Học giả lớn của thời đại
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, xứ Hải Dương (nay là xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng). Sinh trưởng trong một gia đình vọng tộc (cháu ngoại quan thượng thư Nhữ Văn Lan) có học vấn, Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã hấp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương, nhất là từ mẹ của ông. Tương truyền, bà giỏi giang văn chương và tinh thông địa lý, tướng số.
Ngay từ khi Nguyễn Bỉnh Khiêm cất tiếng khóc chào đời, thấy con mình có tướng mạo khác thường, bà đã dốc lòng đào tạo con trai mình thành một tài năng giúp nước, cứu đời. Niềm thôi thúc đó khiến Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm tìm được thầy dạy học có đạo cao đức cả là cụ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng.
Với trí tuệ mẫn tiệp, thông minh từ nhỏ, lại có thầy giỏi, Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm nổi tiếng. Sau này, học vấn uyên thâm của ông đã vượt cả thầy của mình. Tương truyền, cụ Lương Đắc Bằng là người giỏi lý học đã đem sách “Thái ất thần kinh” ra dạy cho học trò, nhưng có những điều trong sách ấy bản thân ông cũng không hiểu được. Sau này, chỉ có Nguyên Bỉnh Khiêm mới tinh thông. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra một triều đại mới.
|
Khu di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Hải Phòng |
Thế là suốt cuộc đời thanh niên trai trẻ, Nguyễn Bỉnh Khiêm phải sống ẩn dật, không thi thố được tài năng. Mãi tới năm 1535, lúc này đã 45 tuổi, ông mới đi thi. Ba lần thi Hương, thi Hội, thi Đình, ông đều đỗ đầu và đỗ Trạng nguyên. Từ đó, ông làm quan dưới triều nhà Mạc, được phong chức Tả thị lang (chức đứng đầu hàng thứ ba trong bộ Hình). Ông hy vọng triều đình có thể xây dựng lại đất nước.
Lúc này, Mạc Đăng Dung đã nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh và rút về làm Thái thượng hoàng. Doanh là người tỏ ra có đảm lược, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhìn thấy điều đó. Nhưng niềm tin đó đã sớm lụi tàn, năm 1540, Mạc Dăng Doanh bị chết, con Mạc Phúc Hải lên ngôi. Thế rồi ngay cuối năm ấy, để củng cố ngai vàng, Mạc Phúc Hải đã làm một điều ô nhục: Cắt đất, đúc người vàng làm đồ cống nạp và lên tận cửa ải cởi trần, trói mình, quỳ mọp trước sứ giả nhà Minh.
Điều sỉ nhục đó đã phạm tới lòng tự trọng tự tôn dân tộc, nhất là đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm, càng khiến ông thất vọng, tan nát và một nỗi u hoài chua chát. Sau nhiều lần can gián vua không thành, ông cáo quan về quê ẩn dật. Chuyện kể lại rằng, hình như để tránh những cuộc binh đao khói lửa, tương tàn cho chúng dân và nhìn thấy trước thời cuộc, “vận mệnh” của đất nước trong hoàn cảnh ấy chưa thể có những lực lượng đảm đương được việc thống nhất, nên khi các tập đoàn phong kiến đến hỏi kế sách, Nguyễn Bỉnh Khiêm đều bày cho họ những phương sách khác nhau để giữ thế “chân vạc”.
Năm 1568, Nguyễn Hoàng thấy anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm sát hại, lo cho số phận, đã ngầm cho người hỏi kế sách an thân. Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: “Hoành sơn nhất dải, vạn đại dung thân” (Dựa vào một dải Hoành sơn có thể lập nghiệp được lâu dài). Thế là Nguyễn Hoàng tức tốc xin anh rể Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ ở Thuận Hóa (từ Đèo Ngang trở vào).
Kỳ lạ khả năng tiên tri thấu thị?
Thời ấy, tại Thăng Long chúa Trịnh cũng ra sức ức hiếp vua Lê và muốn phế bỏ, liền cho người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không trả lời rồi lẳng lặng dẫn sứ giả ra thăm chùa và nói với nhà sư rằng: “Giữ chùa Phật thì ăn oản”, ngụ ý muốn khuyên chúa Trịnh cứ tôn phò nhà Lê, quyền hành tất giữ được. Nếu tự ý phế lập sẽ dẫn đến binh đao.
Còn đối với nhà Mạc, sau những cuộc chiến tranh liên miên, phải bỏ chạy lên Cao Bằng thủ thế, vua Mạc cho người về hỏi ý kiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trả lời rằng: “Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thế” (Cao Bằng tuy đất hẹp nhưng có thể giữ được vài đời). Quả nhiên mãi đến năm 1688, sau 3 đời giữ đất Cao Bằng, nhà Mạc mới bị diệt.
Các truyền thuyết trên, muốn chứng tỏ rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm có tài tiên đoán, do nắm được bí truyền của sách “Thái ất thần kinh”. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị, học trò của ông cũng có người thành đạt trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền...
Có thể nói ở thế kỷ thứ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà triết học lớn của Việt Nam. Với sự uyên thâm vốn có, ông được triều đinh nhà Mạc và sĩ phu đương thời phong là “Trình tuyền hầu”, tức là một vị Hầu tước khơi nguồn dòng suối triết học của họ Trình (tức Trình Di, Trình Hiện - hai nhà triết học khai phá ra phái Lạc Dương của Tống Nho). Hoặc đời còn gọi ông là cụ Trạng Trình.
Tuy vậy, triết học của ông là triết học đã được sống dậy, biểu hiện trong thơ như sự gợi ý mách bảo của cuộc sống thực tiễn. Ông chắt lọc từ trong nhận thức triết học mà mình thu lượm được, phép biện chứng nhìn bên ngoài có vẻ như thô sơ để giải đáp nhiều hiện tượng tự nhiên và xã hội nảy sinh xung quanh mình. Trong thơ ông, ngoài mặt triết lý nhân sinh nổi bật lên những suy ngẫm chiêm nghiệm đúc kết như muốn vươn lên khái quát “luật” đời bằng những phạm trù triết học.
(Đón đọc: Giai thoại kỳ lạ về lời tiên tri "sấm" Trạng Trình)