Còn bất bình đẳng trong tiếp cận nước sạch
Theo thông tin tại Hội thảo khoa học “Thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nước sinh hoạt tại các vùng dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng" diễn ra hôm nay, 14/9, hiện tại các đô thị trên địa bàn có 18 công trình cấp nước tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 120.820m3/ngày đêm, công suất khai thác sử dụng là 88.440 m3/ngày đêm.
Nguồn khai thác nước cung cấp cho các nhà máy chủ yếu từ các hệ thông hồ khoảng 65% và khai thác nước dưới đất (nước ngâm) khoảng 35%. Theo đó, đến hết năm 2021 tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 72%, năm 2022 đạt 74%, phấn đấu đến năm 2025 đạt 80%.
Về việc cấp nước sinh hoạt nông thôn, đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90,1%, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 95%; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam đạt 32,47%, phấn đấu đến năm 2025 đạt 35%.
Trên địa bàn Lâm Đồng hiện có 276 công trình cấp nước nông thôn tập trung (215 giếng khoan, 61 công trình cấp nước tự chảy), có 33 xã đấu nối với 10 nhà máy cấp nước đô thị và 3 nhà máy cấp nước do doanh nghiệp đầu tư, cấp nước cho khoảng 40.000 hộ theo thiết kế.
Ngập úng nguy cơ đe doạ nguồn nước sạch ở Lâm Đồng. |
Các công trình cấp nước tự chảy hiện nay chủ yếu khai thác nguồn nước mặt từ các sông, suối tự nhiên để cấp nước tự chảy có công suất vừa và nhỏ, cấp nước cho quy mô liên xã, xã, thôn có dân số dưới 3.000 hộ. Các công trình cấp nước giếng khoan là các giếng khoan có công suất nhỏ, cấp nước cho quy mô thôn, bản có dân số dưới 100 hộ.
Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng tỷ lệ hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt đạt chất lượng nước sạch là 67,53%. Đây là tỷ lệ tương đối cao thể hiện sự mất bình đẳng và sự công bằng về sự tiếp cận nguồn nước sạch giữa thành thị và nông thôn. Có sự chêch lệch khá lớn về tiếp cận nguồn nước sạch trong khu vực nông thôn, giữa khu vực dân cư tập trung gần thành thị hoặc trung tâm xã với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng, đồng bào dân tộc.
Nhiều nguy cơ, thách thức đe doạ nguồn nước sạch
Tại Hội thảo, nhiều tham luận đã được trình bày, tập trung vào các giải pháp nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn nước sạch tại các đô thị và nông thôn. Các đại biểu cũng phân tích, mổ xẻ các nguyên nhân, giải pháp trong cung cấp nước sạch…
Như tham luận về cung cấp nước sạch tại vùng đô thị trên địa bàn Lâm Đồng, ông Nguyễn Quốc Tuyến - Giám đốc BQL khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm phác thảo bức tranh tổng thể về cung cấp nước sạch tại vùng đô thị qua hai TP của Lâm Đồng là Đà Lạt và Bảo Lộc. Đáng chú ý, tham luận nhấn mạnh đến vấn đề thất thoát nước còn khá cao trong các hệ thống cấp nước đô thị trong tỉnh.
Nguyên nhân do đường ống cũ lắp đặt đã lâu rò rỉ, vỡ đường ống… nên mức thất thoát trung bình trên dưới 20%, trong đó cao nhất là TP Bảo Lộc với tỷ lệ thất thoát trung bình 28%, tại thị trấn D’Ran (Đơn Dương) là 26,4%, Đà Lạt là 25%, thấp nhất tại thị trấn Thạnh Mỹ (Đơn Dương) với tỷ lệ 18,1%... Theo ông Tuyến đây là thách thức lớn để đảm bảo việc cung cấp nước sạch.
Cùng với đó, tỷ lệ cung cấp nước cho các cộng đồng dân cư đô thị không đồng đều, TP Đà Lạt có tỷ lệ cấp nước đến người dân cao nhất với gần 95%, trung tâm Bằng Lăng (Đam Rông) với 86,4%, thị trấn Di Linh 78-85%...tuy nhiên tỷ lệ này ở Bảo Lộc chỉ mới 53%, thị trấn Thạnh Mỹ (Đơn Dương) 38%, thị trấn Mađaguôi (Đạ Huoai) chỉ 36,7%...
Quang cảnh hội thảo. |
Là đơn vị trực tiếp cung cấp nước sinh hoạt, Công ty cổ phần cấp thoát nước Lâm Đồng đã nêu lên các nguy cơ, rủi ro đối với nguồn nước tại các hồ, suối, sông trên toàn tỉnh mà đơn vị đang khai thác. Trong đó nổi trội là các nguy cơ, rỉ ro như: rác thải nông nghiệp, độ đục tăng cao chất lượng nước ngày càng xấu do dư lượng chất bảo vệ thực vật, trữ lượng giảm nhiều về mùa khô, hàm lượng sắt và mangan cao…
Về nhóm giải pháp, đại diện Công ty cổ phần cấp thoát nước Lâm Đồng nhấn mạnh vào một số giải pháp trọng tâm như: Tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức trách nhiệm của mỗi người trong công việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, đây là công việc khó khăn và kéo dài nhưng hiệu quả là rất cao; rà soát và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước, nhất là các chế tài xử lý vi phạm;
Đồng thời chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải tại các đô thị, khu dân cư và khu công nghiệp; quản lý và thu gom rác thải nông nghiệp nhất là phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trên quy mô lớn; Tăng cường quản lý rừng và trồng mới rừng, tăng độ che phủ của rừng để điều hòa được lượng nước giữa mùa mưa và mùa khô; Điều tiết nước hồ phù hợp với từng đối tượng sử dụng và ưu tiên cho khai thác nước dùng cho cấp nước sinh hoạt…
Đối với nguồn nước ngầm đang có nguy cơ cao về vấn đề cạn kiệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp chuyển từ khai thác nước ngầm sang khai thác nước mặt, ngăn chặn việc khoan khai thác nước ngầm trái phép sử dụng lãng phí.
Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2025 có trên 80% hộ gia đình ở thành thị và 35% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; phấn đấu đến năm 2030 cân đối đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển KT-XH; có trên 90% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nôn thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; phấn đấu đến năm 2045 toàn bộ hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.