Nhiều vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng tại HUD

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kiểm toán các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2020 của TCty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Kiểm toán Nhà nước đề nghị HUD khẩn trương chấn chỉnh, rút kinh nghiệm nhiều vấn đề trong đó có hoạt động quản lý đầu tư xây dựng.
Trụ sở TCty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD).
Trụ sở TCty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD).

Theo Thông báo kết quả kiểm toán mà Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố, kiểm toán tại 4 dự án mà HUD đang thực hiện đã phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng.

Cụ thể, công tác lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư còn chậm và chưa kịp thời; không tổ chức thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư khi phê duyệt dự án và điều chỉnh dự án; thẩm định không chi tiết; bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội chưa đủ so với quy định.

Qua kiểm toán, còn phát hiện việc bóc tách khối lượng dự toán đắp cát nền đường chưa trừ hết khối lượng chiếm chỗ (dự án Chánh Mỹ giai đoạn 1, HUD - Sơn Tây); thiết kế một số hạng mục công trình chưa phù hợp thực tế, phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện (dự án HUD - Sơn Tây).

Việc nghiệm thu, thanh toán chưa đúng khối lượng, đơn giá so với thực tế thực hiện hơn 7 tỷ đồng; chi phí quản lý 4 dự án đã chỉ và phân bổ vượt giá trị dự toán đã phê duyệt 14,4 tỷ đồng; một số gói thầu đã quyết toán hợp đồng nhưng chưa thu hồi hết tiền tạm ứng hợp đồng hơn 4,1 tỷ đồng.

Kiểm toán tại 4 dự án ghi nhận lãi phải trả hơn 38,5 tỷ đồng khi chưa thực hiện thanh lý 48 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng và toàn bộ chi phí đầu tư hơn 74,4 tỷ đồng với phần diện tích 27,067 ha đã loại ra khỏi giai đoạn 1 (dự án Chánh Mỹ giai đoạn 1); sử dụng một số hợp đồng vay ngắn hạn, vay vốn phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh... để giải ngân cho các nhà thầu (dự án Phú Mỹ).

Đến nay cả 4 dự án đều chậm tiến độ so với quyết định phê duyệt ban đầu (Chánh Mỹ giai đoạn 1 chậm hơn 10 năm, HUD - Sơn Tây chậm hơn 9 năm, Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 chậm 7 năm, Phú Mỹ chậm hơn 6 năm).

Tại TCty mẹ, năm 2020, kế hoạch vốn đầu tư tại HUD chưa sát thực tế, thực hiện chỉ đạt 53,4% kế hoạch; tỷ lệ giá trị đấu thầu qua mạng với các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi chỉ đạt 18,5%, thấp hơn so với quy định. Đến 31/12/2020, Cty mẹ có số dư tạm ứng phải thu hồi lớn lên đến hơn 739 tỷ đồng. Trong đó có các khoản nợ tồn đọng hoặc không có khả năng thu hồi phải trích lập dự phòng là gần 51 tỷ đồng, nợ chưa thanh toán cho các hợp đồng hơn 135 tỷ đồng...

KTNN đề nghị HUD khẩn trương chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc chấp hành chế độ quản lý dự án đầu tư xây dựng; quy hoạch; bố trí kế hoạch vốn, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, đấu thầu, thương thảo, ký kết hợp đồng, quản lý tiến độ thi công, nghiệm thu thanh quyết toán; công tác quản lý tài chính - kế toán.

KTNN cũng yêu cầu HUD khẩn trương làm việc với các nhà thầu, hoàn tất hồ sơ, thanh quyết toán để thu hồi các khoản đã tạm ứng cho nhà thầu, đồng thời xử lý dứt điểm các khoản nợ. Chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân trong việc đầu tư tài chính dài hạn vào các Cty thua lỗ; còn tồn tại thiếu sót trong công tác lập, thẩm định, quyết định đầu tư. Đề nghị Chủ tịch Hội đồng thành viên HUD chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN trước 31/5/2022.

Đọc thêm