Gà trống nuôi con
Anh Nguyễn Quốc Thắng, con trai duy nhất của nghệ sĩ hài Văn Hiệp lần đầu chia sẻ những bí mật về cha mình. Anh cho biết, năm 1972, bố mẹ anh kết hôn rồi sinh anh, không lâu thì mẹ anh sang Đức học thiếu sinh quân. Tới năm 1975, mẹ anh về lại Việt Nam và mang bầu cô con gái thứ hai. Năm 1981, mẹ anh lại sang Đức theo diện xuất khẩu lao động. Vậy là vợ đi nước ngoài, rồi mang luôn quốc tịch Đức còn ở Việt Nam, nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn lọ mọ đi làm, đi diễn, tích cóp tiền bạc vừa làm cha lại làm mẹ để lo cho hai đứa con thơ dại.
Rất ít người biết rằng cậu con trai Nguyễn Quốc Thắng của cố nghệ sĩ Văn Hiệp từng theo nghề cha, anh từng là học sinh của nhà hát kịch Trung ương, nơi cha anh từng công tác. Sau này anh tiếp tục phải luân chuyển qua học ở nhà hát kịch Hà Nội, rồi Nhà hát kịch Tuổi trẻ anh cũng đã bước qua nhưng chẳng nơi nào lưu được anh lâu. Bởi khi đó Nguyễn Quốc Thắng còn mải chơi và chưa có lập trường sống.
Khi anh Thắng 20 tuổi, vì một lần quá nghịch nên bị công an giải lên đồn. Khi đó cố nghệ sĩ Văn Hiệp chưa nổi tiếng và ông phải lên để nộp phạt và nhận con về vì tội chưa đáng để phải “bóc lịch”.
Về tới nhà, Văn Hiệp không quát mắng con trai và cũng không nói năng gì, ông vào phòng đắp chăn suốt mấy ngày. Anh Thắng nhớ: “Suốt 1 tuần, bố tôi bị ốm nhưng vẫn không đoái hoài gì tới tôi. Sự yên lặng của ông cụ khiến cho tôi sợ hãi và lo lắng. Thế nhưng vì bản thân còn quá trẻ nên chỉ được vài ngày thì tôi lại theo bạn bè đi chơi”.
Không nói được con, Nghệ sĩ Văn Hiệp mới gọi con trai lại hỏi đại ý rằng một tuần đi chơi hết bao tiền thì mỗi tuần ông sẽ cho chừng số tiền đó. Thế nhưng số tiền bố cho 1 tuần thì anh Thắng chỉ tiêu trong 2 ngày là hết veo. Và tất nhiên anh biết nếu mình có về xin thêm thì bố cũng sẽ không cho nữa. Anh nói với bố: “Thôi con không chơi nữa”.
Lúc này nghệ sĩ Văn Hiệp mới thủng thẳng nói: “Bây giờ một là mày ở trong nhà không được đi ra ngoài nữa, hai là sang Đức làm ăn với mẹ”. Cuối cùng anh Thắng chọn xách ba lô sang Đức với mẹ. Đó là năm 1992.
Tới năm 2008, anh Thắng trở về Việt Nam, khi đó anh đã 35 tuổi và quyết định ổn định cuộc sống khi vào làm lái xe cho một công ty tư nhân. Không lâu sau đó anh lập gia đình với cô nhân viên làm cùng công ty tên là Chiên.
|
Cố NS Văn Hiệp cùng vợ con. |
Cuộc đời lo toan, vất vả
Có lẽ sau 6 năm về làm dâu nhà bác “Trưởng thôn” Văn Hiệp, vợ anh Thắng vẫn nghĩ mọi việc như một giấc mơ không ngờ tới. Ngày cưới thực sự là ngày đáng nhớ suốt cuộc đời chị. “Hôm đó nhà tôi cháy cỗ vì khách đến quá đông. Mọi người đến chẳng để xem mặt cô dâu chú rể mà chỉ chăm chăm xem bố chồng tương lai của con Chiên có như trên ti vi không”. Còn Trưởng thôn Văn Hiệp sau đám cưới của con thì phải đi bó bột tay một tuần liền vì phải bắt tay nhiều quá, ai cũng muốn bắt chặt tay bác Văn Hiệp một lần cho sướng!
“Tôi chưa từng gặp một người đàn ông nào cẩn thận như bố tôi. Những cái ni lông cũ, ông ngồi gấp cẩn thận cho vào túi cất đi. Tới bây giờ tôi vẫn giữ một hộp túi giấy, ni lông mà bố tôi cất đi trước kia” – chị Chiên chia sẻ. Cũng vì cái sự cẩn thận mà cái đận Văn Hiệp phải nhập viện, chân đi không nổi nhưng ông vẫn cố gượng nói với con dâu: “Mày cất đôi dép cho bố không thì mất”. Sau khi dặn được con dâu thì ông ngất xỉu, hôn mê liên tục 4 ngày mới dần tỉnh.
Văn hiệp được xem là nghệ sĩ đắt sô nhất miền Bắc vì tấn suất xuất hiện trên ti vi quá nhiều. Thế nhưng số tiền kiếm ra ông đều dành hết cho hai đứa con. Khi còn trẻ, ông chỉ lo tiết kiệm để nuôi hai con. Khi về già ông vẫn tiết kiệm không chỉ vì bản thân ông ghét hoang phí mà cũng bởi vì ông nghĩ cho con cái, lo xa cho tuổi già ốm đau của mình.
Văn Hiệp có nhiều chuyện vui nhưng cũng không ít chuyện buồn, cuộc đời ông là chuỗi những ngày tháng buồn, cô đơn, bệnh tật đầy người, nhất là trong thời gian cuối đời. Một tháng trước khi mất, bệnh tình của trưởng thôn Văn Hiệp đã khá hơn một chút và ông đòi xuất viện về nhà nhưng cũng chỉ được 1 tháng thì ông không qua khỏi. Gần mười năm bị các căn bệnh hành hạ, phải cắt mất 2/3 dạ dày, Văn Hiệp thường giấu bệnh và tự chịu những cơn đau.
Những ngày cuối đời của mình, nghệ sĩ Văn Hiệp có sự thay đổi, đó như là linh tính cho một sự đi xa của ông. Chị Chiên giấu giọt nước mắt kể: “Cha tôi bỗng nhiên lại cảm giác thèm ăn và ăn được nhiều. Mỗi khi tôi nấu cháo, bố tôi vừa ăn vừa ngó vào nồi và nói: “Tao nhất định phải ăn hết chỗ đó”. Sáng nào đi chợ mua quà sáng, cụ lại dặn hôm nay thèm ăn xôi ngô, hôm cụ dặn đi chợ mua bánh giò, có hôm cụ thèm ăn miến lươn ở phố Mai Hắc Đế”.
Trước khi mất vài ngày, Văn Hiệp nhất định bắt con dâu gọi thợ mộc tới làm cho ông cái bàn thờ và nhất định phải treo đèn nhấp nháy xung quanh. Văn Hiệp từng tự chấm số tử vi cho mình rằng khi ông nhắm mắt sẽ không có ai ở cạnh. Chị Chiên nhớ: “Bình thường tôi và anh Thắng phân công nhau ngủ ở cạnh phòng cha để tiện lo lắng khi có chuyện. Tối hôm đó, cha tôi đi ngủ, anh Thắng ở phòng bên cũng đi nghỉ, được vài tiếng anh trở dậy sang thăm bố như thế nào nhưng gọi mãi thì cụ không tỉnh. Cụ đi nhẹ nhàng và sự thực là lúc đó đúng là không có ai bên cạnh”.
“Có khi nào nghệ sĩ Văn Hiệp tâm sự về điều gì đó mà ông áy náy trong cuộc đời mình không?”, tôi hỏi. Chị Chiên im lặng một vài giây rồi nói: “Không, cha tôi là người hiểu biết nhưng lại rất ít thể hiện ra ngoài bởi vì ông cụ sống nội tâm. Kể cả chuyện với mẹ chồng tôi ông cũng không nói. Chỉ có lần tôi hỏi thì cụ nói là vài lần cũng muốn mẹ chồng tôi về hẳn nhưng bà lại tiếc mình sắp về hưu rồi mà bỏ thì phí quá. Cha tôi cũng tôn trọng mẹ, Cụ nói với tôi rằng: “Yêu một người là không phải ích kỉ cho riêng mình, mà còn phải hiểu và chiều theo sở thích người đó”.
Không đi bước nữa và cũng không một lần trách cứ vợ mình, nghệ sĩ Văn Hiệp mấy chục năm ròng chịu cảnh cô đơn gà trống nuôi con dù cũng có những người phụ nữ tự nguyện sống với ông.
Cũng rất ít người biết rằng trong số di vật còn lại của nghệ sĩ Văn Hiệp, ông vẫn luôn níu giữ những kỉ vật có thể xem là cũ kĩ mấy chục năm mà vợ ông gửi về, từ chiếc áo sơ mi cũ đã sờn rách nhưng Văn Hiệp vẫn may lại để mặc. Thậm chí cái phim ảnh ngày xưa của vợ ông, Văn Hiệp cũng giữ lại cẩn thận và thi thoảng ông vẫn lấy cái ống nhòm mấy chục năm tuổi đời ra xem lại từng cái phim.
“Những kỉ vật của mẹ, bố tôi cất giữ cẩn thận, tới mức bản thân chúng tôi cũng chẳng hiểu rõ những vật đó dùng để làm gì. Có lẽ cả cuộc đời chúng tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu hết cha mình!”, anh Thắng lặng lẽ nói.