Những người góp phần tạo cuộc sống công bằng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Miệt mài đi tìm công lý cho những người phụ nữ, trẻ em gặp hoàn cảnh đặc biệt, những nữ luật sư đã gặp phải không ít trường hợp éo le. Có những trường hợp khiến họ ám ảnh bởi phận đời quá bi đát, bởi những nỗi đau mà những người phụ nữ đã phải gánh chịu.

Ám ảnh vì phận phụ nữ “buôn gánh bán bưng”

Nữ Luật sư Trương Thị Hòa - Câu lạc bộ Nữ Luật sư, Đoàn Luật sư TP HCM là người như thế. Hơn chục năm qua, bà gắn bó với những câu chuyện của các chị em phụ nữ, những bất công giới mà họ phải gánh chịu. Dù tuổi đã cao, bà vẫn thường xuyên tham gia các chương trình tư vấn pháp luật, hỗ trợ các lớp đào tạo kiến thức cũng như kỹ năng tư vấn pháp luật cho các chị em trong Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM.

Bà chia sẻ: “Là luật sư, hơn ai hết, tôi thấu hiểu nỗi đau khổ, thiệt thòi của người dân, nhất là người lao động nghèo không biết luật. Đã biết bao nhiêu trường hợp phạm tội chỉ vì không ý thức được hành vi của mình phạm luật. Tôi quan niệm, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp được người dân nhiều hơn là bắt tay vào từng sự việc cụ thể khi đã xảy ra chuyện đáng tiếc”.

Theo đuổi nhiều vụ án, nhưng đến bây giờ, bà vẫn bị ám ảnh bởi những vụ kiện liên quan đến những phụ nữ “buôn gánh bán bưng”. Đó là các câu chuyện mà bà gọi là bế tắc, khi người đàn ông trong gia đình đã không lo được kinh tế còn rượu chè, bài bạc, khiến phụ nữ phải oằn mình ra để kiếm sống cho cả gia đình. Dù là nữ luật sư có tiếng của Đoàn Luật sư TP HCM nhưng trong hơn 45 năm làm nghề, bên cạnh việc tham gia bảo vệ pháp lý nhiều vụ ly hôn đình đám của những đại gia và giới nghệ sĩ, bà chưa bao giờ từ chối người nghèo. Nhiều lao động nghèo, nhất là phụ nữ thường tìm đến bà Hòa để tư vấn pháp lý miễn phí.

Luật sư Trương Thị Hòa.

Luật sư Trương Thị Hòa.

Bà luôn thấu hiểu nỗi khổ, sự thiệt thòi của phụ nữ nên cách tuyên truyền, tư vấn pháp luật dễ dàng được chị em lãnh hội. Những buổi tọa đàm hay giải đáp pháp luật trên báo, bà cũng vận dụng những ngôn từ dí dỏm, đơn giản để các chị em có thể hiểu rõ hơn, thay vì đọc những điều luật quá phức tạp. Bà dặn dò các chị em hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM: “Chị em cần nhớ, mười lời nói to không bằng một lời nói nhỏ. Phụ nữ có thể hùng biện, nhưng đừng bao giờ hùng hổ, có như thế mới tìm được sự bình đẳng với đàn ông”.

Quả thật, chính những phận đời nghèo khổ, những người phụ nữ bị đối xử bất công trong chính xã hội này là nguồn cơn của những câu chuyện ám ảnh. Sự nghèo đói, bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết,… đã đẩy họ vào khốn cảnh. Thấu hiểu những điều đó, bà Hòa vẫn miệt mài theo đuổi công việc của mình, dù nhiều lần bà cũng thấy bế tắc trong việc tìm hướng đi cho những phận đời phụ nữ.

Không chùn bước trước thách thức

Với nghề luật sư, những khó khăn, thách thức khi theo đuổi các vụ án là điều không thể tránh khỏi. Họ thậm chí còn đối mặt với những cuộc gọi đe doạ đến tính mạng, người thân trong gia đình, chỉ cần sơ sẩy họ sẽ mất tất cả. Nhưng bằng lòng kiên cường và dũng cảm, quyết tâm theo đến cùng, họ vẫn luôn đồng hành cùng những phận đời phụ nữ éo le, vất vả.

Nữ Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em là một người như thế. Bà nổi tiếng là người dám đứng lên đòi lại quyền lợi, công bằng cho trẻ em, chị em phụ nữ, không cam lòng trước những uất ức, bất công.

Luật sư Ngọc Nữ trên một phiên tòa.

Luật sư Ngọc Nữ trên một phiên tòa.

Nhiều lần chứng kiến cảnh các bé gái ăn xin, bán vé số bị quấy rối tình dục, bà khóc một mình rồi quyết định tìm cách bảo vệ những trẻ em gái ấy. Nhiều năm qua, bà trở thành niềm tin, chỗ dựa, lá chắn sống của trẻ em bị xâm hại. Chỉ cần nhận được tin báo có vụ xâm hại tình dục, bạo hành trẻ, bà sẽ tìm mọi cách có mặt, bất kể nắng mưa, xa gần. Bà nói rằng, trước đây, bà từng khóc sau nhiều lần chứng kiến cảnh các bé gái ăn xin, bán vé số… bị quấy rối tình dục, xâm hại. “Các bé vốn đã rất đáng thương thế mà khi bị xâm hại, các em hầu như không được ai giúp đỡ, bảo vệ. Thấy cảnh tượng ấy, tôi rất đau lòng. Tôi nhận ra mình phải có trách nhiệm, bỏ công sức bảo vệ các bé”, nữ Luật sư chia sẻ.

Có những vụ án khó liên quan đến trẻ em bị xâm hại, bạo hành, chứng cứ yếu, phải mất nhiều thời gian và trí lực, lục tìm hồ sơ, manh mối nhưng bà vẫn đeo bám đến cùng: “Chẳng hạn như có một em khi đó mới 14 tuổi mà cơ quan điều tra giám định là 17 tuổi. Vụ án khép lại rồi, chúng tôi lại mở vụ án ra và đòi công lý cho bằng được”.

Nhiệt huyết và quyết liệt trong việc bảo vệ trẻ em, bà được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM. Như có “bảo kiếm” trong tay, bà và các cộng sự tình nguyện tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em tại các phiên tòa miễn phí. Thậm chí, bà liên tục “khui” lại, đưa ra ánh sáng những vụ án xâm hại, bạo hành trẻ em tưởng đã “im hơi lặng tiếng”, bị đình chỉ.

Bà nói: “Tôi thương các bé như con, cháu của mình. Nhìn các bé tuổi còn nhỏ, hồn nhiên nhưng sớm bị kẻ xấu hủy hoại cuộc đời, làm vẩn đục tâm hồn, tôi đau lòng lắm. Thế nên, làm được gì để giúp các bé dù là nhỏ nhất, tôi đều không từ bỏ. Không chỉ ở TP HCM, chúng tôi sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu khi các bé cần giúp đỡ”.

Luật sư Nữ cho biết, bà đã tiếp nhận và hỗ trợ 48 trường hợp là phụ nữ và trẻ em bị bạo hành; chủ động phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ tại địa phương, đảm bảo quy trình, các bước bảo vệ các em, các chị phụ nữ được an toàn, công bằng. Luật sư Nữ kể, hành trình đi tìm công lý, bảo vệ trẻ em chưa bao giờ dễ dàng. Hành trình ấy không chỉ có mồ hôi mà còn cả nước mắt. Bởi khi “khui” lại những vụ án cũ, chưa tìm ra thủ phạm, bà thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp. 16 năm, có những ám ảnh không thể nào quên. Đó là hình ảnh một người mẹ lặn lội từ miền Tây lên Sài Gòn xin bà tìm lại công bằng cho đứa con gái bé bỏng 13 tuổi đã quyên sinh sau khi bị xâm hại. Vụ việc thời điểm đó bị đình chỉ vì không tìm được chứng cứ. Bà đã vào cuộc tìm ra bằng chứng, khôi phục lại vụ án trả lại đúng người, đúng tội: “Có những đứa trẻ đã qua đời, nhưng đứng trước vong hồn của bé, chúng tôi hứa lấy lại những gì mà bé đã mất. Rủi ro cũng có, chúng tôi đã từng bị bạo hành rồi”, nữ Luật sư chia sẻ.

Dù vậy, bà chưa bao giờ nản lòng trước những khó khăn, thách thức gặp phải. Ngược lại, những phận đời khó khăn ấy lại tiếp thêm động lực cho bà cố gắng hơn mỗi ngày, sớm ngày tìm lại công lý cho những trẻ em gái. Bà luôn tâm niệm, sẽ lắng nghe trẻ em bằng trái tim và bảo vệ các em bằng cả cuộc đời mình: “Nhiều lần cũng sợ lắm, nhưng mình tâm nguyện bảo vệ cho trẻ em, phụ nữ yếu thế mà mình rút, mình không làm nữa thì ai bảo vệ cho mấy em đây...?”.

Năm 2018, Luật sư Ngọc Nữ là một trong 96 gương tập thể, cá nhân được tuyên dương “Thầm lặng mà cao cả” do UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM tổ chức.

Đọc thêm