Nhóm lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM đã “ngó lơ” những sai phạm của SCB như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong suốt thời gian giám sát (từ 2016 đến 2022), mặc dù Tổ giám sát đã hơn 70 lần gửi báo cáo tình hình yếu kém của Ngân hàng SCB, đồng thời đề xuất với những người có trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại TP.HCM phải đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt vì có rất nhiều sai phạm. Thế nhưng vì vụ lợi nên các lãnh đạo này đã tìm mọi cách để “ém” thông tin, “ngó lơ” cho Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB tiếp tục vi phạm.
Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM (Ảnh Người Lao Động)
Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM (Ảnh Người Lao Động)

Để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như ngày hôm nay tại Ngân hàng SCB, ngoài trách nhiệm của những quan chức trong Đoàn Thanh tra liên ngành (Thanh Tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia) 2017-2018 thì không thể bỏ qua trách nhiệm của những quan chức Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM được giao nhiệm vụ giám sát Ngân hàng SCB từ năm 2016 đến năm 2022.

Theo hồ sơ vụ án, chỉ riêng giai đoạn (từ 2016 đến 2022), các Tổ Giám sát Ngân hàng SCB đã có trên 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc thanh, kiểm tra Ngân hàng SCB, đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt nhưng không được cấp trên (gồm Nguyễn Văn Dũng - Cục trưởng Cục II, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, Võ Văn Thuần - Phó Cục trưởng Cục II, Phó Chánh Thanh tra NHNN Chi nhánh TP.HCM, Phan Tấn Trung - Phó Chánh Thanh tra NHNN Chi nhánh TP.HCM, Nguyễn Thị Phi Loan - Phó Cục trưởng Cục II, Phó Chánh Thanh tra phụ trách TTGSNHNN Chi nhánh TP.HCM) chấp nhận. Nhóm lãnh đạo này chỉ triển khai 2 cuộc thanh tra đột xuất vào năm 2020 và 2022, nhưng cũng làm qua loa, thu hẹp phạm vi thanh tra.

Cụ thể, với vai trò là lãnh đạo, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Thuần, Nguyễn Thị Phi Loan và Nguyễn Tín đã có các hành vi ngăn chặn, cản trở việc báo cáo hoặc báo cáo không trung thực các hành vi sai phạm và thực trạng tài chính rất xấu của Ngân hàng SCB lên Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan TTGSNHNN. Các đối tượng này còn không kiến nghị đưa SCB vào diện phải kiểm soát toàn diện, không kiến nghị Cơ quan TTGSNHNN thanh tra pháp nhân SCB để kịp thời xử lý các sai phạm. Khi thanh tra thì đã tự ý thu hẹp phạm vi thanh tra, không đúng với đề xuất của tổ giám sát, cố ý làm trái với ý kiến chỉ đạo của NHNN và Cơ quan TTGSNHNN. Đồng thời trong quá trình thực hiện, chỉ đạo thanh tra, giám sát Ngân hàng SCB, các cá nhân nêu trên đã nhận tiền từ SCB từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Các đối tượng nêu trên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để báo cáo không trung thực tình hình hoạt động của SCB từ những năm 2015. Cụ thể các cá nhân này đã báo cáo biến thực trạng tài chính của SCB âm gần 5 nghìn tỷ thành dương gần 5 nghìn tỷ đồng (thời điểm 30/6/2014); không nêu các sai phạm của SCB đã được chỉ ra tại dự thảo thanh tra trước đó như sai phạm về cấp tín dụng, sai phạm về phân loại nợ, trích lập dự phòng để xử lý rủi ro…

Phan Tấn Trung - Phó Chánh Thanh tra NHNN Chi nhánh TP.HCM (Ảnh Internet)

Phan Tấn Trung - Phó Chánh Thanh tra NHNN Chi nhánh TP.HCM (Ảnh Internet)

Sở dĩ nhóm quan chức này đã ra sức che đậy những hành vi có dấu hiệu sai phạm tại SCB là vì vụ lợi cá nhân. Cụ thể Nguyễn Văn Dũng đã nhận 400 triệu đồng và 15 nghìn USD, Võ Văn Thuần nhận 1,8 tỷ đồng, Phan Tấn Trung nhận 1,1 tỷ đồng, Nguyễn Thị Phi Loan gần 500 triệu đồng và Nguyễn Tín 500 triệu đồng.

Đọc thêm