Các cơ quan tố tụng Hà Tĩnh nhận định: trong vụ giết người xảy ra ngày 10/7/2016 tại sân vận động thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn), các bị cáo Nguyễn Đức Hiệp, Trần Văn Thìn, Hồ Anh Tuấn (đều ngụ huyện Hương Sơn) cùng vây đuổi đánh làm tử vong nạn nhân Nguyễn Văn Đắc (ngụ huyện Hưng Nguyên, Nghệ An).
Ngay đêm xảy ra vụ án, Tuấn tự thú, nhận mình đâm nạn nhân. Vài ngày sau Thìn đầu thú và khai nhận đã tham gia đánh nhau. Riêng Hiệp 19 ngày sau mới bị bắt.
Thìn, Tuấn, Hiệp cùng bị truy tố về tội “Giết người”. Cơ quan tố tụng nhận định: Hiệp trực tiếp dùng dao đâm nạn nhân. Thìn dùng sống kiếm chém. Tuấn chuẩn bị hung khí, cùng Thìn, Hiệp vây đánh, còn ôm và đấm vào mặt Đắc.
Công an đã thu giữ một số vật chứng, nhưng không tìm được con dao Hiệp dùng và thanh kiếm Thìn sử dụng.
“Khoảng trống” thời gian
Vụ án có rất nhiều mâu thuẫn, từ lời khai của các bị cáo đến nhân chứng… Đặc biệt, quá trình điều tra không xác định thời điểm cụ thể vụ án xảy ra mà chỉ ghi ước lượng “khoảng 19h”.
Hồ sơ tố tụng cho rằng: Khoảng 19h, bắt đầu Hiệp báo tin cho Thìn có người đuổi đánh, đồng thời gọi điện cho Tuấn nói lấy “đồ” đến nhà Thìn. Nhưng “khoảng” này là trước hay sau 19h, cụ thể bao nhiêu phút?
Phải đặt vấn đề xác định rõ thời điểm bởi nếu “khoảng 19h” vụ án xảy ra thì mâu thuẫn với việc “19h00’” nạn nhận đã được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hương Sơn. Cùng một lúc, nạn nhân Đắc không thể vừa bị đánh ở sân vận động lại vừa được cấp cứu ở bệnh viện.
Tờ điều trị Khoa khám bệnh với nạn nhân Đắc do bệnh viện tiếp nhận được xác định vào hồi 19h00’ ngày 10/7/2016. Phiếu chăm sóc nạn nhân Đắc xác nhận bệnh nhân vào hồi 19h00’ ngày 10/7/2016 trong tình trạng lơ mơ (vết thương thấu ngực).
Tranh luận tại tòa, đại diện VKS nói: Về mặt thời gian, tất cả lời khai chỉ đưa ra là khoảng thời gian, không khẳng định một mốc thời gian cụ thể. Tài liệu do bệnh viện cung cấp cũng chưa thể chứng minh một cách cụ thể. VKS khẳng định chứng cứ mình sử dụng là “khách quan, phù hợp nhất”, nhưng “khách quan, phù hợp” ra sao thì không nêu.
Bị cáo Hiệp nói không thống nhất với quan điểm của VKS. Theo Hiệp, bắt buộc VKS phải đưa ra một thời gian chính xác để buộc tội, không thể nói thời gian chỉ là ước lượng.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Hiệp chất vấn quan điểm của VKS “không rõ như thế nào” về việc xác nhận hay bác bỏ văn bản của bệnh viện, bởi việc xác định thời điểm tử vong của một người trong vụ án hình sự cần phải chính xác để làm căn cứ xác định trách nhiệm của các bên, chứng cứ ngoại phạm…
Trong khi đó, VKS lại chấp nhận một văn bản không chính xác của dịch vụ viễn thông (như kỳ 1 phản ánh) để từ đó quy kết Hiệp gọi điện cho Tuấn nói lấy hung khí.
Để làm rõ những mâu thuẫn trên, TAND Hà Tĩnh đã quyết định hoãn xử một lần. Đáng tiếc, khi phiên tòa mở lại, thực nghiệm điều tra chưa tiến hành và mâu thuẫn vẫn không được sáng tỏ.
Bản án sơ thẩm nêu rõ: luật sư bào chữa cho bị cáo Hiệp cho rằng việc xác định thời gian xảy ra vụ án là đặc biệt quan trọng, vì liên quan đến thời gian phạm tội của từng bị cáo, thời gian tử vong của bị hại và cũng là căn cứ để cơ quan tố tụng loại trừ trách nhiệm hình sự khi xác định chứng cứ ngoại phạm của các bị cáo. Tuy nhiên, trong vụ án này, việc bắt buộc phải xác định khoảng thời gian chính xác “không làm loại trừ hành vi phạm tội của các bị cáo”. Sau đó tòa vẫn tuyên Hiệp 14 năm 6 tháng tù giam, Thìn 13 năm tù giam, Tuấn 10 năm tù giam về tội “Giết người”.
Vậy vụ án xảy ra vào thời điểm nào, từ lúc nạn nhân bị đâm đến lúc nhập viện là bao lâu? “Khoảng trống” này đến nay vẫn là câu hỏi lớn.
Hồ sơ Bệnh viện ghi nạn nhân nhập viện lúc 19h00p ngày 10/7/2016 |
Vụ án “siêu tốc” 10 phút
Trong vụ án này, nghi vấn nối tiếp nghi vấn. Từ “khoảng trống” thời gian trên dẫn đến thắc mắc về một vụ án “siêu tốc” khó có thể xảy ra trong thực tế: Chỉ 10 phút từ lúc các bị cáo gọi điện cho nhau lấy hung khí, chạy xe máy nhiều quãng đường, ẩu đả rồi nhập viện.
Có thể tính ra được 10 phút như vậy nếu căn cứ vào tài liệu điều tra. Ngoài những lời khai mang tính ước lượng về thời gian, có 2 tài liệu thể hiện thời điểm cụ thể: bản kê cuộc gọi đi từ số máy của Hiệp đến số máy Tuấn vào 18h50’46” và hồ sơ bệnh viện ghi nạn nhân nhập viện lúc 19h00 cùng ngày. Cả hai tài liệu này đều được cơ quan điều tra thu thập và ghi nhận.
Như vậy, từ lúc Hiệp gọi cho Tuấn lấy hung khí (nếu cuộc gọi có thật) đến lúc nạn nhân cấp cứu, tổng cộng 10 phút.
Trong 10 phút giả định này: Tuấn sẽ phải đi xe máy với tốc độ bình thường 45 – 50km/h (theo Tuấn khai) từ quán bi da nơi Tuấn đang chơi đến nhà Hiệp (khoảng 700 – 800m), vào nhà Hiệp lấy dao, từ nhà Hiệp đi ra sân vận động (khoảng 700 – 800m). Sau đó là đuổi đánh nhau tại sân, nạn nhân gục xuống, mọi người la hét hoảng loạn và được bế lên ô tô đến bệnh viện (khoảng 800m).
Nhiều ý kiến nhận định thực tế sự việc không thể diễn ra chỉ trong 10 phút. Ngay cả lời khai của các bị cáo cũng thể hiện mâu thuẫn.
Vợ Hiệp nói cửa sổ gian giữa tầng 2 (nơi cháu bé đứng) không thể để dao như lời Tuấn khai |
Tại phiên tòa đầu tiên, Tuấn khai từ quán bi da đến nhà Hiệp 5 phút, lấy dao 1 – 2 phút, ra sân vận động 2 – 3 phút. Như vậy chưa đánh nhau, chưa đưa đi viện đã mất 8 – 10 phút. Có lúc Tuấn khai tổng cộng quãng đường mất tới 15 phút, đồng nghĩa khi nạn nhân đã nhập viện thì Tuấn mới lấy dao ra đến sân.
Phiên tòa thứ hai, Tuấn thay đổi lời khai, rút thời gian từ 5 phút đến nhà Hiệp xuống còn 1 - 2 phút, từ nhà Hiệp ra sân cũng tương tự. Tranh luận tại tòa, Hiệp nói: “Chừng ấy thời gian không thể đi được, đi bằng máy bay cũng không được”.
Chưa kể, một bị cáo ban đầu khai mất 10 phút từ lúc bế nạn nhân đến lúc vào viện, sau rút xuống 3 – 5 phút và nói “không có thời gian để xem đồng hồ, chỉ ước lượng”.
Luật sư cho rằng diễn biến tại phiên tòa cho thấy sự vô lý về mặt thời gian, quá trình điều tra chưa thu thập đủ tài liệu, các bị cáo thay đổi lời khai là tình tiết mới quan trọng, cần thực nghiệm điều tra để làm rõ.
Nhưng VKS cho rằng: “Đây không phải tình tiết mới. Kết luận điều tra đã xác định “khoảng thời gian”, chứ không phải một thời gian cụ thể, do đó không cần phải thực nghiệm điều tra lại”.
Ngoài nghi vấn trên, các tài liệu và nhiều lời khai nhân chứng cho rằng Tuấn và Thìn cầm dao đuổi đánh nạn nhân lúc 18h50 tại sân vận động.
Cụ thể, theo hồ sơ vụ án, nhân chứng 63 tuổi nhà liền kề sân vận động khai: “Khoảng 18h50’ ngày 10/7/2016 khi tôi đang chuẩn bị đi tắm thì có nghe tiếng người đuổi đánh nhau”. Nhân chứng này nói chính xác về thời gian vì trong nhà có đồng hồ. Thời điểm này đã diễn ra xô xát tại sân.
Vậy, tại thời điểm 18h50 (10 phút trước khi nạn nhân nhập viện) bị cáo Tuấn bắt đầu nhận điện thoại đi lấy hung khí, hay đã ở trên sân đuổi đánh nhau?
Rất nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ trong vụ án. Với các lời khai thay đổi liên tục, luật sư bào chữa cho Hiệp đã phải nêu nghi vấn: Vụ án có sự bàn bạc “nhận tội thay” hay là “đổ tội thay”? Đặc biệt, có dấu hiệu cơ quan điều tra ép cung đối với bị cáo?
PLVN sẽ phản ánh trong bài sau.
Theo vợ bị cáo Hiệp, tại tòa Tuấn khai sau khi nhận điện thoại nói lấy “đồ”, Tuấn đã đi từ quán bi da đến nhà Hiệp, lấy 2 con dao ở cửa sổ gian giữa tầng 2. Vợ Hiệp cho rằng lời khai này là vô lý.
Vì lúc đó nhà Hiệp khóa cửa không có ai, Hiệp đi đá bóng, bố đi tập thể dục, người giúp việc ra về, vợ Hiệp là người khóa cửa và đưa các con đi dạo. Ai mở cửa cho Tuấn?
Mặt khác, gian giữa tầng 2 là phòng đồ chơi của các con Hiệp, cửa sổ không quá cao. Con Hiệp 2 đứa còn nhỏ đều có thể với tay lấy được đồ trên cửa sổ, hai con dao nguy hiểm khó có thể để ở đó.