Những hành xử bất thường từ công quyền trong vụ kiện thừa kế tại Xuân Lộc

(PLVN) - Phát hiện một người con có dấu hiệu gian dối trong việc chia di sản thừa kế, mẹ và tám người con khác trong gia đình đã lập tức yêu cầu xã huyện ngăn chặn chuyển nhượng, yêu cầu tòa án phân xử. Tuy nhiên, mảnh đất thừa kế vẫn thoải mái chuyển nhượng, xây dựng như không có gì xảy ra.
Mảnh đất đang tranh chấp vẫn được chính quyền cho chuyển nhượng và xây dựng nhà kiên cố. Trong ảnh: Những người con gái của cụ Liễu đang đứng trước mảnh đất của cha mẹ mình.
Mảnh đất đang tranh chấp vẫn được chính quyền cho chuyển nhượng và xây dựng nhà kiên cố. Trong ảnh: Những người con gái của cụ Liễu đang đứng trước mảnh đất của cha mẹ mình.

Lừa dối

Theo lời kể của những người con của cụ Phạm Thị Liễu (sinh năm 1932 có chồng là cụ ông Dương Văn Nghìn, đã mất năm 2003), năm 1989 vợ chồng cụ mua một mảnh đất vừa làm chỗ ở, vừa là nơi canh tác tại xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Đến năm 1997, UBND huyện đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ Nghìn (thửa đất số 47, tờ bản đồ số 6B) với diện tích hơn 4.500m2. Sau khi cụ Nghìn mất (2003), cụ Liễu vẫn sống tại mảnh đất trên và để cho các con canh tác, lấy một phần hoa lợi nuôi mẹ. 

Vợ chồng cụ Liễu hạ sinh tất cả được 9 người con (ba trai, sáu gái). Hai người anh lớn vẫn sinh sống tại Ninh Bình, ở trong Đồng Nai còn một người con trai thứ 4 tên là Dương Văn Phú (ngụ tại xã Suối Nho, huyện Định Quán) và 6 chị em gái. Tuy hai huyện khác nhau nhưng các con cháu vẫn ở cạnh cụ vì đây và vùng giáp ranh. Mọi chuyện giữa mẹ và 7 người con trai gái vẫn hiếu hòa cho đến năm 2018.

Theo lời kể của bà Dương Thị Thơm, con gái thứ 6 của cụ Liễu, vào tháng 8/2018, ông Phú đến nhà 6 chị em gái mình mượn hộ khẩu và CMND để làm gia phả của họ Dương. Thấy đây là việc nên làm nên mọi người vui vẻ đồng ý. Tiếp đến, ngày 14/9/2018, ông Phú gọi 6 chị em gái và mẹ (bà Liễu) đến tư pháp xã Xuân Bắc để ký giấy tờ liên quan gia phả. Mọi người cũng không nghi ngờ gì. 

Bà Dương Thị Tho, người con thứ 7 kể lại: "Đến UBND xã Xuân Bắc, chúng tôi thấy có bà Trần Thị Tình (một người làm dịch vụ nhà đất – người nhà của ông chủ tịch xã Xuân Bắc) cũng có mặt, ngồi tại bàn làm việc của cán bộ tư pháp. Trên bàn có nhiều hồ sơ, bà Tình hối hả mọi người ký và điểm chỉ. Tin anh, không ai đọc nội dung, người mẹ thì mù chữ. Tuy nhiên, sự việc điểm chỉ trên lặp lại với cụ bà gần 90 tuổi một cách lén lút khiến những người con nghi ngờ không phải ông Phú làm gia phả."

Cụ Phạm Thị Liễu chỉ còn biết khóc mỗi khi nói về mảnh đất và những người con của mình.
Cụ Phạm Thị Liễu chỉ còn biết khóc mỗi khi nói về mảnh đất và những người con của mình. 

Bất thường từ xã

Lập tức, chị em kéo nhau lên xã hỏi cho ra lẽ. Biết không thể giấu diếm, cán bộ xã phải nói thật: hồ sơ mọi người ký là Văn bản thỏa thuận phân chia và nhận tài sản thừa kế. Nội dung là cụ Liễu và 6 chị em gái đồng ý tự nguyện nhường quyền hưởng phần tài sản thừa kế của mình là mảnh đất đứng tên cụ Nghìn cho ông Phú toàn quyền thừa kế và định đoạt. Văn bản trên còn ghi chú thêm: Ngoài cụ Liễu (vợ) và 7 người con, cụ Nghìn không còn người thừa kế nào khác. Văn bản được ông Trần Trung Dũng, Chủ tịch xã Xuân Bắc chứng thực ngày 14/9/2018. 

Bằng động thái này, hai người con trai lớn của vợ chồng cụ Liễu đang sống ở Ninh Bình (là ông Dương Văn Tăm và ông Dương Văn Trục) đã bị UBND xã Xuân Bắc nhiệt tình “loại bỏ” khỏi đời sống. Hay tin, hai người anh lớn đón xe vào Nam khuyên nhủ người em nhưng vô vọng. Phẫn uất, ông Trục về nhà đổ bệnh và mất ít lâu sau đó.

Tin dữ nổ ra khiến 6 chị em như ngồi trên đống lửa. Ngay lập tức, họ viết đơn gửi UBND xã Xuân Bắc, Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh Xuân Lộc… ngăn chặn việc sang tên sổ đỏ của mảnh đất từ cụ Nghìn sang ông Phú. Tuy nhiên, đơn từ của 6 chị em gái rơi vào im lặng. Phía ông Phú nhanh chóng đứng tên trên sổ đỏ. 

Qua tìm hiểu, PV được biết, ngày 21/9/2018, bà Thơm đã có đơn gửi Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Xuân Lộc đề nghị tạm ngưng giải quyết giao dịch đối với thửa đất trên, nhưng điều lạ là Văn phòng đăng ký đất đai vẫn xét cấp Giấy CNQSDĐ thửa đất nêu trên cho ông Phú. 

Bà Thơm bức xúc: "Sau khi phát hiện sự gian dối của ông Phú, tôi đã thông báo sự việc cho UBND xã Xuân Bắc và UBND huyện Xuân Lộc, nhưng chính quyền địa phương không có động thái ngăn chặn. Chưa kể, ông Phú còn ngang nhiên xây dựng công trình trên khu đất đang tranh chấp trên”.

Thêm một điều cay đắng cho người mẹ, cụ Liễu đã bị đuổi ra khỏi đất của mình, mảnh đất mà hai vợ chồng cụ đã chắt bóp nhiều năm mới có được và là nơi đã nuôi dạy nhiều đứa con. 

Tòa chỉ vòng vo

Không còn đường nào khác, đầu năm 2019, người con thứ 6 của cụ Liễu là bà Thơm khởi kiện vụ việc ra tòa án Xuân Lộc. Bị đơn là ông Phú, anh ruột mình. Cụ Liễu và những người con còn lại trở thành người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thụ lý vụ kiện là Thẩm phán Phạm Tuân.

Trong đơn khởi kiện, nhận thấy việc chia thừa kế thiếu hai đồng thừa kế (ông Tăm và ông Trục) là trái với quy định của pháp luật, bà Thơm yêu cầu “Tuyên bố Văn bản phân chia di sản thừa kế vô hiệu” do Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc chứng thực ngày 14/9/2018. 

Chưa hết, trong Biên bản lấy lời khai của đương sự của tòa án huyện Xuân Lộc và Bản tự khai gửi tòa án huyện Xuân Lộc, cụ Liễu (mẹ ông Phú), và các bà Thơm, bà Tho, Tơ, bà Chiên,… đều khẳng định: ông Phú đã lừa dối họ khi đề nghị ký vào Văn bản thỏa thuận phân chia và nhận tài sản thừa kế.

Sau khi bà Thơm khởi kiện ra tòa, ngày 5/6/2019, ông Phú tiếp tục chuyển nhượng mảnh đất của bố mẹ sang con trai mình (tên Dương Văn Quý) đồng thời tiếp tục xây dựng nhà cửa kiên cố trên mảnh đất. Phát hiện vụ việc, phía nguyên đơn gửi đơn đến tòa yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (cấm chuyển dịch và tháo dỡ công trình xây dựng trên thửa đất đang tranh chấp). Tuy nhiên, thêm một lần nữa, những yêu cầu chính đáng của mẹ con cụ Liễu đã bị thẩm phán Phạm Tuân từ chối. 

Một động thái nữa của tòa án huyện Xuân Lộc đã khiến gần chục con người thêm phần chán ngán khi đột ngột ra quyết định chuyển vụ án về huyện Định Quán sau gần 10 tháng thụ lý. Lý do chuyển vụ án, theo thẩm phán Phạm Tuân: ông Phú đang cư trú tại xã Suối Nho, huyện Định Quán nên thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án Định Quán.

Tuy nhiên, sau khi nhận hồ sơ, tòa án Định Quán đã nhanh chóng chuyển trả toàn bộ hồ sơ vụ án về Xuân Lộc vì các hành vi đều xảy ra tại xã Xuân Bắc, Xuân Lộc nên việc chuyển vụ án về Định Quán là sai thẩm quyền theo quy định củ tố tụng dân sự.

Cuối cùng sau hơn một năm vòng vo, đến cuối tháng 3/2020, Tòa án huyện Xuân Lộc mới thụ lý lại vụ việc. Thẩm phán thụ lý vẫn là ông Phạm Tuân. Dằng dai thêm mấy tháng nữa, tòa lại có thông báo cho mẹ con cụ Liễu là thay đổi thẩm phán. Đến nay vụ việc vẫn chưa được đưa ra xét xử dù đã hơn 2 năm trôi qua. 

Luật sư Nguyễn Đình Tuấn - Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc UBND xã Xuân Bắc chứng thực văn bản phân chia thừa kế nhưng thiếu hai người đồng thừa kế (ông Dương Văn Tăm và ông Dương Văn Trục) là trái quy định tại Điều 650, 651 Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, khi biết vụ việc đang được khởi kiện nhưng chính quyền xã Xuân Bắc vẫn tiếp tục xác nhận cho ông Phú chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang cho con ông Phú là hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc, việc không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án dẫn tới việc thụ lý, chuyển vụ án không chính, để hồ sơ kéo dài, dù bị đơn xây dựng công trình kiên cố trên đất tranh chấp nhưng không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy sau này. 

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc sau khi trao đổi vụ việc trên với các cấp chính quyền huyện Xuân Lộc và tòa án Xuân Lộc.

Đọc thêm