Nhiều lò gạch thủ công ngang nhiên hoạt động ở Quảng Ngãi

(PLVN) - Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, trước ngày 31/8/2018 các chủ cơ sở sản xuất phải dừng hoạt động và thực hiện tháo dỡ lò nung. Thế nhưng, dù quá hạn đã lâu, các lò gạch vẫn ngang nhiên hoạt động…
Nhiều lò gạch thủ công vẫn hoạt động
Nhiều lò gạch thủ công vẫn hoạt động

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Quảng Ngãi, tính tới thời điểm hiện tại tỉnh Quảng Ngãi chỉ mới xóa bỏ được 51 lò thủ công trên toàn tỉnh; 192 lò khác vẫn hoạt động bình thường. Riêng huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), chạy dọc các xã, không khó để phát hiện hàng loạt lò gạch thủ công đang hoạt động. Đây được xem là huyện có số lượng lò gạch thủ công đang hoạt động lớn nhất ở tỉnh này.

Thống kê từ các cơ quan hữu quan, hiện có trên 80 lò gạch thủ công đang hoạt động. Đáng chú ý, các lò gạch này đều nằm xen kẽ trong các khu dân cư, trường học và nằm gần ở những nơi hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhiều người. 

Chỉ tay về phía lò gạch cũ cạnh nhà, ông Lê Văn Thanh (xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa) bức xúc, ngày nào cũng phải hít khói bụi từ lò gạch, không thở nổi. Ông Thanh cho biết, các lò gạch này đốt luân phiên 2-3 ngày/lần, khói thải từ các lò gạch làm ô nhiễm môi trường sống xung quanh, không khí ken đặc bụi, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Trong khi đó, các chủ lò gạch phản ứng nguyên nhân chưa ngừng hoạt động vì đây là công việc mang lại thu nhập chính cho cả gia đình và hàng trăm lao động khác tại địa phương. Vấn đề được các chủ lò gạch quan tâm, lo lắng nhất hiện nay là làm sao giải quyết việc làm và mong muốn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.

Ông Lê Trung Thành, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, việc xóa bỏ triệt để các lò gạch thủ công trong thời gian ngắn thật sự rất khó đối với chính quyền địa phương. “Vướng mắc lớn nhất vẫn là giải quyết việc làm cho hàng trăm công nhân và nguồn hỗ trợ chi phí để chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Để làm được phải cần nguồn hỗ trợ rất lớn, trong khi đó kinh phí của huyện thì hạn hẹp và không có khả năng đáp ứng”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, trong thời gian tới, cùng với công tác tuyên truyền, vận động các chủ lò gạch, chính quyền sẽ tạo điều kiện thu mua nguyên liệu tồn đọng tại các cơ sở lò gạch, cũng như tìm hiểu về nhu cầu chuyển đổi sản xuất của các cơ sở để đưa ra phương án giải quyết tốt nhất cho bà con.

Hiện tại, huyện Tư Nghĩa đã yêu cầu các xã, thị trấn có đất cho các cơ sở lò gạch thuê phải chấm dứt ngay việc thuê đất, thanh lý hợp đồng, hoàn trả lại đất cho địa phương quản lý trước ngày 20/4/2019. Đối với ngành điện, phải xây dựng kế hoạch chấm dứt việc cung cấp điện cho các cơ sở này, phấn đấu trước ngày 30/4/2019 chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công.

Đọc thêm