Nhưng có lẽ, ấn tượng nhất, được nhắc nhiều vẫn nằm ở gánh xí mà phủ (chè đậu đen-PV) phố Hội của cha con ông Ngô Thiểu và truyền nhân làng gốm Nguyễn Thị Được. Giữa chiều tà hoài phố, đời người, đời nghề, đời phố luôn khiến người nghe phải nao lòng thương nhớ…
Cụ bà níu giữ làng gốm
Hội An ngày tháng 5, nắng hanh hao hơn. Vì thế, trên con đường đê chạy dọc triền sông Thu Bồn (đoạn qua phường Thanh Hà), nhiều người dân có thói quen tìm ra mé sông vừa tán chuyện, vừa làm việc.
Phường tên Thanh Hà, nhưng dọc đường đi ai cũng gọi: Làng gốm. Bên gốc cây bồ đề tỏa bóng ở triền sông, ở vào tuổi 92, bà Nguyễn Thị Được, một truyền nhân của làng vẫn thoăn thoắt bên chiếc bàn xoay. Bà Được thuộc thế hệ thứ 4 trong gia đình có truyền thống làm nghề gốm.
“13 tuổi, tôi đã theo mẹ làm quen với đất sét, bàn xoay. Từ đó đến giờ, 2 thứ này gắn chặt với cuộc đời tôi. Chiến tranh cướp mất đứa con yêu quý nên hễ ngớt tiếng bom, tôi lại bò lên khỏi hầm ẩn nấp để tìm tới chiếc bàn xoay, xoay nặn những món đồ con yêu thích.
Nước mắt nhỏ xuống, thấm vào từng vật dụng … Vì thế, với tôi, nghề gốm không chỉ nuôi sống gia đình mà còn như người bạn tri kỷ”, kí ức người nghệ nhân già đưa người nghe trở về thời nghề gốm hưng thịnh chốn hoài phố.
Nghề gốm ở Thanh Hà được biết đến từ những năm đầu thế kỷ 15. Lúc bấy giờ, những lưu dân vùng Bắc Bộ trong quá trình mở cõi vào phương Nam mang theo nghề gốm, đã chọn mảnh đất nơi hạ nguồn con sông Thu Bồn khai canh, lập làng.
Ngày xưa, chỉ cần ra đám ruộng bên mé sông đã có thể lấy đủ đất sét làm gốm mấy đời, lại rất tốt. Từ đó, trên chốn dừng chân của hành trình giao thương ở phố Hội, nhiều thương gia Nhật Bản, Trung Hoa tấp nập ghé lại mua và đưa làng gốm Thanh Hà vang danh khắp thế giới.
Theo bà Được, khó nhất trong các công đoạn làm gốm nằm ở khâu chuốt gốm. Phải có khéo léo của đôi bàn tay người nghệ nhân Thanh Hà mới chế tác được sản phẩm đồng đều, không bị méo mó.
Trước đây, ở Thanh Hà, nhà nhà làm gốm, người người làm gốm. Sản phẩm làm ra chủ yếu là vật dụng sinh hoạt trong gia đình như chum, vại, lu. Chỉ có vậy nhưng làng nghề nuôi nhiều thế hệ con cháu ăn học, thành đạt.
Về sau, gốm dành cho khách du lịch, nhu cầu về trang trí cao hơn nên bà con xoay sang làm thêm sản phẩm như chuông gió, hình các con giáp, bình hoa... Tuy nhiên, hơn chục năm lại đây, nguồn đất sét cạn kiệt, người làng gốm phải đi mua đất ở các huyện Điện Bàn, đầu nguồn sông Thu Bồn xa hàng chục cây số.
Vất vả mà thu nhập không bao nhiêu, nay cả làng chỉ còn khoảng chục hộ theo nghề. Họ xoay ra làm đủ thứ vật dụng theo nhu cầu của khách để phục vụ du lịch.
Riêng bà Được, dù chân tay không còn khỏe mạnh nhưng bà Được vẫn giữ lửa nghề bằng bàn xoay thủ công và chính tay bà tự đun củi nung lò khi mẻ gốm hoàn thành. Mỗi ngày bà vẫn cặm cụi làm việc và truyền nghề lại cho các cháu nội, cháu dâu để nghề gốm còn được duy trì đến mai sau.
Quán chè gánh hai thế hệ
Một thời, góc đường cạnh sân vận động TP Hội An, nhiều người đi qua vẫn thường nhìn thấy hình ảnh một cụ già vận bộ bà ba nâu sòng, ngồi bên đôi thùng nhôm. Chốc chốc, ông cất tiếng rao: “Ai xí… mà… phủ đây!”. Ông có tên Ngô Thiểu. Từ khi ông buôn bán, bất kể nắng mưa, người nào đến Hội An cũng được giới thiệu lại với gánh chè của ông lão.
“Chỉ với đậu xanh xay, mè đen, nước cốt rau má, lá mơ và đường tán… nhưng ai đi ngang về tắt đều không thể quên xí mà phủ. Đến Hội An mà chưa nếm thử món ăn của ông già Thiểu, cũng coi như chưa thăm thú trọn cái hồn của chốn này”, ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hội An nói chắc nịch.
Ông Phùng dẫn chứng, có anh du khách người Pháp tên Benedicate Joffre, 2 lần đến Hội An, nhưng việc đầu tiên phải tìm tới góc đường có gánh chè xí mà phủ của ông Thiểu. Cuối năm 2015, người khách du lịch này tiếp tục sang Việt Nam ở dài ngày để đón Tết.
Có mặt có phố cổ Hội An, Benedicate Joffre cứ tần ngần bên góc đường cũ vì người bán chè xưa vắng bóng. Sau giây lát do dự, Benedicate Joffre hỏi người phụ nữ bán xí mà phủ ngồi ngay vị trí của cụ Thiểu, mới biết bà là Ngô Thị Thi, con gái cụ Thiểu cũng là người kế nghiệp cha bán xí mà phù.
Hiện mỗi bát chè bà Thi vẫn chỉ bán 6 ngàn đồng, trong khi ở một số điểm bán với giá 20 ngàn đồng. Bà Thi cho biết, người ăn toàn dân lao động nghèo, nên đừng lấy mắc. Cả 2 chị em thay nhau bán buôn, vừa kiếm sống vừa giữ lấy cái tiếng, cái tâm mà ông cụ đã truyền dạy, và hơn hết còn giữ lại nét duyên của phố cổ.
“Thực ra vợ chồng tui cũng có thể làm được nhiều nghề khác, thu nhập khấm khá hơn. Nhưng nhìn dáng cha cặm cụi bên nồi xí mà phủ ở tuổi ngoài 90, tụi tui thấy có lỗi khi rời bỏ nghề ông đã gắn bó, đã nuôi tụi tui lớn khôn. Vì thế, vợ chồng bảo nhau cố gắng gìn giữ. Bên nồi chè, khách ăn vẫn không quên hỏi thăm sức khỏe của người đã “khai sinh” ra món chè này. Họ nói đến cha mình, vậy là tui thấy hạnh phúc. Các con tôi cũng vậy, sau giờ học chúng tự hào được phụ mẹ bán xí mà”, bà Thi nói.