Những đổi thay quý giá ở Lang Chánh

(PLO) - Ở huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) - một trong 63 huyện nghèo của cả nước, đồng vốn chính sách có dấu ấn rất rõ ràng trong mọi mặt đời sống của bà con dân tộc Kinh, Mường, Thái, bởi không chỉ giúp cải thiện kinh tế gia đình, mà còn đưa lại kiến thức làm thay đổi nhận thức của bà con…
Đàn bò được hình thành từ vốn vay chương trình hộ thoát nghèo của nhà anh Lò Văn Thống (thôn Yên Lập, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh)
Đàn bò được hình thành từ vốn vay chương trình hộ thoát nghèo của nhà anh Lò Văn Thống (thôn Yên Lập, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh)

Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hoá, tổng diện tích 586km2 nhưng chủ yếu là đồi núi, sông suối, cả huyện Lang Chánh có 11 xã, thị trấn thì có 9 xã thuộc xã đặc biệt khó khăn. Huyện có 03 dân tộc anh em sinh sống (Thái, Mường, Kinh), có tới hơn 45% số hộ là hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Cách trung tâm huyện chừng 30km, Yên Khương là xã biên giới của huyện Lang Chánh. Đi qua những đoạn đường lổn nhổn đá hoặc mịt mờ bụi, đầy “ổ gà, sống trâu”, chúng tôi đến được thôn Yên Lập. Theo lời cán bộ Hội Nông dân đi cùng, ở thôn này nhà nào cũng vay vốn chính sách. Chúng tôi ghé thăm hộ anh Lò Văn Thống khi anh đang làm trên rừng keo 3,5ha của nhà mình, mà chị Lò Thị Nhung (vợ anh) khoe “mở rộng được như thế một phần nhờ vốn Ngân hàng Chính sách đó”.

 Mấy năm lập gia đình với nhau rồi ra ở riêng, vốn chính sách gần như là “bạn đồng hành” của gia đình anh chị. Từ những đồng vốn chương trình hộ nghèo, chương trình dành cho hộ dân tộc thiểu số, nước sạch vệ sinh môi trường…, lần hồi trồng keo và chăn nuôi, anh chị đã thoát nghèo và vẫn được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay chương trình hộ mới thoát nghèo để tiếp tục duy trì đà vươn lên. Giờ số tiền 20 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo không còn là áp lực của gia đình, bởi tài sản nhà anh chị hiện có 5 con bò sinh sản, 2 con trâu và rừng keo 3,5ha xanh tốt. 

16 năm hiện diện ở Lang Chánh, đồng hành cùng mọi mặt đời sống của bà con các dân tộc nơi đây, cán bộ nhân viên NHCSXH huyện đã trở thành người bạn thân thiết của nhiều gia đình. Hoạt động tín dụng chính sách đã tạo bước đột phá về nguồn vốn đầu tư cho người nghèo, giảm áp lực về nguồn kinh phí cho ngân sách tỉnh, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Ban đầu chỉ có 3 chương trình với tổng dư nợ là 2,7 tỷ đồng, đến nay dư nợ đã đạt 224,7 tỷ đồng với 7.189 hộ còn vay vốn, tăng 222 tỷ đồng, gấp 82 lần so với năm 2002, với 17 chương trình tín dụng đang thực hiện. Chất lượng tín dụng được duy trì và tiếp tục được cải thiện rõ rệt.

Nguồn vốn tín dụng chính sách trong 16 năm qua đã làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 42 ngàn lượt hộ, giúp hơn 42 ngàn hộ nghèo được vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, từng bước quen dần với cơ chế thị trường, góp phần đưa gần 25 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo nhờ vay vốn tín dụng chính sách. Đồng thời, còn tạo việc làm cho gần 450 lao động, giúp cho gần 1,8 ngàn học sinh, sinh viên được vay vốn; xây dựng được gần 1.553 công trình nước sạch và hàng ngàn công trình vệ sinh, giúp hộ nghèo xây dựng được 1.324 ngôi nhà ở.

Hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động, phát huy được lợi thế, thế mạnh của từng miền, từng vùng, từng hộ gia đình, tạo điều kiện sản xuất, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, tình trạng bán lúa non, bán và cầm cố ruộng đất ở nông thôn, đời sống dân nghèo được cải thiện góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương. Đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, việc cho vay ưu đãi, kề vai sát cánh với hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn có tác động quan trọng đối với việc giữ đất, giữ biên cương Tổ quốc.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hồng - Chủ tịch UBND huyện  Lang Chánh –  cho hay, cùng với việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của bà con, hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của bà con các dân tộc thiểu số nơi đây. Khác với việc hỗ trợ cho không, khi vay vốn để phát triển kinh tế, người dân ý thức được trách nhiệm đối với đồng vốn, có vay có trả, nên cũng tìm tòi mọi cách để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhờ đó không chỉ đời sống kinh tế phát triển mà cả tư duy của người dân cũng thay đổi. 

“Từ tâm lý trông chờ ỷ lại ăn sâu bám rễ từ lâu, bà con đã dần thay đổi nhận thức, trở nên chủ động hơn trong việc lên kế hoạch phát triển kinh tế gia đình mình, tìm hiểu ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao tư duy trong phát triển kinh tế xã hội. Đó là một trong những kết quả đáng quý mà tín dụng chính sách mang lại” – ông Nguyễn Xuân Hồng nhận định. 

Đọc thêm