Một vị lãnh đạo TP Hồ Chí Minh mới đây đã khích lệ Công đoàn thành phố nên tổ chức các cuộc đình công đúng pháp luật cho công nhân, đó cũng là cách thức tạo ra tiền lệ. Khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực, các cơ quan bảo hiểm không được đứng nguyên đơn kiện các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm thì các tổ chức Công đoàn có thể đại diện công nhân kiện ra Tòa các doanh nghiệp này. Sáng kiến đó tạo ra một tiền lệ tốt, đảm bảo lợi ích người lao động và cả chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực thi một cách hiệu quả.
Phải thẳng thắn thừa nhận một thực trạng rằng vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội hiện tại rất mờ nhạt trong cuộc sống hiện tại. Mới đây, khi có những thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của người nông dân như cá rô phi độc hại, sầu riêng ngâm hóa chất thì không hề thấy những hiệp hội, tổ chức nào của nông dân lên tiếng hoặc có động thái bảo vệ bà con.
Tương tự, rất nhiều việc như phụ nữ bị bạo hành, bị buôn bán, trẻ em đói rách, thất học, thanh niên lêu lổng, rượu chè,... người ta thường tự hỏi tất cả các đối tượng này đều là thành viên của một tổ chức nào đó, tại sao không ai đứng ra bảo vệ họ? Hoặc, như ở một tỉnh hàng trăm giáo viên hợp đồng bị cho thôi việc, không thấy tổ chức công đoàn giáo viên ở nơi đó lên tiếng!
Để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, nâng cao trách nhiệm đội ngũ công chức, có vị lãnh đạo không e dè tuyên bố cách chức cán bộ lơ là việc công. Có trường hợp người giữ cương vị chủ chốt vi phạm thì đình chỉ ngay để làm rõ, không phải đợi một “quy trình” nào đó.
Những động thái này nếu không được coi là đột phá trong công tác tổ chức cán bộ thì cũng tạo ra những tiền lệ đáng học tập trong việc siết chặt kỷ cương. Tạo ra các tiền lệ, phá vỡ sự trì trệ truyền thống, thúc đẩy chuyển động xã hội tiến lên, đó là việc rất nên làm và xứng đáng được ủng hộ, cổ vũ!