Anh Súa bất ngờ tìm đến lá ngón tự tử. Cuộc sống của cả gia đình chị Mỵ chìm trong khó khăn, u buồn và đảo lộn. Con thiếu cha, vợ mất chồng, sáu miệng ăn của gia đình giờ bơ vơ…
Cần triệt phá loại lá ngón hoa vàng vì nó có độc rất mạnh, con người hoặc trâu bò ăn phải là tử vong ngay |
Cứ chết rồi mọi người sẽ biết
Sau khi theo anh Sằm Văn Súa về bản Phia Bay (xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm) về làm vợ, cuộc sống của Giàng Thị Mỵ càng ý nghĩa hơn khi Mỵ lần lượt sinh cho Súa những đứa con trai kháu khỉnh. Lúc này, Súa cũng đang là một trong những thanh niên tiêu biểu ở xã Cổ Linh, được công an huyện Pác Nặm lựa chọn tham gia công tác trong lực lượng công an.
Chồng làm cán bộ, vợ đảm đang việc nhà, việc rẫy, gia đình Súa – Mỵ được coi là niềm tự hào của thanh niên xã Cổ Linh về một gia đình hạnh phúc. Năm 2010, anh Súa bất ngờ tìm đến lá ngón tự tử, cho dù trước đó anh vẫn là chỗ dựa tinh thần của bản Phia Bay, của cả xã Cổ Linh về cuộc chiến với loài cây độc hại này.
Lý do chỉ vì những mâu thuẫn cá nhân, bế tắc trong phương pháp giải quyết, anh Sằm Văn Súa manh động tự tìm đến cái chết.
Còn anh Sằm Văn Sì ở Bản Cảm (xã Cổ Linh) suýt nữa thì mất vợ. Anh Sì may mắn hơn khi người vợ trẻ của anh cũng tìm đến lá ngón để tự tử, nhưng chưa bị về với Giàng.
Vợ anh Sì là Lý Thị Nhụa chỉ vì bố chồng trách mắng nên tìm vào rừng hái và ăn lá ngón. Hôm đó, chị Nhụa thật may mắn được những người cùng bản đi rừng trông thấy và nhanh chóng đưa đi bệnh viện cấp cứu. Khi tỉnh lại, Nhụa tâm sự với người thân với suy nghĩ thật mộc mạc, đơn giản: “Cứ chết rồi mọi người sẽ biết, nhà chồng sẽ… hối hận!”.
Trường hợp được cứu sống như chị Nhụa là không nhiều, bởi cây lá ngón là loại cây có độc tố mạnh, chỉ cần ăn 3 lá là có nguy cơ tử vong nếu không cấp cứu kịp. Tuy nhiên, không chỉ có xã Cổ Linh là địa phương có tỷ lệ tự tử cao bằng lá ngón, mà hầu khắp các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Pác Nặm đều có… “thói quen” tự tử bằng giải pháp dùng lá ngón.
Cộng lại trong ba năm ở huyện Pác Nặm có số người chết do tự tử bằng lá ngón là 48 người, trong đó năm 2011 và 2012 là 31 người. So sánh rộng ra trong các huyện khác của tỉnh Bắc Kạn, theo thống kê chưa đầy đủ, trong hai năm (2011 – 2012), số người chết do dùng lá ngón (trừ huyện Pắc Nặm) để tự tử có tới 94 người. Theo Trung tá Lưu Đình Thưởng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bắc Kạn, số người chết do tự tử bằng lá ngón so với số người chết do TNGT gây ra, hơn gần gấp 2 lần.
Lá ngón độc là vậy nhưng một số người đồng bào dân tộc vẫn lấy về phơi khô dùng làm thuốc chữa một số bệnh ngoài da cho gia súc và thậm chí cả con người. |
Ẩn họa “chó chết”
Lá ngón được người Tày gọi là “ma hao”, phiên âm ra tiếng phổ thông có nghĩa là “chó chết”. Loài cây “chó chết” này có nhiều loại quanh năm xanh tươi mơn mởn trên nhiều vùng đồi núi Tây Bắc, nhưng vô cùng độc hại và chứa nhiều ẩn họa. Mỗi loại lá ngón lại có độc tố riêng, có thời gian làm cho con người, gia súc chết nhanh hay chậm khi cố tình hay vô tình ăn phải nó.
Lá ngón lại có cái oái oăm là trông rất giống với một số loại thực vật thường được trồng, rất dễ gây nhầm lẫn và không gây phản ứng khó chịu khi người ta hái về nấu canh ăn phải. Vậy nên, có rất nhiều sinh mạng bị cướp đi khi người ta nhầm lẫn ăn phải lá của loại cây “chó chết” này.
Lâu nay, lá ngón được coi như một sát nhân của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chỉ một sự phiền toái nào đó, ví như bị cha mẹ cấm yêu, lấy nhau; bị bố mẹ chửi, vợ chồng cơm không lành canh chẳng ngọt hoặc làng xóm láng giềng xích mích…, người ta nông nổi tìm đến với loại cây “chó chết” này để kết liễu đời mình. Cá biệt có vụ ghét bỏ, hận thù, họ cũng dùng lá ngón đánh độc để cướp mạng sống của nhau.
Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ để ngăn ngừa và giảm thiểu TNGT lực lượng Cảnh sát giao thông ở Bắc Kạn nói riêng và khu vực Tây bắc nói chung, được Nhà nước đầu tư công cụ hỗ trợ và kinh phí để tuyên truyền, tìm nhiều giải pháp để hạn chế, giảm thiểu TNGT.
Còn hiểm họa gây ra từ việc dùng lá ngón với nhiều nguyên nhân khác nhau, gây tang thương cho rất nhiều gia đình đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa cho đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng chú ý, chưa có giải pháp giúp người dân chuyển đổi nhận thức. Việc tuyên truyền giúp bà con nhận thức tác hại của cây lá ngón vẫn là bài toán khó, chưa có giải pháp ngăn chặn.
Trọng Anh