Nhiều người đàn ông tìm đến bác sĩ do giảm hứng thú 'chuyện ấy' hậu COVID-19

Không ít nam bệnh nhân đến khám sức khỏe sinh lý sau mắc COVID-19, phần lớn có các dấu hiệu phổ biến như suy giảm ham muốn, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm…
Ảnh minh họa.

Anh T.T.K (29 tuổi, quê Phú Thọ) sau khi được điều trị khỏi COVID-19 nhận thấy bỗng nhiên không còn ham muốn “chuyện ấy”. Theo dõi một thời gian tình hình vẫn không cải thiện, anh tới bệnh viện.

Anh T.T.K chia sẻ với bác sĩ, sau mắc COVID-19 cơ thể thường xuyên mệt mỏi, cùng với căng thẳng trong công việc khiến anh không còn hứng thú trong chuyện quan hệ vợ chồng. Đánh giá nguyên nhân là do yếu tố tâm lý, bác sĩ đã áp dụng liệu pháp tâm lý kết hợp với một số loại thuốc tăng nội tiết tố sinh dục nam cho nam giới này. Sau hai tháng, tình trạng của anh T.T.K dần hồi phục.

Tương tự, anh N.V.L (32 tuổi, Hà Nội) vốn hoàn toàn khỏe mạnh và không hề gặp trục trặc trong vấn đề sinh lý. Tuy nhiên, sau mắc COVID-19, anh bắt đầu xuất hiện triệu chứng rối loạn cương dương.

Tìm đến bác sĩ, anh được bác sĩ tư vấn sử dụng thuốc kết hợp với thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh hơn, tập thể dục thường xuyên, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Gần 3 tuần thực hiện theo hướng dẫn, đến nay sức khỏe tình dục của anh N.V.L cơ bản được cải thiện.

Sau khi khỏi COVID-19, không ít người có những dấu hiệu như “chán” chuyện chăn gối, thậm chí lo lắng cho rằng “cậu nhỏ” bé đi… Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho rằng, hiện tượng này có thể do một số nguyên nhân, như: Khi bị nhiễm COVID-19, người bệnh sẽ chịu nhiều áp lực, căng thẳng, mất ngủ, stress về tâm lí kể cả sau khi khỏi bệnh. Trong khi đó, tâm lý căng thẳng là một trong những nguyên nhân làm mất cân bằng hormone và ảnh hưởng tiêu cực đến ham muốn của cả nam và nữ. Điều này kết hợp với sự suy giảm sức khỏe thể chất sau quá trình dài điều trị COVID-19 khiến nhiều nam giới mất đi hứng thú chuyện chăn gối.

“Khoảng 40% nam giới bị căng thẳng, áp lực làm giảm hứng thú hoặc kích thích tình dục, 20% giảm, vắng cực khoái hoặc xuất tinh. Điều này kết hợp với sự suy giảm sức khỏe thể chất sau quá trình dài điều trị COVID-19 khiến nhiều nam giới mất đi hứng thú quan hệ với bạn tình”, BS Việt lý giải.

BS Việt cho biết thêm, có những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, khi nam giới mắc COVID-19, virus sẽ gắn vào các thụ thể ACE2 (có nhiều ở tinh hoàn, niêm mạc miệng, phổi, tim,…). Khi tinh hoàn bị virus tấn công sẽ gây ra phản ứng viêm, đa số biểu hiện viêm nhẹ, thoáng qua và không gây khó chịu nhiều cho người bệnh. Tuy nhiên, điều này có thể gây tổn thương thứ phát các tế bào Leydig ở tinh hoàn (có tác dụng tổng hợp testosterone), gây suy giảm nồng độ hormone testosterone và chất lượng “con giống”, từ đó làm suy giảm khả năng tình dục và sinh sản ở nam giới.

Theo một số nghiên cứu, rối loạn cương dương là một biến chứng của COVID-19 thường gặp ở nam giới. Khi xâm nhập cơ thể, ngoài việc tấn công vào đường hô hấp, virus còn gây rối loạn nội mô, gây phản ứng viêm làm hỏng tính toàn vẹn của nội mạc mạch máu, tăng tính thấm, kích hoạt quá trình đông máu và tổn thương vi mạch dẫn đến tình trạng rối loạn cương dương. Điều này không chỉ khiến cuộc yêu của các cặp đôi không diễn ra trọn vẹn mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nam giới.

Bác sĩ chuyên khoa nam học khuyên, nam giới sau khi mắc COVID-19 nên chú ý lắng nghe cơ thể của mình, đặc biệt trong chuyện chăn gối. Nếu có những biểu hiện như mệt mỏi, mất tập trung, thờ ơ, giảm ham muốn, lãnh cảm, cương dương kém… thì hãy thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh. Đó là: không hút thuốc lá, không uống rượu, bia, không sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện; Tập thể dục ít nhất 15-20 phút/ngày, tập các bài tập cải thiện thông khí phổi; Ăn nhiều hoa quả, chất xơ. Hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, thức ăn nhanh, đồ chiên rán, mỡ, nội tạng động vật; Nếu sau một thời gian các triệu chứng trên không cải thiện thì nên đến ngay cơ sở chuyên khoa nam học để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tùy trường hợp mà thực hiện một số xét nghiệm đánh giá như hormone testosterol, siêu âm Doppler mạch máu “cậu nhỏ”, đường máu, mỡ máu, chức năng thận… để có hướng điều trị phù hợp.

Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 không gây ảnh hưởng đến số lượng “con giống”, sức khỏe sinh sản, chức năng sinh dục của nam giới, đồng thời làm giảm nhẹ các triệu chứng khi bạn mắc COVID-19. Vi vậy, nam giới chưa được tiêm chủng cần đi tiêm phòng có thể ngăn ngừa nguy cơ rối loạn cương dương.

Đọc thêm