Nhiều năm “lùm xùm” vụ tố cáo “lấy đất dân mang đấu giá”

(PLVN) - Ông Nguyễn Tôn (trú tiểu khu 4, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cho hay, năm 1990, Hợp tác xã (HTX) Bích La (xã Triệu Đông) có tờ trình xin cấp đất xây dựng cơ sở sản xuất tại xã Triệu Ái (nay thuộc thị trấn Ái Tử) để đưa một số hộ dân lên vùng kinh tế mới phát triển kinh doanh ngành nghề và được UBND huyện đồng ý. Trong đó có hộ ông Tôn và một số hộ đăng ký chung vốn để xây dựng xưởng cưa.
Phần đất đã được địa phương chia lô, bán đấu giá
Phần đất đã được địa phương chia lô, bán đấu giá

Cùng thời điểm, ông Tôn khai hoang phần đất tại khu vực Sân bay Ái Tử, sát với xưởng cưa của HTX Bích La diện tích khoảng 1.798m2; trong đó hơn 1.442m2 gia đình sử dụng từ năm 1990 đến nay (có trong trích lục bản đồ năm 2012 do Trung tâm kỹ thuật TN&MT Quảng Trị lưu giữ); phần còn lại khoảng 355,6m2 là diện tích đất xưởng cưa (có trong sổ mục kê năm 1995 của UBND thị trấn Ái Tử).

Năm 1994, HTX giao toàn quyền sử dụng, quản lý đất xưởng cưa cho Tổ hợp cưa xẻ gỗ do ông Tôn làm đại diện và được ông phát triển thành DNTN Đông Ái. Năm 2000, ông Tôn xây nhà cấp 4 để ở, xung quanh xây thêm chuồng nuôi gà, lợn.

Năm 2009, UBND huyện có chủ trương di dời các cơ sở cưa xẻ và chế biến gỗ trên địa bàn vào Cụm công nghiệp – Làng nghề Ái Tử. Ông Tôn chấp thuận và tháo dỡ, di chuyển nhà xưởng, máy móc vào cụm công nghiệp để xây dựng và tổ chức sản xuất. Sau khi di dời, ông vẫn sinh sống và trồng cây trên đất cũ, sử dụng ổn định.

Năm 2014, ông Tôn lập hồ sơ xin cấp sổ đỏ và được cán bộ địa chính thị trấn yêu cầu bổ sung giấy tờ. Qua nhiều năm không được giải quyết, ông  tiếp tục trình lên chính quyền thì được thông báo rằng phần đất của gia đình ông đã đấu giá vào năm 2011. 

Làm đơn kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết thỏa đáng thì tháng 8/2019, ông Tôn lại nhận được thông báo thụ lý giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất từ TAND huyện liên quan đến 3 lô đất kể trên mà ông là bị đơn.

Ông Tôn cho rằng diện tích trên đã được UBND huyện Triệu Phong cấp vào ngày 28/5/1990, do Chủ tịch UBND huyện Vũ Bằng ký. Trong quá trình sử dụng, ông Tôn đều đóng thuế đất đầy đủ và có khai hoang mở rộng thêm hơn 1.442m2.

Liên quan vụ việc, Chủ tịch UBND thị trấn Ái Tử Ngô Xuân Ái cho biết, khi tiến hành các trình tự để đưa đất ra đấu giá năm 2011, địa phương đã thành lập đoàn công tác kiểm tra thực địa và khẳng định phần đất ở thời điểm đó là mặt bằng “sạch”, không người sử dụng, không có vật kiến trúc và cây cối nào trên đất. Trong danh sách các hộ nhận đền bù giải phóng mặt bằng (công trình cắm cọc phân lô, đo vẽ địa chính và đền bù giải phóng mặt bằng khu dân cư dọc QL1A thị trấn Ái Tử) ở tiểu khu 4 không có tên ông Tôn.

Theo ông Ái, diện tích đất ông Tôn kiến nghị xuất phát từ UBND huyện tạm giao mặt bằng cho HTX Bích La mượn, sau này chuyển giao lại cho tổ hợp cưa xẻ gỗ do ông Tôn làm đại diện chứ không phải giao đất cho cá nhân ông Tôn. Vì huyện cho mượn tạm nên không có quyết định thu hồi đất.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, PGĐ Ban QLDA ĐTXD và Phát triển quỹ đất huyện, căn cứ vào hồ sơ quy hoạch phân lô và sơ đồ phân lô đấu giá của chủ công trình (UBND thị trấn Ái Tử) chuyển đến, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện (lúc chưa sáp nhập) đã phối hợp các ngành liên quan tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy trình. 

Phòng TN&MT huyện cho rằng, đã thẩm định hồ sơ trúng đấu giá đất, đúng lô, đúng thửa, đúng diện tích thì trình huyện ký sổ đỏ theo đúng quy định.

Tuy nhiên, LS Trần Đức Anh (VPLS Trần và Cộng sự) cho rằng, các giấy tờ còn lưu trữ thể hiện việc ông Tôn được chính quyền địa phương giao đất quản lý và sử dụng ổn định. Vì vậy, khi thu hồi thì phải thực hiện các chính sách pháp luật về thu hồi đất, kể cả đất khai hoang. Địa phương lấy đất này để đấu giá rồi giao người khác mà không có quyết định thu hồi là vi phạm Điều 32 Luật Đất đai 2003: “Việc quyết định giao đất cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi có quyết định thu hồi đất đó”. 

Cũng theo LS Anh, việc địa phương cho rằng đi kiểm tra thực địa thấy phần đất “sạch”, không có gì trên đó rồi quy kết đất không có người sử dụng là không thuyết phục. “Chính quyền không thể làm việc bằng mắt thường được, mà phải làm việc bằng giấy tờ, tức là vừa kiểm tra trên thực địa vừa phải kiểm tra hồ sơ địa chính (sổ mục kê) khu đất đó xem ai quản lý sử dụng. Các giấy tờ cho thấy phần đất này do ông Tôn quản lý sử dụng”, LS Anh nói.

Đọc thêm