Một chút Giáng Sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần đây, ở Hà Nội, đâu đâu cũng tràn ngập hình ảnh của những cây thông Noel và màu đỏ, sắc xanh, trắng đặc trưng của ngày lễ này.
Một chút Giáng Sinh

Các bản nhạc Giáng Sinh được bật ở khu trung tâm thương mại, cửa hàng, thậm chí ở trường học. Phố hàng Mã, cũng đã thay “áo” đổi các phụ kiện mùa Halloween thành đồ Giáng Sinh, với dãy dãy các cây thông giả, vòng lá, hoa trạng nguyên đỏ, quả cầu pha lê. Dòng người trẻ đi chơi Giáng Sinh càng lúc, càng nhiều hơn. Họ tranh thủ khi trời lạnh chụp ảnh tại nhà thờ, tại khu vui chơi, ai đó đều khoe mình trong những bộ đồ rực rỡ.

Thực ra, cũng lâu rồi, tôi không còn để tâm quá nhiều đến Giáng Sinh nữa. Hồi còn là học sinh, sinh viên, tôi và chúng bạn cũng háo hức lắm. Vì đó là ngày giống như… bên Tây, giống trên các bộ phim mà chúng tôi được xem từ bé. Những ngày Giáng Sinh, trong phim, tôi thấy người nước ngoài “đón” những bông tuyết rơi trên tóc, tặng nhau các gói quà xinh xắn, cùng nghỉ lễ ăn một con gà tây béo mầm, nhìn thật đẹp biết bao.

Hồi xưa, tôi giống như rất nhiều người trẻ, xúng xính để dành tiền mua một chiếc áo len đỏ in hình tuần lộc, bông tuyết, cây thông diện đi chơi. Chúng tôi len lỏi qua con phố cổ, tận hưởng không khí Giáng Sinh đông đúc, ồn ào. Rồi vòng vào nhà thờ, nhìn cây thông Noel cao chót vót trang trí đầy hình thù độc đáo, nghe những khúc thánh ca mình chẳng hiểu nổi.

Nhưng lớn thêm một chút, khi tôi được tiếp xúc với nhiều bạn bè người nước ngoài hơn. Tôi biết rằng, Giáng Sinh không phải là một ngày đi chơi hay tổ chức tiệc tùng, mà là ngày người Tây sẽ quay về nhà, tụ họp với gia đình sau một năm bận rộn công việc. Là ngày mà nhà thờ thậm chí còn không mở, vì chẳng ai ra ngoài đường.

Trưởng thành hơn, cũng là lúc, tôi nhận ra, Giáng Sinh mãi mãi không thể có tuyết, mãi mãi chỉ là phiên bản thoáng giống với những bộ phim. Và tôi cũng sực nhận ra, mình chẳng hiểu gì về văn hóa của những người đã “lan tỏa” hai chữ “Giáng Sinh” với một người trẻ như tôi.

***

Giáng Sinh ai cũng nghĩ là vui? Nhưng thi thoảng, tôi cảm thấy có một chút man mác buồn. Nhất là những năm gần đây, khi bạn bè của tôi đi ra nước ngoài nhiều hơn. Cứ mỗi dịp Noel, tôi lại nhận được vài cuộc gọi từ xa, chúng tôi tâm sự đôi câu. Họ không nói, nhưng tôi đã tự hỏi họ có cô đơn không? Những ngày nghỉ lễ kéo dài, một mình trong căn nhà, nhìn những gia đình khác quây quần bên nhau. Chắc là họ cũng buồn lắm….

Tôi thường nhớ về câu chuyện của bạn du học sinh người Hàn Quốc. Thời đi học, tôi chung lớp với chị, ngày Tết Âm lịch cận kề, mọi người đều háo hức về quê ăn Tết. Thầy giáo chúng tôi biết chị không về nước, liền hỏi có ai muốn mời chị đến nhà ăn Tết không. Chị từ chối và bảo không muốn làm phiền các gia đình khác.

Tôi chợt nhớ về những người bạn của tôi, những người đã từng cùng tôi đến các hội chợ Giáng Sinh ở Việt Nam, cùng nhau mua đồ, cùng nhau nói về tương lai. Những người nghĩ rằng Noel rất nhiều năm sau, khi họ ở nước ngoài cũng sẽ tưng bừng, háo hức, nhộn nhịp như vậy. Nhưng có lẽ họ đã nhầm, tôi cũng nhầm. Giáng Sinh trên những bộ phim “Home alone” (Ở nhà một mình), “The Holiday” (tên tiếng Việt “Nơi tình yêu bắt đầu”), “Harry Potter” có lẽ không còn đúng với chúng tôi nữa…

***

Nhưng thú thật, tôi vẫn thích những ngày Giáng Sinh ấm áp. Giữa bộn bề, bận rộn, vội vàng hoàn thành công việc để đón Tết sắp đến, người Việt Nam có một chút thời gian để thư giãn. Để háo hức, chờ đón một điều gì đó đặc biệt. Để trang trí vài món đồ nhỏ cho căn nhà, mua một bộ quần áo mới, xúng xính đi chụp ảnh. Chỉ nhiêu đó thôi, Noel đã giúp tinh thần của con người phấn khởi, vui vẻ lên rất nhiều rồi.

Thi thoảng tôi cũng nghĩ đến Giáng Sinh, rồi nghĩ đến Tết âm lịch. Tết thì đương nhiên là quan trọng nhất rồi. Bên cạnh niềm vui, hân hoan được nghỉ, nhưng mọi người vẫn phải lo toan, tất bật sắm sửa đón năm mới. Còn ngày Noel lại giống như một cuộc vui thoáng chốc, không cần lo lắng, không có quy củ, không có ngày nghỉ. Chỉ đơn giản là một khoảnh khắc để vui vẻ theo những cách khác nhau...

Tôi tự đặt tên cho ngày Giáng Sinh ở Việt Nam là ngày “tặng quà”. Một ngày không phải chỉ riêng giáo viên, kỹ sư, bác sĩ mới được có hoa, có quà, mở tiệc ăn mừng, mà ai cũng có thể làm được điều đó. Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, thì Giáng Sinh đã kéo những người bạn, người thân trong gia đình gần nhau hơn bằng một món quà quan tâm, yêu thương nhau.

Tôi nhớ, có một năm, mình đã tiết kiệm tiền rất lâu để mua tặng bố một khóa học tiếng Pháp, tặng mẹ một chiếc thảm tập yoga nhập ngoại. Nhưng không có lý do chính đáng để tặng, bố mẹ tôi lại càu nhàu “chỉ biết tiêu hoang phí là giỏi”. May mắn làm sao, dịp Noel xuất hiện, giúp tôi có thể tặng bố mẹ những món quà này.

Có lẽ, Giáng Sinh với mỗi người cũng chỉ cần hiểu đơn thuần, là một khoảnh khắc để những chàng trai, cô gái, gia đình trẻ thư giãn tinh thần, tạm buông bỏ lo âu phiền muộn để chuẩn bị cho những tháng cuối năm bận rộn sắp tới...