Khi những đứa trẻ lên tiếng
Trước khi em bé Hà Nội gửi thư cho các thầy cô hiệu trưởng trường trung học tại Hà Nội, mong các thầy cô không tiến hành hoạt động thả bóng bay ngày khai trường, có lẽ ai trong số chúng ta cũng mơ hồ bởi không để tâm, rằng xác bóng bay có thể gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, chính xác những hậu quả của nó đối với môi sinh thì không phải ai cũng rõ.
Bóng bay khi thả lên trời, hoặc các loại bóng tráng bạc vướng vào dây diện cao thế gây cháy nổ, hoặc bay đến các vùng sâu, vùng xa, rừng hoặc biển và rơi xuống. Các loại sinh vật dễ dàng ăn phải các xác bóng này, hoặc mắc phải các “bẫy bong bóng” mà mất mạng.
Theo thống kê của Hội Nghiên cứu Sinh vật biển bị mắc cạn ở Mỹ (Marine Mammal Stranding Center), hơn 100.000 sinh vật biển bị chết mỗi năm vì ăn nhầm phải nhựa. 5% trong số này, tức là khoảng 5000 sinh vật biển bị chết do ăn nhầm phải bóng bay. Bên cạnh đó, cũng như túi nilon, xác bóng bay mất vài trăm năm để phân hủy ngoài môi trường.
Lá thư của em bé đã đến được tay các thầy cô, và nhiều hiệu trưởng trường học đã đồng ý với em, thay đổi hành động để bảo vệ môi trường. Nhưng không chỉ có các thầy cô, lá thư ấy đã đánh động ý thức của nhiều thế hệ người lớn. Khi mà chúng ta giật mình hiểu ra mức độ nghiêm trọng của bóng bay ảnh hưởng đến môi sinh, cũng như thấy rằng mình cũng phải “làm điều gì đó” để khỏi phải xấu hổ với con trẻ.
Cũng như mới đây, một cậu bé ở TP West Lafayette, Mỹ đã viết thư cho thị trưởng đề nghị hãy giúp đỡ các bạn rùa của cậu. Trong bức thư, cậu bé cho biết nơi cậu sinh sống có nhiều ao hồ, trong hồ có rùa và lũ rùa thường băng ngang qua đường và bị nhiều ô tô cán chết.
Cậu bé mong muốn thị trưởng đề những tấm bảng cảnh báo trên đường để những người lái xe chú ý hơn và bớt cán phải lũ rùa bạn cậu. Thị trưởng đã rất xúc động, ngay sau đó cho đặt những biển cảnh báo trên đường và thông báo rộng rãi đến cánh lái xe. Từ đó, số rùa ở khu vực cậu bé sinh sống được an toàn.
Lyly, một cô bé Thái Lan 11 tuổi đã góp phần thay đổi nhận thức của người Thái bằng những hành động đầy trẻ con mà cũng rất mạnh mẽ. Em đến gặp các đại diện doanh nghiệp, các chủ cửa hàng, nhân viên siêu thị và mới đây, em còn đến cả Văn phòng Thủ tướng để thuyết phục mọi người chung tay giảm thiểu rác thác nhựa.
Từ hành động đơn độc, em đã được nhiều trẻ em khác trên khắp nước Thái ủng hộ. Các em cần những tấm bảng nhỏ, dễ thương đứng bên hè đường, chỗ đông người để kêu gọi ý thức người lớn. Em đã truyền cảm hứng cho nhiều phong trào bảo vệ môi trường khắp nước Thái.
Ở Việt Nam cũng thế, tuy chưa phổ biến nhưng đâu đó, người ta cũng có thể bắt gặp những đứa trẻ tham gia các hoạt động đội nhóm, tình nguyện nhặt rác, tuyên truyền bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Lẽ dĩ nhiên, những hành động ấy không đờn thuần xuất phát từ ý thức của trẻ thơ. Đó là cả một quá trình giáo dục nhận thức của gia đình và sự mạnh mẽ từ nội tâm của đứa trẻ. Và không thể phủ nhận rằng, một khi trẻ em đã lên tiếng thì hiệu ứng vô cùng mạnh mẽ. Các em đã khiến người lớn tò mò, sau đó là thôi thúc tìm hiểu, rồi có cả xấu hổ và thay đổi nhận thức, cảm ơn em đã truyền rất nhiều cảm hứng từ hành động lên tiếng đầy hữu ích của mình.
Những ngày hè lấp lánh
Trong những năm gần đây, chuyện những người trẻ hoạt động mạnh mẽ vì môi sinh, vì đời sống văn minh, tình nghĩa đã không còn xa lạ. Dạo một vòng công viên Tao Đàn ngày cuối tuần, dễ dàng thấy những nhóm bạn trẻ mang dụng cụ khá chuyên nghiệp đi nhặt rác. Đó là một trong những nhóm trẻ tình nguyện, có nhóm thuộc một hội đoàn nào đó, có nhóm tự phát, là bạn bè cùng trường, cùng công ty… cùng rủ nhau làm việc có ích vào ngày nghỉ.
Và cũng trong những ngày hè cuối cùng, tại các công viên trong thành phố, chúng ta có thể thấy một số bạn trẻ đang ngồi cùng các em nhỏ lang thang. Họ đang dạy cho các em học. Các em đánh giày, bán vé số, lao động… được mua cho sách vở, cho nước uống, cơm hộp ăn trưa và tranh thủ buổi trưa vắng khách để được các anh chị dạy chữ.
Em nào đã được đi học thì các anh chị ôn tập bài vở để nâng cao kiến thức cho các em. Nhóm các bạn trẻ này, có nhóm là sinh viên các trường đại học, có nhóm là một tổ chức thiện nguyện nào đó.
Hay trên các hè đường TP, giờ đây rất dễ bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ dựng tấm bảng “cắt tóc miễn phí” và đang say mê cắt tóc cho người nghèo. Các bạn làm miễn phí, nhưng rất chuyên nghiệp và tận tâm.
Cũng có ghế, có tấm quàng cổ, có kéo cắt tóc, tông đơ, có cả tấm lòng và tay nghề của các bạn trẻ. Các bạn trẻ ấy, hầu hết đến từ các salon tóc trên địa bàn TP. Giờ đây, ngoài việc kinh doanh bằng tay nghề, các bạn còn đem tay nghề của mình để làm những việc hữu ích, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Sài Gòn có rất nhiều nhóm trẻ thiện nguyện như thế. Có những nhóm làm được những điều tốt đẹp lớn lao. Họ tổ chức kêu gọi quỹ học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học, lập những quỹ, những nhóm bảo vệ môi trường có sức ảnh hưởng lớn đến tầm quốc tế.
Có những người trẻ lập ra doanh nghiệp xã hội, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm, hàng ngàn lao động nghèo, khuyết tật. Và cũng có những nhóm trẻ, những người trẻ âm thầm làm nên những điều tử tế nho nhỏ. Nhỏ thôi nhưng góp phần làm đẹp thêm cho đời...
Khi “sự khùng” lây lan
Người ta nói, lòng tốt cũng rất dễ lây lan. Bằng chứng là, với sự lên tiếng, hành động của những đứa trẻ, những người trẻ, thời gian qua, đã có thể nhận thấy nhiều sự thay đổi tích cực trong cộng đồng. Một ví dụ về phong trào bảo vệ môi trường. Từ sự thờ ơ trong việc sử dụng các vật liệu có thể gây hại đến môi trường như túi nhựa, chai nhựa, ống hút, rác thải khó phân hủy…, với hành động mạnh mẽ của nhiều người trẻ, giờ đây, ý thức hạn chế rác thải có hại đã lan rộng.
Rất nhiều cửa hàng, dịch vụ hạn chế, bỏ sử dụng ống hút, ly nhựa không tái sử dụng. Nhiều siêu thị, cửa hàng tiện dụng đã có phương án hạn chế sử dụng túi nilon. Đến cả nhiều bà mẹ đã thay đổi thói quen, xách làn tre, giỏ nhựa đi chợ. Nhiều tiểu thương ở chợ đã yêu cầu người mua hàng đem túi nilon cũ, giỏ xách từ nhà…
Để có được kết quả tốt đẹp ấy, những năm qua, dù đơn độc, rất nhiều bạn trẻ đã kiên trì với niềm tin của mình. Các bạn đã lên tiếng, đã thực hiện và chứng minh cho cộng đồng thấy lợi ích của những việc mình làm. Các bạn thậm chí miệt mài nghiên cứu ra những vật liệu thay thế cho rác thải khó phân hủy…
Tại một con hẻm nhỏ, xập xệ ở Xóm Củi, quận 8, TP HCM cách đây 3 năm, có một nhóm bạn trẻ “gan cùng mình” đến đây để xin dạy học buổi tối cho lũ trẻ. Lần đầu đến, các bạn bị đuổi “chạy có cờ”.
Cư dân trong xóm này hầu hết là người lao động nhập cư, không có tạm trú, không ít trong số đó là lừa đảo, cướp giật, nghiện ngập. Họ không cần cho con đi học, cũng lo ngại sự rình mò của người lạ. Nhóm bạn trẻ đến lần 2, lần 3 trong tiếng chửi và lời chế giễu của chung quanh. Nhiều người nói họ “điên” vì đi làm những chuyện vô ích.
Thế mà không biết mấy lần, sự kiên trì của họ đã thuyết phục được cư dân nơi đây. Giờ đây, 50% số em học sinh trong con hẻm này đã biết chữ, có em còn được cha mẹ cho đến trường, được giúp đỡ bởi một quỹ nho nhỏ do các bạn trẻ kêu gọi lập nên.
Rất nhiều trường hợp khác trong cuộc sống là như thế. Ban đầu là đơn độc, là đi ngược chiều đám đông, là bị chế giễu, cười cợt. Thế nhưng, rồi những hành động tốt đẹp từ từ cũng lay động được tấm lòng cả những con người nghi kị và thờ ơ. Để rồi những hành động tốt đẹp của những người trẻ như đốm lửa nhỏ lan dần trên đồng cỏ khô để tạo ra những đám cháy lớn.
Chúng ta hoàn toàn có thể kì vọng ở một thế hệ trẻ với nhiều con người dũng cảm, nhiệt huyết, thiện lương và đầy trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với đất nước như thế.