Nhịp sống mới ở Tả Phìn

(PLVN) - Tả Phìn là một trong những địa điểm du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn của Lào Cai, nơi đây vốn nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ mộc mạc cùng những sản phẩm thổ cẩm độc đáo và thuốc tắm truyền thống của đồng bào Dao đỏ. 
Nhờ làm du lịch, cuộc sống của người dân Tà Phìn đã đổi thay…
Nhờ làm du lịch, cuộc sống của người dân Tà Phìn đã đổi thay…

Song, ít ai biết rằng, những năm gần đây nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất với du lịch cộng đồng đã mang đến cho đồng bào nơi đây một nhịp sống mới…

Người Dao làm du lịch

Từ trung tâm thị trấn Sapa, xuôi theo những con đường núi quanh co, từ quốc lộ 4D chừng 5 - 6 cây số, con đường đất nhỏ hẹp, gập ghềnh dẫn chúng tôi đến khu du lịch Tả Phìn - “ngôi làng” của người Dao đỏ. 

Điều thú vị là ngay từ đầu bản, cộng đồng người Dao đã thể hiện lòng mến khách bằng nụ cười và những câu chào hỏi tíu tít. Họ gùi hàng đi theo khách một cách hồn nhiên và kiên trì, trời mưa bay lất phất, lập tức họ giương ô đã che cho khách. Họ hồn nhiên hỏi chuyện: “Anh bao nhiều tuổi? Anh ở đâu tới? Anh có mấy con? Anh thấy Tả Phìn có đẹp không? Chắc lần đầu tới hả? Để em đưa các anh thăm bản...”. 

Trong số này ấn tượng nhất là vẻ chân chất của cô hướng dẫn viên “tự phong” tên Lở May, người Dao đỏ. Lở May kể cho chúng tôi nghe về nếp sống của đồng bào Dao, Mông. Chị chỉ tay lên ngọn đồi phía trên giới thiệu:  “Trên đó, nhà ai cũng mở chuồng trại chăn nuôi, có nhà nuôi trâu, nhà nuôi gà, nhà nuôi lợn khá nhiều. Nhưng không phải nuôi để bán mà để ăn là chủ yếu, mỗi khi nhà nào trong thôn có việc lớn (hiếu, hỷ…) là sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau, cho nhau “mượn” lợn, gà, trâu… để lo công việc. Từ đời ông bà đến con cháu, bao đời nay cứ như vậy, không bao giờ thay đổi…”.

Khi hỏi về cuộc sống của bà con ở đây, Lở May bảo: “Trước kia, nghèo lắm! Chỉ biết làm ruộng, chăn nuôi và nấu rượu thôi…”. Chị kể, để không bị đói, chị đã mày mò ra đây kiếm sống, cốt chỉ cho qua vụ đông, dần dần thành quen, trở thành hướng dẫn viên “tự nguyện” từ lúc nào không biết...

Lở May bảo, ngày ấy, chị không hề nghĩ mình sẽ làm “hướng dẫn viên”. Từ ngày ra đây, chị có thời gian gần gũi với phố bản, với du khách và nhận ra đây là nơi lý tưởng để mưu sinh với người vùng cao. Một số người bạn khuyên chị làm hướng dẫn viên kiêm bán hàng du lịch. Ý định làm hướng dẫn viên của Lở May bắt đầu như vậy. Đầu tiên, chị vừa trợ giúp nhà hàng vừa hướng dẫn khách, sau chuyển sang vừa hướng dẫn vừa bán hàng. Đáng mừng là từ ngày có du lịch, khách “tây”, khách “ta” đến thăm bản quanh năm. Nhiều dịch vụ phục vụ du khách kéo theo đã giúp bà con có thêm việc làm và thu nhập, đời sống của đồng bào vì thế cũng có phần khá hơn. 

 “Cách đây chục năm, nếu anh lên Tả Phìn sẽ thấy chủ yếu là nhà tranh, vách đất, còn hôm nay nhiều nhà đã được xây dựng kiên cố, có ti- vi, xe máy... Tất cả đều nhờ du lịch cả đấy” - Lở May cười nói bằng cái vẻ chân chất. Vừa kể chị vừa đưa chúng tôi đi ngược lên đầu dãy núi Hoàng Liên Sơn, chỉ cho chúng tôi từng ngã rẽ của bản và hang Tả Phìn nằm dưới chân dãy núi vừa lớn vừa sâu, bên trong có nhiều nhũ đá muôn hình, tương truyền là nơi trú ẩn của tổ tiên người Dao.

Chị bảo, Tả Phìn hấp dẫn du khách chính là nhờ hang động và những nghề thủ công truyền thống, trong đó phải kể đến nghề chế biến thuốc từ thảo dược của đồng bào; kế đến là thêu, dệt thổ cẩm phục vụ khách du lịch. Thêu thổ cẩm vừa là một nghề thủ công truyền thống, vừa là nét văn hóa của người dân tộc nơi đây, đồng thời là một cách làm du lịch hiệu quả của người dân Tả Phìn. 

… và nhịp sống mới ở Tả Phìn

Tả Phìn không chỉ có tiềm năng về phát triển du lịch cộng đồng với vẻ đẹp hoang sơ mộc mạc, những thửa ruộng bậc thang đầy sức sống, những dòng suối trong lành, mát rượi lẫn khung cảnh hùng vĩ của núi rừng, mà còn là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng.

Chia sẻ về điều này, chị  Đào Thị Quỳnh Tân - cán bộ xã Tả Phìn cho biết, so với các xã khác trên địa bàn huyện Sa Pa, Tả Phìn có nhiều thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, từ lâu nơi đây đã nổi tiếng với những sản phẩm thổ cẩm độc đáo và thuốc tắm truyền thống của đồng bào Dao đỏ. Cộng đồng dân cư sống tương đối tập trung, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Dao với bản sắc văn hóa, cảnh đẹp, hoang sơ, khí hậu mát mẻ, trong lành, nên Tả Phìn là một trong những tuyến du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn của Sa Pa, trở thành điểm đến của nhiều du khách khi tham quan Lào Cai. 

Ngoài việc chuyển đổi, đưa các giống lúa, ngô có năng suất cao và các loại cây trồng có giá trị như atisô xuống chân ruộng thay cây lúa để thành hàng hoá, Tả Phìn còn thực hiện thành công các mô hình sản xuất như: Trồng hoa địa lan, thảo quả, cây dược liệu (Actiso), rau… đem lại thu nhập cao; đồng thời khuyến khích các hộ phát triển thêm một số ngành như thuê dệt thổ cẩm, dịch vụ tắm lá thuốc, kinh doanh nhà nghỉ (toàn xã hiện có tới 43 hộ kinh doanh nhà nghỉ Homestay với 105 giường phục vụ du khách) nên lượng khách du lịch tới Tả Phìn ngày một đông.

Chỉ tính riêng năm 2018, lượng khách du lịch đến Tả Phìn đạt 19.000 lượt, tăng 15% so với năm 2017, trong đó khách Việt Nam 11.000 và khách quốc tế là 8.000. Những hướng đi này cùng với con đường liên xã nối quốc lộ 4D với Tả Phìn hoàn thành trong nay mai sẽ mở ra cho Tả Phìn nhiều cơ hội phát triển… 

Hiện Tả Phìn có 6 thôn bản, trên 3.520 nhân khẩu chủ yếu là người Dao và người Mông. Hơn 10 năm trước, xã Tả Phìn vẫn là xã thuần nông, người dân chỉ sống dựa vào những thửa ruộng gieo cấy một vụ. Cả xã khi đó có tới hơn nửa số hộ thuộc diện nghèo đói, kinh tế tự cung tự cấp, tỷ lệ trẻ em không được đến trường rất cao, đời sống của các hộ gia đình nhiều khó khăn. Nhưng giờ đây, Tả Phìn chỉ còn khoảng 7,98% số hộ thuộc diện nghèo, giảm 11,22% so với năm 2017; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 31,93 triệu đồng và là xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hiện đang tiến thành các thủ tục trình UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đọc thêm