|
Chán nản. Nhiều loại thuốc chống trầm cảm gây tăng cân, vì vậy nếu bạn đang chán nản và dùng thuốc này, rất khó để có được thân hình mong đợi. Một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên American Journal of Public Health cho thấy những người cảm thấy buồn và cô đơn tăng cân nhanh hơn so với những người được báo cáo không có các triệu chứng trầm cảm. Những người trầm cảm có xu hướng thích ăn nhiều chất béo và các loại thực phẩm có lượng calo cao, tiến sĩ Belinda Needham, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Nếu thấy đang dùng thuốc chống trầm cảm và đó có thể là thủ phạm của việc tăng cân, bạn cần thay thế các loại thuốc khác. Nếu thuốc không phải là nguyên nhân khiến chu vi vòng eo tăng lên vèo vèo, cần tăng cường sự hỗ trợ xã hội, đó có thể là việc tham gia vào một đội nhóm nào đó, hay kết nối với bạn bè để cùng tập luyện. Đây được xem là cách tuyệt vời có thể giúp đối phó với bệnh trầm cảm.
Thuốc. Theo Prevention, có một danh sách dài các loại thuốc có thể gây tăng cân. Đó có thể là thuốc ngừa thai, beta-blockers cho bệnh tim và huyết áp, thuốc chống động kinh, thuốc chống ung thư vú như tamoxifen, một số loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, và thậm chí thuốc trị chứng đau nửa đầu và ợ nóng…
Tiến sĩ Steven D. Wittlin, Giám đốc lâm sàng của Khoa Nội tiết chuyển hóa tại Đại học Trung tâm y tế Rochester ở New York (Mỹ) cho biết một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn, một số có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất, một số chỉ đơn giản lấy lại cảm giác ngon miệng đã bị mất.
Đường ruột. Vấn đề tiêu hóa, bao gồm cả hoạt động không hiệu quả của đường ruột cũng có thể gây tăng cân. Các chuyên gia cho biết nếu bạn thường xuyên bị mất nước hay ăn chế độ chất xơ thấp, hoặc thậm chí thiếu các vi khuẩn tốt trong đường ruột có thể là nguyên nhân làm trọng lượng tăng lên.
Nếu táo bón là triệu chứng duy nhất của bạn, cố gắng bổ sung probiotics để giúp việc tiêu hóa hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, uống nhiều nước và ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ cũng là điều quan trọng. Chất xơ và nước giúp lấy đi lượng chất béo trong cơ thể và tống nó ra ngoài.
Thiếu chất dinh dưỡng nhất định. Nồng độ vitamin D, magiê, sắt thiếu hụt có thể làm hại đến hệ thống miễn dịch, suy giảm mức năng lượng và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Để bù đắp cho mức năng lượng thấp, chúng ta có xu hướng tìm đến caffeine, đồ ngọt, carbs đơn giản, và đây chính là lý do khiến cân nặng trở nên khó kiểm soát.
Cố gắng tăng lượng sắt bằng cách ăn thịt đỏ và rau bina, tăng lượng magiê bằng cách ăn hạnh nhân, và bổ sung vitamin D bằng cách tắm nắng.
Lão hóa. Đây là quy luật không thể tránh khỏi. Khi già đi, lượng calo không thể đốt nhiều như ở lứa tuổi 20. Vì vậy, cần tập thể dục nhiều hơn. Một số nghiên cứu cho thấy tập thể dục còn quan trọng hơn so với chế độ ăn uống để duy trì cân nặng.
Theo các chuyên gia, ăn protein nạc giúp cơ thể đốt cháy calo hiệu quả hơn so với carbs. Lựa chọn protein ít chất béo và giảm carbs là cách tốt để tránh được nguy cơ tăng cân.
Bệnh xương khớp. Các bệnh về xương khớp như thoái hóa khớp và đầu gối hoặc đau hông, có thể dẫn đến tăng cân không chủ ý. Khi đau khớp, chắc chắn buộc bạn phải cắt giảm các hoạt động thể chất và không vận động chính là thủ phạm gây tăng cân.
Hội chứng Cushing. Đây là một tình trạng xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với liều lượng cao của hormone cortisol trong thời gian dài và biểu hiện của nó là da mặt hồng hoặc căng, rạn da màu tím. Hội chứng Cushing cũng có thể dẫn đến huyết áp cao, mất xương và bệnh tiểu đường. Hội chứng Cushing không quá phổ biến, nhưng một trong những dấu hiệu đặc trưng là chất béo phân phối nhiều ở những khu vực giữa của cơ thể.