Những cung bậc tình yêu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ilya Ehrenburg (1891-1962), nhà thơ, nhà báo Xô viết có câu để đời: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Những thanh niên trong Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2019. (Ảnh: TƯ Đoàn)
Những thanh niên trong Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2019. (Ảnh: TƯ Đoàn)

Đúng thế, lòng yêu nước bắt đầu từ yêu những thứ bình thường, thân quen nhất, một dòng sông có bến đò ngang, cây đa, giếng nước, cho đến vách đất, mái rạ ngăn gió che mưa…, và tất nhiên không bao giờ thiếu tình yêu đôi lứa.

Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, trước khi chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, anh bộ đội Đỗ Trung Lai cùng đồng đội về Lạng Sơn để “chặn miền ải Bắc” theo cách nói của anh. Những lần anh từ Lạng Sơn về Bắc Ninh thăm người yêu - một cô gái tân binh, họ thường đi dạo trên đê sông Cầu và ngồi ngắm dòng sông, trời đất, những chiếc vó bè kẽo kẹt kéo lên, thả xuống dưới ánh trăng lấp loáng dần in đậm trong ký ức… Để sau đó, năm 1980 anh viết: “Vó bè ai cất sau lưng. Sao giời lọt qua mắt lưới. Rơi đầy xuống cả mặt sông”. Bài thơ “Đêm sông Cầu” này anh viết “Tặng Thoa” - cô gái tân binh ấy.

Vì kỷ luật quân ngũ thời chiến và lúc đó đi lại giữa Lạng Sơn, Bắc Ninh không dễ, nên sau 6 năm yêu nhau họ mới làm đám cưới, nhưng mối tình “Đi qua tháng năm chờ đợi” của chị Thoa cùng với “Lửa rừng bồn chồn góc núi” nơi anh Lai không hề gợn chút nào bi lụy mà sáng lên những cung bậc yêu thương trong ngần. Bởi tình yêu của họ chan hòa trong tình yêu đất nước, quê hương và “lý giải” cho sự chan hòa ấy là “Ngày mai chặn miền ải Bắc. Tựa lưng vào đêm sông Cầu”. Người lính ra trận với điểm tựa vững chắc là hậu phương, nơi quê hương có cha có mẹ, người thân, đồng bào, có mái nhà dung ta từ nhỏ và có cả người con gái yêu thương.

Bài thơ năm nào đã được cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa phổ nhạc thành bài hát “Tình yêu bên dòng sông quan họ” và đã qua gần nửa thế kỷ, chàng trung úy và cô tân binh ngày nào nay vẫn ấm nồng hạnh phúc, viên mãn.

Có lẽ những tấm lòng cao cả gặp nhau ở một tư tưởng lớn nên trước Đỗ Trung Lai, Vũ Cao (1922 - 2000) đã viết trong bài “Núi Đôi” về tình yêu đôi lứa hòa trong tình yêu đồng đội, đồng bào: “Nhớ em anh gọi em đồng chí/Một tấm lòng trong vạn tấm lòng”. Cũng thế, Giang Nam (1929 - 2023) khẳng định: “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/Có những ngày trốn học bị đòn roi/Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi”.

Quê hương đâu chỉ là khung cảnh thanh bình, là tuổi thơ thần tiên, mà còn mang trong lòng mỗi làng xóm không biết bao nhiêu xương máu của lớp lớp thế hệ người Việt đã ngã cho bình yên đất nước. Cựu chiến binh, nhà báo, nhà nhiếp ảnh Lê Bá Dương đã phác họa: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”…

Gần nửa thế kỷ qua, hòa bình ở lại trên non sông thu đã về một mối, tuy còn vô vàn gian khó và đâu đó giặc ngoài chưa thôi nhòm ngó, nhưng cuộc sống đã nhuận sắc. Thế nhưng, cuộc sống no đủ, hiện đại và hòa nhập quốc tế hình như đã làm mai một những tình yêu bởi áp lực công việc, kiếm tiền... Con người hình như dần khô khan và nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều người trở nên vô cảm, ngày càng ít quan tâm đến nhau. Hẹn nhau đến quán cafe, gọi đồ uống xong là tất cả cùng chăm chú bấm điện thoại, chuyện trò, hỏi han dường như lạc lõng, có khi ngồi hàng giờ chỉ nói với nhau vài câu...

Một người thấy xốn xang khi đứng trước cánh đồng lúa xanh rờn đang nối sóng dưới làn gió mát, đâu đó điểm những cánh có trắng muốt, chắc chắn người đó yêu quê hương. Nhưng chỉ rung động với những gì sẵn có chưa đủ, cái mà mình tạo ra mới trở thành “ruột thịt”. Thế nên, cần lắm những sự kiện như cộng đồng mạng Việt Nam vẽ bản đồ Việt Nam từ 80.000 pixel (hay điểm ảnh) trong sự kiện Internet quốc tế với khẳng định đĩnh đạc “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam” - bức tranh châu Á duy nhất lọt top 10.

Hay các cô gái vàng của bóng đá Việt Nam, ban huấn luyện, cổ động viên Việt say sưa hát quốc ca với một tay đặt trước trái tim trước trận World Cup 2023 gặp đội tuyển Mỹ, được truyền thông thế giới hết lời ca ngợi... Hay những hành động giản dị, bình thường nhất như nhiều bạn trẻ thay ảnh mình trên trang cá nhân bằng cờ đỏ sao vàng hay ảnh anh hùng dân tộc vào những dịp lễ lớn của đất nước.