Câu chuyện của em Điểu Hùng (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) làm xúc động những người chứng kiến. Bố bỏ nhà đi từ khi em còn nhỏ, để lại gánh nặng cuộc sống lên đôi vai của mẹ. Suốt những năm học tiểu học, em là học trò dân tộc duy nhất trong vùng đạt học sinh giỏi. Vì thế, thật xót xa khi em phải bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, khi mà lên cấp 2 thì em phải học xa nhà tới 30km. Có một chiếc xe đạp mượn đi học, bị người ta đòi lại, em không biết vượt qua quãng đường đó mỗi ngày như thế nào.
Một năm nghỉ học, Hùng phải làm nhiều việc để có tiền trang trải cuộc sống. Bạn bè em được đi học hết rồi, và những khi tết lễ các bạn về nghỉ, em vẫn sang hỏi các bạn về trường lớp, về bài vở, trong ước mơ đi học lại.
Một năm làm lụng chắt chiu tích cóp, năm học này, Hùng đã mua được một chiếc xe đạp và đến trường xin đi học lại, nhưng những người làm Chương trình càng thấy tiếc nuối hơn khi giá như Chương trình hay những nhà hảo tâm biết đến Hùng sớm hơn, em đã không phải uổng 1 năm xót xa như thế. Khát khao được đi học của Hùng thật đáng khâm phục.
Những người làm chương trình “Cặp lá yêu thương” đã kết nối với các cơ quan chức năng để xin cho Hùng được học tại trường dân tộc nội trú, và em sẽ không phải đi về quãng đường xa hằng ngày nữa, việc học của em chắc chắn sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, các nhà hảo tâm cũng hỗ trợ em kinh phí phẫu thuật tật mí mắt em phải chịu đựng từ khi sinh ra để em có thể nhìn được tốt hơn.
Ở đây – Đắk Nông, mảnh đất cửa ngõ phía Tây Nam của Tây Nguyên nắng gió và nhiều vất vả, đối với các em được đến trường không chỉ là niềm vui thầy cô bạn bè mỗi ngày, mà đó còn là con đường để thoát nghèo, để tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn.
Vì thế, càng đáng trân trọng tấm lòng một người phụ nữ dù vẫn vô vàn khó khăn vẫn nhận nuôi một đứa trẻ bị cha mẹ chối bỏ từ 6 tháng tuổi suốt 14 năm trong câu chuyện về 2 bà cháu em Ngô Tiểu Linh. Giờ đây, bà Tuệ sẽ đỡ cơ cực hơn khi các nhà hảo tâm đã sẻ bớt gánh nặng cùng bà chăm lo cho Tiểu Linh được đến trường. Cũng trân trọng hơn nghị lực của 2 chị em gái hằng ngày tự chăm sóc lẫn nhau trong khi mẹ đi làm xa, tập võ để bảo vệ nhau nhưng mong ước lớn lên thành thầy thuốc. Cũng thật cảm động với câu chuyện về chị em Khánh Linh và Khánh Huyền học bài trên những vách nhà gỗ - nơi viết lên bài học của các em, nuôi dưỡng những ước mơ con chữ. Linh năm nay lên lớp 4, và 3 năm qua năm nào Linh cũng đạt học sinh giỏi dù mỗi ngày phải đi bộ 30 phút đến trường….
34 lá chưa lành ở Đắk Nông đem đến 34 câu chuyện, 34 nỗi khát khao, 34 niềm hy vọng, 34 nghị lực sống kể lại trong một ngày cao nguyên đầy nắng và gió. Khi năm học mới vừa bắt đầu, những chia sẻ để gia đình các em vơi bớt nỗi lo toan cái ăn cái mặc, cuốn sách tập vở... dường như càng thêm ý nghĩa, giúp các em đến trường, cũng là vững bước trên con đường tri thức tiến tới tương lai.
Tháng 10 tới, Chương trình Cặp lá yêu thương sẽ có hành trình thứ 36 tại tỉnh Thanh Hóa, đánh dấu tròn 3 năm thực hiện dự án thiện nguyện này./.