Lễ hội Tiên công
Lễ hội Tiên Công diễn ra ở miếu Tiên Công thuộc xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh vào dịp đầu năm (mùng 6, mùng 7 tháng giêng) để tưởng nhớ các Tiên công - những người có công đầu tiên quai đê lấn biển khẩn hoang mở đất lập nên các làng xã vào thế kỷ XV tại khu đảo Hà Nam; để tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành.
Tại Lễ hội Tiên Công ngoài nghi thức tế Tiên công tại di tích còn có các nghi lễ độc đáo, riêng có ở lễ hội Tiên Công mà không nơi nào có đó là nghi thức dẫn thọ, nghi lễ rước thọ, nghi lễ con rể nghênh đón cụ Thượng, nghi thức cụ Thượng đắp đê và đánh vật. Đặc biệt, trong ngày lễ hội, ngay từ sáng sớm đã có những đoàn rước cụ Thượng (cách gọi cung kính đối với các cụ trong làng trên 80 tuổi) ngồi trên võng có đòn sơn tạc đầu rồng để trai tráng trong làng khiêng rước hoặc đi bộ trong nhịp trống, phường bát âm, lễ vật và đông đảo con cháu đi tham gia đoàn rước đi ra miếu. Trong lễ hội diễn ra các trò chơi dân gia truyền thống như hát đúm, hát chèo, đánh cờ, tổ tôm điếm,… Với những giá trị văn hóa độc đáo của mình, lễ hội Tiên công đã được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội đình Trà Cổ
Lễ hội đình Trà Cổ được diễn ra hàng năm vào mùa hè từ ngày 30/5 đến 6/6 âm lịch tại Đình Trà Cổ (thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) với mục đích vừa để thể hiện lòng biết ơn cùng sự tưởng nhớ đối với các vị thành hoàng làng có công khai hoang lập ấp.
Lễ hội đình Trà Cổ |
Nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước thần trên biển và hội thi "Ông Voi" (cuộc thi giữa 12 chú lợn tạ được 12 ông đám nuôi và chăm sóc - đại diện cho 12 vị tiên công đã có công tìm ra Trà Cổ xưa).
Theo lệ xưa, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ lại họp chọn ra 12 người, gọi là cai đám, để chuẩn bị cho lễ hội năm sau. Cai đám phải là những người trung tuổi, khoẻ mạnh, biết làm ăn, có đạo đức và lối sống lành mạnh, gia đình thuận hoà, không vướng tang ma và theo quan niệm gia đình nào làm tốt công việc cai đám thì sẽ được lộc, mạnh khoẻ, ăn nên làm ra…
Lễ rước tại lễ hội đình Trà Cổ |
Từ đầu năm, mỗi cai đám sẽ nuôi một con lợn. Sau khi mua về nhà, chú lợn này không gọi là lợn nữa mà được gọi là "Ông Voi", được coi như linh vật của thần. "Ông Voi" được chăm sóc chu đáo như một thành viên trong gia đình, được trọng vọng...Khi tham gia lễ hội, các ông voi được rước trong chiếc cũi sơn đỏ để đưa ra tế thần. Các ông voi sẽ được ban tổ chức chấm giải,"Ông Voi" nào có vòng cổ to nhất, đẹp nhất, dài nhất, nặng cân nhất thì sẽ được chấm giải nhất. Riêng "Ông Voi" đoạt giải nhất thì được giữ lại để mổ tế thần.
Trong lễ hội, diễn ra các nghi lễ tế thần tại đình và các trò chơi dân gian đặc sắc như cướp cờ, kéo co, đi cà kheo, hội thi nấu ăn và nhiều trò chơi dân gian khác.
Lễ hội đình Quan Lạn
Lễ hội đình Quan Lạn tổ chức vào ngày 16/9 âm lịch hàng năm còn gọi là hội làng của người dân xã đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), diễn ra tại bến đình, nơi có đình Quan Lạn- một công trình tín ngưỡng có kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Lễ hội vừa có nghĩa kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 gắn với chiến công của tướng Trần Khánh Dư đánh tan đoàn thuyền lương của giặc vừa là ngày hội cầu được mùa của cư dân vùng biển.
Đình Quan Lạn cổ kính |
Lễ hội Quan Lạn Lễ hội diễn ra với các nội dung đặc sắc như tục đua thuyền của dân làng, dân làng đảo chia làm hai phe Đông Nam Văn và Đoài bắc Võ, các phe này sẽ luyện tập để tham gia vào đua thuyền. Trước đó, hai phe này sẽ lập doanh trại riêng để luyện quân, chuẩn bị thuyền đua. Với các nghi lễ biểu dương lực lượng của hai phe trước cuộc đua với tiếng trống, cờ hội, hò reo của quân sỹ và nhân dân và các màn biểu diễn múa đao đẹp mắt thể hiện tinh thần thượng võ chống giặc ngoại xâm của dân tộc và các nghi lễ, diễn xướng đặc sắc khác. Lễ hội truyền thống Quan Lạn là một dịp nhân dân địa phương ôn lại truyền thống và tăng tính đoàn kết cộng đồng, làng xã.
Lễ hội truyền thống đình Quan Lạn thu hút đông đảo người dân |