Đồng cảm với những số phận bất hạnh
Chị Sáu sinh ra ở Bắc Ninh, tuổi thơ sống cùng người bà đã già yếu, do bố mẹ bỏ đi từ lúc nhỏ. Lớn lên, chị một mình vào Nam kiếm sống bằng nghề công nhân. Mười ba năm trước, chị được người quen giới thiệu vào làm trong trung tâm, lập tức cảm thấy yêu nghề, gắn bó với nghề.
Trung tâm đang dạy 212 em, trong đó có 98 em học bán trú, được chia thành 5 phòng, mỗi phòng khoảng 25 em. Trước kia, trường có 5 bảo mẫu chia đều 5 phòng quản lý các em, nhưng vì tiền lương không cao, cộng với sự vất vả trong nghề, phải luôn túc trực 24/24h chăm sóc các em, những ai có gia đình rồi thì không thể làm công việc này. Thế nên hiện trung tâm này chỉ còn vài bảo mẫu.
Chị Sáu kể, ban đầu chỉ nghĩ đây đơn thuần là một công việc nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình. Nhưng càng tiếp xúc với trẻ và gia đình các bé, chị càng thấy có sự đồng cảm, sẻ chia và gắn bó. Tình thương dành cho các em không may bị khiếm khuyết đã dần bồi đắp tình yêu nghề trong chị.
Chăm sóc trẻ khuyết tật hoặc tự kỷ không hề đơn giản, nếu không có phương pháp, đặc biệt là tình yêu thương và tính kiên nhẫn thì khó lòng theo đuổi nghề này. Nhiều lần chị bị học trò cắn vào tay, tát vào mặt, có em không tự sinh hoạt được nên chị phải tắm rửa, thay đồ giúp. Càng như vậy, chị càng càng thấy thương số phận các cháu, yêu các cháu nhiều hơn. Chị nói: “Ông trời đã không cho các em sự may mắn, vậy nên mình phải là người đem lại may mắn cho các em”.
Chị Sáu kể, có lần đang chăm sóc các em, chị bị chóng mặt, phải xuống phòng y tế. “Các em thấy vậy cũng chạy xuống, đứng lấp ló ngoài cửa, có đứa bật khóc khi thấy cô bị chích thuốc”, chị kể. Tuy có em không nói được những lời yêu thương, nhưng nhìn những ánh mắt lo lắng của trẻ dành cho mình, chị càng vững tin vào con đường mình đã chọn.
“Đứa biết thì không nghe, không nói; đứa nghe được, nói được, thì… không biết. Nhìn bọn trẻ chỉ thấy thương chứ không thể tức giận, dù chúng quậy phá, nhiều khi còn làm cô bị thương, nhưng đều là những hành động vô thức, ngoài tầm kiểm soát của trẻ”, chị Sáu cho biết.
Mỗi bước trưởng thành về nhận thức và kiến thức của học trò đều mang lại niềm khích lệ lớn lao để chị thêm yêu công việc. Chị Sáu chia sẻ, các học sinh mà chị từng chăm sóc tuy có thể đôi tai mất đi chức năng nghe, miệng không thể nói bằng lời, nhưng đổi lại sống tình cảm, chân thành. Các em luôn coi chị như người mẹ thứ hai, yêu thương hết mực. Những điều vui buồn hay những khó khăn trở ngại, tuy có thể trẻ không thể nói bằng lời, nhưng qua “ngôn ngữ cử chỉ”, chị và học trò của mình đều hiểu, thông cảm, chia sẻ, cùng nhau giải quyết.
Yêu em bằng nguyên trái tim
Làm cùng chị Sáu, còn có thể kể đến chị Trịnh Thị Kim Loan (28 tuổi). Chị Loan đã làm công việc này sáu năm và là trường hợp đặc biệt của trung tâm. Trước kia, chị Loan chính là một học sinh của trung tâm, không nói được, không nghe được, nhưng vì tình thương dành cho các em nên khi ra trường, chị xin ở lại làm bảo mẫu để được chăm sóc cho các em.
Đồng cảm với các em, chị Loan hiểu hết những tâm tư nguyện vọng mà các em muốn nói. Khác với chị Sáu, chị Loan có vẻ rụt rè hơn nhưng cách chăm sóc của chị khiến người khác nhìn vào cảm thấy ấm lòng.
Buổi nói chuyện của chúng tôi với các cô giáo liên tục bị gián đoạn bởi thi thoảng lại có đứa đến kéo tay, nhờ cô lấy quần áo; em khác lại mách cô việc bị bạn rượt đuổi, xô ngã; em thì đòi bánh kẹo, sữa… Hàng ngày các chị phải giải quyết hàng trăm trường hợp như thế. Gần 100 em, mỗi em khuyết tật một kiểu, tăng động giảm tập trung, chậm phát triển, khiếm thính, tự kỷ…
Công việc bảo mẫu của các cô mỗi ngày bắt đầu từ sáng sớm với việc đánh thức các em, giúp vệ sinh cá nhân, tập thể dục, ăn sáng, phân công dọn dẹp phòng ở. Khi các em vào lớp học thì các cô vào bếp phụ làm đồ ăn, khảo bài mỗi tối... cho đến khi các em lên giường đi ngủ.
Vất vả là thế, trong khi thù lao mà các cô nhận hàng tháng chưa đến 3 triệu đồng, nhưng vì yêu các em, yêu công việc, các cô vẫn gắn bó.
Chị Sáu tâm sự, với đồng lương trên, hằng tháng phải chắt chiu gửi về quê cho người bà già yếu, bệnh tật, sống một mình. “Một số lần thoáng qua suy nghĩ muốn nghỉ việc đi làm công nhân để đủ trang trải cuộc sống, nhưng nghĩ lại bỏ các em như vậy không đành, nên cố gắng làm tiếp”, chị tâm sự.
Nói về những cô bảo mẫu ở trung tâm, bà Hoàng Thị Vân Nga, Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai, nhận xét ngắn gọn: “Cô Sáu và cô Loan là những bảo mẫu gắn bó nhiều năm với trung tâm, tuy tiền lương ít ỏi nhưng các cô luôn gắn bó và yêu thương các bé như con ruột của mình”.