Những món nợ khó xử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo số liệu Sở Xây dựng TP HCM vừa công bố, tính đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn TP còn 1.849 hộ dân mua trả góp, thuê nhà ở, đất ở tái định cư chậm thanh toán với tổng số tiền hơn 128 tỷ đồng.
Vì sao những người được bố trí nhà đất tái định cư lại trở thành “con nợ”?
Vì sao những người được bố trí nhà đất tái định cư lại trở thành “con nợ”?

Trong đó, có gần 1.300 hộ mua trả chậm, trả góp, thuê nhà đất tái định cư và những hộ này đang trực tiếp sử dụng nhà đất. Còn lại 551 trường hợp đã sang nhượng/uỷ quyền/cho thuê lại.

Vì sao những người được bố trí nhà đất tái định cư lại trở thành “con nợ”? Theo lý giải của Sở Xây dựng, đa phần người dân tái định cư gặp khó khăn về tài chính do khi được bố trí nơi ở mới không có việc làm, thu nhập không ổn định. Nhiều trường hợp không đồng thuận về giá bán, giá thuê căn hộ, đặc biệt trong trường hợp giá bán được duyệt chênh lệch khá lớn với giá bán dự kiến đã thông báo cho người dân…

Còn có những nguyên nhân khác như người được bố trí nhà ở tái định cư bị bệnh tật; tranh chấp quyền sử dụng với các bên liên quan… Nói cách khác, không phải cứ “nợ” nghĩa là chây ì thiếu ý thức. Trong số những người nợ tiền Nhà nước này, rất nhiều người “lực bất tòng tâm” và cán bộ rơi vào tình huống khó xử khi muốn thu hồi tiền cho Nhà nước.

Nói sâu hơn, có thể tới Khu tái định cư Vĩnh Lộc B để xem xét. Bàn giao hơn chục năm nay, 45 block chung cư với hơn 2.500 căn hộ và nền đất là nơi tái định cư của một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc TP HCM – Trung Lương qua địa bàn huyện Bình Chánh hiện vẫn rất hoang vắng. Những khối nhà đã xuống cấp, nhưng đến nay chỉ có vài trăm hộ dân thuê hoặc mua trả góp căn hộ và nền đất, nhiều hộ vẫn chưa thanh toán xong tiền thuê mua. Nhìn sơ qua cũng thấy chất lượng các căn hộ đã xuống cấp cũ kỹ, thiết kế lạc hậu, thiếu các tiện ích…

Tại chung cư ở phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức) là nơi bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, di dời khỏi đoạn kênh Thanh Đa, quận Bình Thạnh bị sạt lở; sau hơn 12 năm sinh sống nhưng một số hộ dân vẫn chưa thể trả dứt điểm tiền mua nhà tái định cư. Một cư dân cho biết, năm 2007, nhà của bà bị giải toả và chính quyền thông báo giá bồi thường 6,1 triệu đồng/m2; nhưng vẫn chưa bằng mức giá bán nhà tái định cư 7,5 triệu đồng/m2 mà bà được thông báo tại thời điểm đó. Chuyển về nơi ở mới được vài tháng, bà bất ngờ khi được thông báo giá bán căn hộ tái định cư gần 12 triệu đồng/m2, nghĩa là phải trả thêm hàng trăm triệu đồng, số tiền khổng lồ với bà. Việc trả số tiền đó với không ít hộ, bị coi là bất khả thi.

Đề ra giải pháp xử lý, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP giải quyết cho từng nhóm đối tượng, như cho ghi nợ tiền chậm thanh toán trên giấy chứng nhận; không tính lãi suất phạt do chậm thanh toán tiền thuê và hoãn trả tiền thuê 5 năm; “kiên quyết thu hồi”; khởi kiện ra toà; “kiên quyết cưỡng chế”; hoặc xem xét điều chỉnh, bổ sung chính sách bồi thường…

Những giải pháp đó, xem ra chỉ có thể tồn tại trên giấy mà không giải quyết được vấn đề. Với một số hoàn cảnh như nêu trên, nếu cưỡng chế thu hồi đuổi dân ra khỏi nhà, có phù hợp với đường lối, chủ trương của Nhà nước hay không? Nếu đưa ra tòa, sự việc phức tạp không kém. Ngoài việc xử lý các món nợ sao cho hợp lý, hợp tình, là từ sự việc này, cơ quan thiết kế chính sách cần rút kinh nghiệm để dân nghèo đừng rơi vào tình cảnh chỉ vì phải buộc bị đổi nơi ở mà phải “cõng” thêm món nợ khó có thể chi trả.

Đọc thêm