Còn đó “Những đứa trẻ trong sương”
“Những đứa trẻ trong sương” - phim tài liệu về những đứa trẻ Mông ở vùng cao Việt Nam của đạo diễn Hà Lệ Diễm truyền đi thế giới tiếng nói khác biệt về việc đấu tranh cho quyền của phụ nữ.
“Những đứa trẻ trong sương” xoay quanh Di, cô bé 13 tuổi sống trong một ngôi làng ở vùng núi Sa Pa. Khi tới tuổi dậy thì, tính cách của Di thay đổi rõ rệt. Cô gái nhỏ vô tư trở nên bốc đồng, nhạy cảm và thường xuyên xung đột với mẹ, người đang cố gắng giữ Di tránh xa những mối quan hệ mà em chưa đủ trưởng thành để xử lý. Một ngày mùa xuân, Di đi chơi hội và bị một cậu bé hơn tuổi bắt về làm vợ. Cô cố gắng chống cự và nhất quyết không lấy chồng mà muốn được tiếp tục đi học.
Chọn một câu chuyện khác biệt tập trung vào cuộc sống của những đứa trẻ vùng cao với tục bắt vợ, đạo diễn Hà Lệ Diễm đã gây kinh ngạc cho truyền thông và khán giả thế giới khi ra mắt bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” năm 2021. Phim đã chu du ở rất nhiều liên hoan phim trên thế giới và nhận vô số lời khen ngợi từ các trang báo điện ảnh uy tín.
Tuy nhiên, khán giả Việt Nam chỉ thực sự quan tâm tới bộ phim khi nó vào danh sách rút gọn 15 phim tài liệu xuất sắc của Oscar 2023. Quan trọng hơn, bộ phim lan tỏa thông điệp nhân văn sâu sắc về những đứa trẻ không ngừng đấu tranh cho những quyền cơ bản nhất là tự quyết định cuộc sống cho mình.
Trong phim, những đứa trẻ ngây thơ đang tuổi ăn tuổi chơi mới 12 - 13 tuổi có thể đột nhiên bị chàng trai nào đó bắt về và bắt đầu cuộc đời làm vợ, làm mẹ khi còn chưa biết cuộc sống ngoài kia ra sao. Những đứa trẻ chỉ quẩn quanh ở nơi mình sinh ra rồi bị bó buộc cuộc đời bằng một phong tục xa xưa có thể thay đổi cuộc đời các em nhanh chóng. Nhưng Di - nhân vật chính của phim đã không cam chịu cuộc sống như thế, không cam chịu bị một chàng trai chưa kịp lớn bắt về làm vợ khi mới 14 tuổi. Di muốn tự quyết định số phận của mình dù có thể xung đột với cha mẹ và bị cộng đồng chỉ trích.
“Những đứa trẻ trong sương” trở thành cuộc xung đột về ý thức giữa các thế hệ, xoay quanh câu hỏi về phong tục tập quán và những khát khao tự định đoạt cuộc đời mình. Di không muốn thuận theo tục cướp vợ của người Mông nhưng cô cũng sợ cha mẹ phải xấu hổ với làng xóm khi đi ngược nét văn hóa truyền thống đã thành tục lệ bao đời nay ở quê mình.
|
Cô gái người H'Mông Má Thị Di là nhân vật chính trong phim 'Những đứa trẻ trong sương'. (Ảnh: NĐTTS) |
Chị Châu Thị Say - mẹ của Má Thị Di, sinh năm 1982 đã trải qua hôn nhân theo truyền thống của người Mông. Trong câu chuyện của Di, với vai trò một người mẹ, để bảo vệ tương lai và hạnh phúc của con gái, bà đã trải qua sự đấu tranh tâm lý, giằng xé về nội tâm giữa việc nên theo tục lệ xưa nay của dân tộc mình hay tôn trọng quyết định và hạnh phúc của con mình. Chuyện của em Má Thị Di, dân tộc Mông là câu chuyện đời của những bé gái và người phụ nữ vùng cao, nơi còn nhiều khó khăn và rào cản ngăn cản sự phát triển của người phụ nữ. Trả lời câu hỏi vì sao ở độ tuổi 14 - 15, Di không như các bạn gái Mông khác đều đã lấy chồng, ngược lại còn chống lại người đã “kéo” Di về làm vợ ?
Má Thị Di cho biết, từ khi 15 tuổi, dù chưa đủ khả năng làm con dâu, đang muốn đi học, nhưng đã bị “kéo” về làm vợ. Nhưng vì cuộc sống hạnh phúc cá nhân mình, Má Thị Di đã can đảm vượt lên tập tục, từ chối không về làm vợ, tiếp tục học hành, trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ vùng cao. Di mơ ước sẽ mở homestay tại quê hương Sa Pa, tạo nhiều việc làm cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao để họ có thu nhập, chủ động cuộc sống, không phải là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Đạo diễn Hà Lệ Diễm cho biết, cô gặp Di năm 2017 và thấy cô bé có nhiều điểm giống bản thân hồi trẻ. Là người dân tộc Tày ở Bắc Kạn, Hà Lệ Diễm từng chứng kiến nhiều bạn bè đánh mất tuổi thơ vì lập gia đình sớm. Cô thuyết phục Di để ghi lại những dấu mốc trưởng thành của em suốt hơn 3 năm. Nhiều giai đoạn, đạo diễn ăn ở như người trong gia đình Di để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất. Nữ đạo diễn sinh năm 1992 đã dành gần 4 năm ở trong gia đình nhân vật chính để hoàn thành bộ phim…
Chuyện được viết lên từ cuộc đời mẹ
“Mỗi chúng ta đội một chiếc nón khác nhau, có thể là chiếc nón của kỹ sư, chiếc nón của bác sĩ… đôi khi định kiến bắt mình đội một chiếc nón của người nội trợ. Nhưng hãy tin rằng, bên trong bạn luôn có một sức mạnh, nội lực mạnh mẽ để đội chiếc nón của riêng mình”, Võ Lê Yến Trân chia sẻ tại Lễ tổng kết cuộc thi sản xuất sản phẩm truyền thông trên nền tảng số về nâng cao nhận thức bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi “Rẻo cao hạnh phúc”.
Hơn 1,6 triệu tác phẩm dự thi đều được đầu tư công phu, kỹ lưỡng với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo như infographic, poster, tranh cổ động… Các tác phẩm đã tuyên truyền, lan tỏa thông điệp tích cực về cuộc sống bình đẳng, an toàn, hạnh phúc, không có bạo lực và phân biệt nam nữ, nói không với tảo hôn, định kiến giới, khuôn mẫu giới, qua đó góp phần kêu gọi xóa bỏ hủ tục, định kiến, xây dựng cộng đồng văn minh, gia đình hạnh phúc.
Giao lưu từ xa, Võ Lê Yến Trân - sinh viên Trường Đại học Drexel, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ với tác phẩm đạt giải Nhì: “Khu rừng của những chiếc nón” đã có những chia sẻ xúc động.
Tác phẩm của Yến Trân được thực hiện từ năm 2022 và đầu năm 2024 mới hoàn thiện. Cô gái vào vai người mẹ đã khuất của mình, kể lại câu chuyện ngắn về cuộc đời thật của mẹ. Tác phẩm của Trân hiện cũng được viết bằng tiếng Anh để góp phần lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới tới bạn bè quốc tế.
“Mẹ em đã gặp nhiều định kiến như không nên học cao, để dành tiền cho các em đi học. Vì vậy, mẹ luôn dạy chúng em về bài học của những chiếc nón. Rằng, mỗi chúng ta đội một chiếc nón khác nhau, có thể là chiếc nón của kỹ sư, chiếc nón của bác sĩ… đôi khi định kiến bắt mình đội một chiếc nón của người nội trợ. Nhưng hãy tin rằng, bên trong bạn luôn có một sức mạnh, nội lực mạnh mẽ để đội chiếc nón của riêng mình”, Trân chia sẻ.
Yến Trân cho biết: “Mình ấp ủ viết một quyển sách về cuộc đời của mẹ từ trước khi mẹ qua đời. Do dự mãi đến giờ 2 năm rồi mới hoàn thiện. Một quyển sách dành cho mẹ, dành cho mình và cho tất cả các bạn nữ trên đời”.
Trong câu chuyện, Trân đã vào vai người mẹ của mình với tên gọi Thanh Dung để chia sẻ về chính cuộc đời của mẹ, một người phụ nữ bình thường: “Tôi không phải một diễn viên, một ca sĩ, một nhà chính trị gia, một phi hành gia mà ai cũng biết. Tôi lại càng không phải một người có thể dẫn dắt trái đất xinh đẹp này. Tôi là một cô gái, một người phụ nữ và một người mẹ”.
|
Những cô bé vẫn chưa rời vòng tay mẹ và còn mải chơi đột nhiên phải làm vợ, làm mẹ vì tục bắt vợ. (Ảnh: NĐTTS) |
Thanh Dung từng thất bại ở tuổi 18 khi trượt kỳ thi đại học, phải đối diện với định kiến “Con gái con lứa học cao làm gì, mai sau chỉ cần lấy chồng là xong”. Tuy nhiên, cô gái đã mạnh mẽ vượt qua, tự quyết định chiếc nón bản thân muốn đội, tiếp tục học tập để vào ngôi trường mơ ước.
Mỗi chiếc nón có hình dạng, màu sắc khác nhau… Tuy nhiên, nguyên liệu chung để tạo nên chúng chính là: vẻ đẹp, kiến thức và sự kiên cường. “Bất kỳ loại nón nào, bất kể to hay nhỏ, trang trọng hay đơn thuần chúng đều chứa một phần của trái tim và một mảnh của ký ức”. Điều quan trọng bạn có đủ mạnh mẽ để quyết định chiếc nón bạn muốn đội”. Đó là thông điệp Yến Trân muốn gửi gắm đến cộng đồng.
Lời dặn của mẹ trở thành nguồn động lực cho Yến Trân vươn lên. Hiện ngoài học tập, theo đuổi ước mơ, cô gái trẻ còn có nhiều hoạt động đóng góp cho xã hội. Năm 2024, Yến Trân đã hoàn thành dự án “Phòng tin học Thanh Dung” dành tặng trẻ em dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn. Cô gái trẻ mong muốn đây sẽ là điểm khởi đầu cho các em ở vùng cao được học cách sử dụng máy tính, tiếp cận tri thức và hiện thực hóa ước mơ.
TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhìn nhận, thanh niên hiện nay có nhiều quan điểm tiến bộ hơn về bình đẳng giới. Dẫn số liệu nghiên cứu với khoảng 3 nghìn nam giới, TS. Hồng nhận định, nam giới tuổi càng trẻ thì có quan niệm cởi mở hơn về phân công lao động trong gia đình. Nam giới trẻ cũng thừa nhận năng lực của phụ nữ nhiều hơn, đó là tư tưởng mới. “Các bạn gái trẻ hiện nay cũng có tư tưởng tiến bộ hơn, mạnh dạn đấu tranh cho vị trí, quyền lợi của mình trong gia đình, xã hội. Không còn là phụ nữ rụt rè, cam chịu như thế hệ của mẹ, của bà”, TS. Hồng nói.
Tại Diễn đàn, ông Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các cấp bộ Đoàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai, đổi mới các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới tới đoàn viên, thanh niên qua các hình thức đa dạng, sáng tạo. Trong đó, cần xây dựng các sản phẩm gắn với nhu cầu, thị hiếu của thanh, thiếu nhi, nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu nhi về bình đẳng giới, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới; tuyên truyền, giới thiệu các mô hình, dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới tại địa phương.
Bên cạnh đó, cần nhân rộng những điển hình tốt, người có uy tín, ảnh hưởng tích cực tại cộng đồng và thu hút sự tham gia của nam thanh niên, trẻ em trai trong thực hiện bình đẳng giới…
“Đối với mỗi bạn đoàn viên, thanh niên, với sức trẻ cùng sự nhiệt huyết, sáng tạo, tôi mong rằng các bạn sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ dần các tập tục có hại trong đời sống; lan tỏa thông điệp tích cực về cuộc sống bình đẳng, an toàn, hạnh phúc, không có bạo lực và phân biệt nam, nữ, nói không với tảo hôn, định kiến giới, khuôn mẫu giới. Qua đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, xây dựng cộng đồng văn minh, gia đình hạnh phúc, xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững”, ông Cương nói.
Một số tác phẩm xuất sắc đạt giải trong cuộc thi năm nay như: “Bình đẳng giới - Phép nhiệm màu cho đại ngàn yêu thương”, “Khu rừng của những chiếc nón”, “Bình đẳng giới”, “Rẻo cao hạnh phúc”, “Hai số phận”…