Những giá trị từ tính dân chủ của đạo Baha'i

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đạo Baha’i đã xây nên truyền thống dân chủ cả trong hoạt động bầu cử và quản trị, tạo nên nhiều giá trị cho cuộc sống.
Đại hội đại biểu toàn quốc Cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn quốc Cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam.

Đề cao nền giáo dục nâng cao dân trí

Tôn giáo Baha’i, theo cổ ngữ ARập nghĩa là “Người noi theo ánh sáng của Thượng đế” ra đời năm 1863 tại Ba Tư (cũ) nay là Iran, người sáng lập là Baha'u'llah (có nghĩa là vinh quang của Thượng Đế).

Tôn giáo Baha’i bắt nguồn từ phong trào chủ nghĩa Babi (còn gọi là tôn giáo Babi) ra đời ở Ba Tư, kéo dài từ năm 1844-1852. Người sáng lập ra phong trào này là Siyyid Ali - Muhammad, được gọi là đức “Bab” (có nghĩa là “Cái cửa”, ý nói mở đường để đón nhận một Đấng giáo tổ thiêng liêng khác).

Ngày 23/5/1844, Siyyid’Ali Muhammad kêu gọi thành lập một tôn giáo riêng biệt nhằm phục hưng đạo đức và tâm linh cho xã hội Ba Tư, cổ vũ cho vị trí của phụ nữ, cải thiện cuộc sống cho người nghèo, đề cao nền giáo dục nâng cao dân trí và cổ vũ cho các hoạt động khoa học hữu ích. Để thực hiện tư tưởng này, đạo Baha’i cũng đã xây nên truyền thống dân chủ cả trong hoạt động bầu cử và quản trị đạo.

Đối với hoạt động quản trị, đạo Baha’i đã thiết lập nền Quản trị Baha’i bao gồm một bên là một chuỗi các Hội đồng được bầu cử tại cấp địa phương, quốc gia và quốc tế để thực hiện các thẩm quyền của tôn giáo tại cộng đồng Baha’i. Bên kia gồm các nhóm cá nhân thông thạo và nhiều kinh nghiệm được chỉ định để khuyến khích và tư vấn cho các Hội đồng và các cộng đồng tín đồ. Những cá nhân này là các vị cố vấn, không có chức năng tu sĩ, giúp đỡ rất nhiều cho một cộng đồng phát triển và không có các thẩm quyền đối với Hội đồng.

Hội đồng tinh thần là cơ quan quản lý đạo Baha’i được tổ chức thống nhất trên toàn thế giới. Hội đồng Tinh thần chia làm 3 cấp: Hội đồng Tinh thần địa phương, Hội đồng Tinh thần quốc gia và Hội đồng Tinh thần quốc tế (tức là Toà Công lý quốc tế). Trung tâm quốc tế tôn giáo Baha’i hiện nay đặt trên núi Carmel, tỉnh Haifa (Israen). Đứng đầu Trung tâm là Đức Giám hộ. Đức Giám hộ chỉ định trên toàn thế giới 27 vị phụ tá Giám hộ để giữ việc coi sóc các mối đạo và kêu gọi nhân loại xây dựng toà nhà thống nhất.

Trong hệ thống này, các tín đồ Baha’i gọi là trụ cột Thống nhất. Trụ cột này giúp cho tín đồ tuân theo các giáo huấn của Baha’u’llah. Các tín đồ thấy điều gì nghi ngờ thì các phụ tá Giám hộ giải thích và có thể nhờ vị phụ tá Giám hộ tại Thánh địa (tại Haifa) xem lại chính văn của Bab, của Baha’u’llah và Abdul - Baha để hiểu rõ. Bên cạnh hệ thống thống nhất trên, đạo còn có một hệ thống dân chủ, đó là các Hội đồng Tinh thần được bầu cử bằng phiếu kín (hai trụ cột, trụ cột Thống nhất và trụ cột Dân chủ).

Hội đồng tinh thần chăm lo việc đạo

Tôn giáo Baha’i không có các tu sỹ. Để lo việc đạo đã có Hội đồng tinh thần tại mỗi địa phương. Hội đồng này gồm 9 người được bầu lại hàng năm vào khoảng thời gian từ 21/4 đến 2/5, do toàn thể tín đồ trưởng thành từ 21 tuổi trở lên bầu. Trên Hội đồng Tinh thần địa phương là Hội đồng Tinh thần quốc gia tại mỗi nước. Các Hội đồng Tinh thần địa phương bầu 1 hoặc 2 đại biểu tuỳ theo số lượng tín đồ, tham dự Hội đồng Tinh thần quốc gia, tất cả các tín đồ đều được coi như ứng cử viên trong cuộc bầu cử này. Cao nhất là Hội đồng Tinh thần quốc tế, Hội đồng này được bầu tại Haifa từ năm 1963, các thành viên có ở hơn 60 Hội đồng tinh thần quốc gia và Hội đồng tinh thần vùng.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng tinh thần là lo việc truyền giáo, tổ chức các cuộc lễ, các lớp giáo lý, các cuộc họp, các Thánh lễ, ấn loát kinh sách, kiểm duyệt các ấn phẩm về tôn giáo Baha’i, giải quyết các vấn đề liên quan tới đời sống tín đồ, bảo vệ đức tin. Đồng thời, nhắc nhở tín đồ trong cộng đồng tuân thủ các luật lệ tôn giáo, chính sách, pháp luật của nhà nước, tổ chức công tác từ thiện xã hội, đảm nhận vấn đề quĩ của đạo và chỉ định các tín đồ vào các Uỷ ban đặc biệt để giúp việc cho Hội đồng.

Hội đồng Tinh thần Baha’i ở tất cả các cấp đều được bầu bằng phiếu kín, không có đề cử. Mỗi tín đồ được ghi một danh sách gồm 9 người Baha’i trưởng thành trong cộng đồng mà mình xét thấy là có đủ đức tính tốt, có khả năng rõ rệt và kinh nghiệm chín chắn. 9 người Baha’i có số phiếu cao nhất sẽ được đắc cử vào Hội đồng; sự thoái thác chỉ được chấp nhận khi có lý do thật chính đáng.

Như vậy, nền quản trị của tôn giáo Baha'i gồm có: Một bên là các Hội đồng công cử toàn cầu, cấp quốc gia và cấp địa phương, các cơ quan này có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đối với cộng đồng Baha'i. Còn bên là những nhóm cá nhân (các Cố vấn) có tài năng và kinh nghiệm được chỉ định để làm tư vấn cho các Hội đồng và các tín đồ. Những Cố vấn này không phải là các tu sỹ (vì Baha'i không có tu sĩ), nhiệm vụ của họ là làm tư vấn, không có quyền quyết định đối với các Hội đồng...