏe. Để em có thể hoàn thành ước mơ của mình, hai người phụ nữ ấy đã phải hy sinh rất nhiều, từ thời gian cho đến công sức, thậm chí là chấp nhận cuộc sống khó khăn để có thể chăm sóc cho em một cách tốt nhất”, Thảo Nguyên tâm sự.

Nguyễn Ngọc Nhứt sở hữu trang Facebook khoảng 40.000 người theo dõi và tài khoản Tiktok có 110.000 người theo dõi.

Nguyễn Ngọc Nhứt sở hữu trang Facebook khoảng 40.000 người theo dõi và tài khoản Tiktok có 110.000 người theo dõi.

Bị bệnh từ khi còn bé, đôi tay của em không nâng nổi vật nặng nhưng may thay vẫn còn cảm giác. Từ nỗ lực của mình Nguyên chăm chỉ viết chữ, dùng tất cả ý chí, sự kiên cường và kiên trì mà em có được để hoàn thành xong chương trình 12 năm học. Đối với em, động lực có lẽ là khi nhìn thấy mẹ và dì, hai người phụ nữ đã hi sinh rất nhiều, từ thời gian đến công sức, chấp nhận cuộc sống khó khăn để có thể chăm sóc cho em một cách tốt nhất. “Em thấy được trên khuôn mặt mẹ và dì là nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền, lo lắng không biết nhờ cậy vào ai, không biết xoay xở như thế nào. Nhưng họ vẫn luôn kiên cường nói với em rằng, chỉ cần em đậu đại học dù có xa đến đâu cũng sẽ đưa em đi” - Thảo Nguyên xúc động chia sẻ.

“Sau bao nhiêu nỗ lực, vất vả không kể xiết, em bắt đầu chuẩn bị cho kì thi quan trọng, đánh dấu cho sự trưởng thành và mở ra con đường tương lai phía trước. Trong quá trình ôn thi, nỗi lo về trường học, về ngành nghề, về cuộc sống sau này thế nào khiến em cảm thấy rất sợ hãi, tưởng chừng như muốn bỏ cuộc”, Thảo Nguyên cho biết.

Có nhiều khi Thảo Nguyên luôn tự hỏi mình rằng “Em thích cái gì? Em muốn sau này mình sẽ làm gì? Em muốn trở thành một người như thế nào?”. Bao nhiêu câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu, làm tâm trí rối bời. Cũng theo Thảo Nguyên, bất cứ ai trong cuộc sống đều có những câu chuyện không biết giãi bày cùng ai, có những góc khuất ẩn sâu bên trong, có những vết thương lòng chưa bao giờ nguôi ngoai được. Nguyên cũng vậy và muốn thông qua ngành học có thể từ từ học cách yêu bản thân, học cách đối mặt với cảm xúc tiêu cực, học cách chữa lành tổn thương và cũng mong những kiến thức được học đó có thể hỗ trợ, giúp đỡ người khác.

Trước khó khăn của Nguyên, Ban Giám hiệu Trường Đại học Quy Nhơn đã sắp xếp cho em ở ký túc xá cùng với mẹ, mẹ em cũng có công việc ở căn tin của trường, tất cả các môn học đều được học ở tầng trệt. Hàng ngày, mẹ sẽ đẩy xe lăn đưa em đến lớp và quay về làm việc của mình.

Nguyên chia sẻ: “Mình đã bị thiệt thòi về thể xác, nếu nằm một chỗ trong nhà, không có tri thức, không hiểu biết gì về thế giới bên ngoài, thì mình tồn tại trên đời này có ý nghĩa gì nữa đâu”... Em muốn trở thành một nhà tâm lý để biết được vì sao con người lại có những suy nghĩ, hành động tích cực hoặc tiêu cực. Vì sao trong khó khăn, họ lại dễ dàng buông bỏ mọi thứ mà không nỗ lực vượt qua…

Mang trong mình suy nghĩ muốn giãi bày cùng mọi người, khai phá những góc khuất ẩn sâu, những vết thương lòng. Thảo Nguyên chọn cách thông qua ngành học để học cách yêu bản thân, đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, những tổn thương để có thể hỗ trợ, giúp đỡ người khác…

Nhứt và Nguyên là hai trong số 38 thanh niên khuyết tật Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2024. Đây là sự kiện thường niên do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TCP Việt Nam tổ chức. Chương trình tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho cộng đồng nhằm bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam. Chương trình cũng mong muốn lan tỏa và kêu gọi cộng đồng xã hội đồng hành với thanh niên khuyết tật Việt Nam, tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên đặc thù hòa nhập cộng đồng, tự tin theo đuổi ước mơ, khát vọng.