Tại họp báo về chương trình kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV sáng nay, 19/5, phóng viên đề cập đến trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh bị Thanh tra Chính phủ kết luận có vi phạm pháp luật, Ban Bí thư cách hết các chức vụ trong Đảng và xác định các vi phạm của bà Thanh ở mức độ nghiêm trọng. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp tại Đồng Nai, nhiều cử tri công khai bày tỏ bất tín nhiệm.
"Vậy tại sao UBTV QH cho bà Phan Thị Mỹ Thanh được cho thôi ĐBQH mà không trình QH bãi miễn tư cách ĐBQH của bà Phan Thị Mỹ Thanh theo hình thức kỷ luật?", phóng viên hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Chủ nhiệm Văn phòng QH, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngày 14/5, trên cơ sở các kết luận kiểm tra của Uỷ ban kiểm tra trung ương, Ban Bí thư đã có thông báo về việc bãi miễn bà Phan Thị Mỹ Thanh.
Cùng ngày, bà Phan Thị Mỹ Thanh có thể do bị kỷ luật về Đảng nên khủng hoảng tinh thần, sức khoẻ giảm sút và đã có đơn đề nghị được cho thôi nhiệm vụ ĐBQH vì lý do sức khỏe.
Đảng đoàn QH đã có báo cáo Ban Bí thư trung ương. Ban Bí thư trung ương đã có cân nhắc về nhiều mặt và quyết định đồng ý giao Đảng đoàn Quốc hội thực hiện việc cho thôi nhiệm vụ ĐBQH với bà Phan Thị Mỹ Thanh.
"Về nguyên tắc, theo luật, việc cho thôi thuộc thẩm quyền của QH nhưng trong thời gian QH không họp thì UBTV QH có quyền cho thôi và báo cáo với QH tại kỳ họp gần nhất. Như vậy tại kỳ họp khai mạc vào ngày 21/5, UBTV QH sẽ có báo cáo về việc cho thôi ĐBQH của bà Phan Thị Mỹ Thanh. Việc này làm đúng theo pháp luật", ông Phúc nêu rõ.
Trong quá trình xử lý trường hợp của bà Thanh cũng đã căn cứ vào hồ sơ liên quan đến báo cáo của Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, báo cáo của MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, báo cáo của đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Tất cả các đơn vị này đều đồng ý cho bà Thanh được thôi ĐBQH.
Ông Phúc khẳng định các trường hợp xử lý các ĐBQH đều được UBTV QH, QH làm rất nghiêm túc, kể cả các trường hợp cho thôi hay bãi miễn hay mất quyền.
Cũng tại cuộc họp báo, phóng viên đề cập đến việc trong nhiệm kỳ này khá nhiều ĐBQH bị kỷ luật, cho thôi hay bãi miễn tư cách ĐBQH vì các vi phạm trước đó. Tổng thư ký QH cho rằng đây là vấn đề rất đúng.
"Dù chúng ta không muốn nhưng trong quá trình bầu cử, thẩm tra hồ sơ… cần rút kinh nghiệm. Trong nhiệm kỳ tới đây, khi tiến hành bầu cử cũng phải có thẩm tra sâu sắc hơn nữa", ông Phúc nói.