Những danh tướng triều Nguyễn trên đất Sen Hồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận và tôn vinh nhiều danh nhân, anh hùng có công với đất nước. Tuy nhiên, còn không ít những bậc danh tướng, quan lại có công mở mang, bảo vệ đất nước khi xưa nhưng ngày nay lại ít người biết đến. Thời gian qua, từ hoạt động điền dã, Đồng Tháp đã phát hiện nhiều tư liệu quý, làm rõ lai lịch và hoàn thiện công trạng nhiều nhân vật lịch sử để hậu thế biết đến và tưởng nhớ công đức tiền nhân.
Lễ thỉnh thần vị Hùng Dõng Tướng Nguyễn Công Nhàn vào đình thần Tân Phước (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). (Ảnh: PV).
Lễ thỉnh thần vị Hùng Dõng Tướng Nguyễn Công Nhàn vào đình thần Tân Phước (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). (Ảnh: PV).

Phát hiện nhiều nhân vật bị thời gian khỏa lấp

Lịch sử không phải chỉ viết một lần là xong. Vẫn còn đó những khoảng trống chưa thể lấp đầy, những nghi vấn cần tiếp tục tìm lời giải đáp. Nhận định về một con người, một sự kiện cụ thể buộc phải thay đổi khi tìm được những chứng cứ xác thực mới. Đó là một hành trình dài, đầy gian nan, thử thách và đôi lúc phải “mò kim đáy biển” với những nguồn tư liệu bị “mất dấu”. Tuy nhiên, những con người nặng lòng với lịch sử, nặng lòng với quê hương không đồng ý đặt dấu chấm kết thúc cho các sự kiện còn dang dở mà kiên trì tìm tòi, lần theo các manh mối dù nhỏ nhất để làm sáng tỏ một phần lịch sử dân tộc. Qua đó, giúp hậu nhân hiểu rõ hơn về các bậc tiên tổ có công khai phá, phát triển đất đai, xứ sở. Quá trình truy tìm tiểu sử nhân vật này lại phát hiện thêm nhân vật khác. Món nợ lịch sử càng chồng chất, hành trình ngày một dài ra, nhiều điều thú vị còn ở phía trước. Với những người nghiên cứu sử học, đó là cách để trả nợ lịch sử, trả nợ tiền nhân.

Phát huy tinh thần đó, thời gian qua, nhiều nhà nghiên cứu của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp đã miệt mài điền dã, tìm kiếm và phát hiện các tư liệu đắt giá, góp phần to lớn vào việc viết thêm, viết lại lịch sử. Các sắc phong, tư liệu Hán - Nôm còn lưu giữ trong dân gian và trong gia đình các vị ngày xưa làm quan lại triều Nguyễn… đã giúp họ phát hiện thêm nhiều nhân vật lịch sử bị thời gian khỏa lấp và làm rõ dấu ấn, công trạng của từng vị. Đó là những nhân vật có nhiều đóng góp cho Nam Bộ nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Công lao của các vị rất lớn, tiêu biểu như Tổng đốc An Hà Nguyễn Công Nhàn. Ông là người có công đánh giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi mảnh đất phía Nam thời Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và giữ các chức vụ quan trọng như: Tổng đốc An Hà (An Giang và Hà Tiên), Tổng Đốc Định Tường. Sau khi thực dân Pháp tấn công Định Tường thì ông thất thủ, không giữ được thành. Tuy nhiên, ông không bỏ cuộc mà lập căn cứ kháng chiến ở Đồng Tháp, đắp bảo tiền chống Pháp. Sau cuộc kháng chiến thất bại, tất cả đã bị khỏa lấp. Việc ông để mất thành Định Tường cũng bị sử sách đời sau quên lãng. Do đó, nhiều năm tháng qua đi, chưa có cái nhìn chính xác về công lao của ông. Bởi thế, thông qua điền dã tìm kiếm sử liệu đã phát hiện nhiều tư liệu về ông trong dân gian.

Lễ giỗ lần thứ 156 của Hùng Dõng Tướng Nguyễn Công Nhàn. (Ảnh: PV)

Lễ giỗ lần thứ 156 của Hùng Dõng Tướng Nguyễn Công Nhàn. (Ảnh: PV)

Ông Nguyễn Thanh Thuận - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2017, Hội đã tổ chức Hội thảo về Hùng Dõng Tướng Nguyễn Công Nhàn. Qua đó, minh oan cho ông trong việc để mất thành Định Tường và việc sau này gây dựng lực lượng kháng chiến chống Pháp. Sau khi sự thật được chứng minh bằng các tài liệu lịch sử thì Nguyễn Công Nhàn được minh oan. Chính quyền tỉnh Đồng Tháp và con cháu hậu duệ đã xây dựng lại đền thờ cho ông và hàng năm lễ giỗ của ông cũng được chính quyền địa phương đứng ra tổ chức rất long trọng. Từ năm 2019, trên địa bàn TP Cao Lãnh đã có con đường mang tên Nguyễn Công Nhàn.

Tương tự đó còn có trường hợp của Lãnh binh Võ Hiệp. Ông cũng là vị quan cùng thời với Nguyễn Công Nhàn, làm tới chức Lãnh binh của Hà Tiên. Tuy nhiên, khi Lãnh binh Võ Hiệp qua đời vào thời Tự Đức thì hầu như không ai biết đến ông nữa. Tuy nhiên, trong quá trình Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp điền dã tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Hùng Dõng Tướng Nguyễn Công Nhàn thì phát hiện một Châu bản triều Nguyễn do Hùng Dõng Tướng Nguyễn Công Nhàn tấu xin Vua Tự Đức cho Lãnh binh Võ Hiệp hợp sức cùng với ông để đắp thành. Trong đó có nhắc đến Lãnh binh Võ Hiệp là người quê ở Tân Dương (thuộc huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp ngày nay).

“Qua thông tin Châu bản cung cấp, chúng tôi mới tìm lại những gia đình họ Võ lâu đời ở xã Tân Dương để tìm dấu tích về nhân vật này. Rất may mắn chúng tôi đã tìm được những hậu duệ của Lãnh binh và hậu duệ của ông đã lưu giữ được rất nhiều sắc phong cũng như giấy tờ cá nhân liên quan đến ông. Qua đó, thấy được công lao đóng góp của Lãnh binh Võ Hiệp đối với vùng đất Hà Tiên, cũng như ông là một nhân vật lịch sử sanh quán ở Lai Vung (Đồng Tháp). Sau đó, chúng tôi đã làm văn bản báo cáo UBND tỉnh và được UBND tỉnh có động thái trước tiên là tặng Bằng khen cho gia đình Lãnh binh Võ Hiệp vì đã có công gìn giữ được những di sản sắc phong. Sắp tới sẽ có những hoạt động tiếp theo sẽ tôn vinh và tri ân đúng mức về ông”, ông Thuận chia sẻ.

Công trạng nhiều nhân vật lịch sử được trả lại

Chưa dừng lại ở đó, năm 2019 Đồng Tháp còn phát hiện một gia tộc lưu giữ nhiều sắc phong, tài liệu quý giá về một vị võ tướng, tương truyền được Nhân dân thôn Mỹ Trà xưa tôn là Thành hoàng bổn cảnh, phụng tự tại Đình Trung (đình Mỹ Trà). Đó là cụ Nguyễn Văn Mai, người được Vua Gia Long phong tước Mai Tài Hầu. Đây là một khối di sản Hán - Nôm đồ sộ với các sắc phong, tờ chỉ sai, chế phong, vi bằng… Số lượng hơn 60 tờ còn khá nguyên vẹn, tờ xưa nhất có niên đại Cảnh Hưng năm thứ 63 (1802) và những tờ khác có niên đại trải dài suốt thời Gia Long đến thời Minh Mạng.

“Từ những văn bản này, chúng tôi được biết cụ Nguyễn Văn Mai sanh trưởng tại thôn Mỹ Trà, tổng Kiến Đăng, huyện Kiến An, phủ Gia Định (nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), là một võ quan sớm theo phò tá Chúa Nguyễn Phước Ánh, từng lập chiến công nên được thăng nhiều chức vụ và được phong tước Hầu. Khi Lê Văn Khôi nổi loạn và cầu viện Xiêm La, cụ đã cùng quan binh ra sức đánh dẹp quân xâm lược Xiêm. Tháng 8 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), cụ cùng quan quân chiếm lại tỉnh thành Hà Tiên, sau đó theo dưới trướng Bình Khấu tướng quân Trần Văn Năng và Tham tán Trương Minh Giảng, khi đem quân giải phóng thành Nam Vang thì ông chẳng may tử trận”, ông Thuận nói.

Lễ khán sắc Đề đốc Vĩnh Long, Diên Hựu bá Đoàn Văn Sách tại nhà thờ ở xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò. (Ảnh: PV).

Lễ khán sắc Đề đốc Vĩnh Long, Diên Hựu bá Đoàn Văn Sách tại nhà thờ ở xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò. (Ảnh: PV).

Ông Thuận còn cho biết, theo lời truyền lại trong gia tộc, sau khi ông tử trận, Vua Minh Mạng ban chế truy phong công trạng. Sắc ban đến nhà thì hương chức làng Mỹ Trà khi ấy đến xin được thỉnh về thờ làm Thành hoàng để phò hộ hương thôn bá tánh nhưng xin keo mấy lần ngài đều không thuận cho mang sắc đi, do đó, làng Mỹ Trà chỉ xin được thờ phụng anh linh ngài. Từ đó đến nay đã hơn 180 năm, con cháu nối đời gìn giữ sắc phong, hằng năm làm lễ giỗ Mai Tài hầu Nguyễn Văn Mai vào mùng 9 tháng 5 (âm lịch). Nhờ những tư liệu, sắc phong hậu duệ còn lưu giữ đã giúp người đời sau biết và viết hoàn chỉnh tiểu sử và công trạng của ông. Và biết thêm ông chính là vị thành hoàng bổn cảnh của làng Mỹ Trà ngày xưa. “Qua nghiên cứu, tìm hiểu, hậu duệ của ông cũng biết được công trạng của tổ tiên mình với vùng đất Cao Lãnh. Chính quyền TP Cao Lãnh cũng thấy ông là danh nhân của vùng đất nên tiến hành xây cất lại đền thờ cho ông như ngày hôm nay. Hằng năm lễ giỗ của ông cũng được gia đình và chính quyền địa phương đứng ra tổ chức long trọng”, ông Thuận cho biết.

Bên cạnh đó, các tờ sắc, tài liệu Hán - Nôm tìm được trong quá trình điền dã còn phát hiện nhiều tư liệu về Quận công Trần Văn Năng, Nhơn Hòa Hầu Nguyễn Văn Nhơn, Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên, Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư, Anh Dũng tướng Đoàn Văn Sách, Chánh lãnh binh Nguyễn Hương… Qua đó, giúp kể lại nhiều câu chuyện về thời thế, sự nghiệp của từng vị và rộng hơn là bối cảnh xã hội của Nam Kỳ lúc bấy giờ…