Những điều đáng lưu ý khi sinh mổ lần 2

Ở tháng cuối thai kỳ, sản phụ nên tới bệnh viện thăm khám định kỳ và đăng ký lịch mổ, tránh để tới khi xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ mới mổ sinh...

Theo ThS. Bs CK II Nguyễn Công Định, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thời điểm sinh mổ trong lần mang thai thứ 2 sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình trạng sức khỏe bà bầu và sự phát triển của thai nhi trong bụng. Với mỗi trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về thời điểm sinh mổ lần 2 khác nhau, sao cho đảm bảo an toàn và tốt nhất cho cả hai mẹ con.

Trong trường hợp sức khỏe của người mẹ tốt, không có các triệu chứng bất thường trong suốt thai kỳ thì có thể sinh lần 2 khi thai được 39 tuần tuổi. Đây là thời điểm tốt nhất để em bé phát triển tối đa và cơ thể mẹ vẫn có thể đáp ứng được.

Trong trường hợp sức khỏe bà mẹ không tốt, có tiền sử bị thai lưu, thai ngoài tử cung, đã có can thiệp y tế để bỏ thai thì nên đến bệnh viện sớm để được theo dõi. Trường hợp này, sản phụ sinh mổ khi thai được 38 tuần tuổi là an toàn nhất.

"Các mẹ chú ý, ở tháng cuối thai kỳ nên tới bệnh viện thăm khám định kỳ và đăng ký lịch mổ. Tránh để tới khi xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ mới mổ sinh", ThS. Bs CK II Nguyễn Công Định khuyến cáo. "Vì có thể khi đó, thai đã quá to, ảnh hưởng tới vết mổ cũ của mẹ, không những thế nó còn làm cho mẹ phải chịu đau đẻ hai lần, đau do chuyển dạ và đau đẻ mổ".

Cũng theo bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khi thăm khám, các bác sĩ sẽ phải kiểm tra đầy đủ tất cả các chỉ số thai nhi gồm: độ dày mỏng của thành tử cung; nhịp tim thai, cân nặng, chiều dài thân… và đồng thời đánh giá về hiện trạng của vết mổ cũ. Nếu có bất thường về sức khỏe của thai nhi hay của mẹ, bác sĩ ngay lập tức sẽ chỉ định sinh mổ lần 2 chủ động nhằm hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm.

"Sinh mổ lần 2 không hề đơn giản như lần 1. Bác sĩ mổ đẻ lần 2 phải là người có chuyên môn tốt để kịp thời xử lý những vấn đề bất thường xảy ra", ThS. Bs CK II Nguyễn Công Định cho biết thêm.

Khác với lần đầu tiên, siêu âm khi mang thai lần 2 không chỉ đơn giản để kiểm tra sức khỏe thai nhi mà còn để kiểm tra tình trạng vết mổ cũ của sản phụ.

Trong khi đi khám, sản phụ cần cung cấp cho bác sĩ đầy đủ thông tin về lần sinh trước như thời gian mổ, lý do mổ, thời gian phục hồi, biến chứng sau sinh…

Tuy rất hiếm xảy ra, nhưng vẫn không ít trường hợp các vết mổ lần đầu bị nứt trong lần mang thai thứ 2. Đây là tình trạng cực kì nguy hiểm, có thể cướp đi tính mạng của mẹ.

Chính vì vậy, sản phụ phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra vết mổ cũ, nếu xuất hiện những cơn đau, màu sắc bất thường, phải báo cho bác sĩ ngay.