Tục ngủ bạn
Với vị trí địa lý nằm ở khu vực giáp điểm cao nhất của tam giác châu Bắc Bộ, Bắc Ninh là vùng văn hóa Việt cổ. Cùng với khu vực Phú thọ, Bắc Ninh chính là cái nôi của văn hóa Việt cổ, vì thế nơi đây bảo lưu rất sâu đậm các quan điểm, quan niệm và tư duy của người Việt cổ.
Xuất phát từ hình thái nông nghiệp nương rẫy (thu thập, hái lượm và săn bắt) và sau đó là nông nghiệp lúa nước nên vị thế của người phụ nữ trở nên trội vượt, đóng vai trò quan trọng trong đời sống gia đình và cộng đồng. Từ đó tạo nên hệ quy chiếu ứng xử, coi trọng tính cái, coi trọng phụ nữ.
Văn hóa Việt cổ cũng là vùng văn hóa “thuần hậu, chất phác”, vì thế người Kinh Bắc xưa dù đã bị chi phối bởi ít nhiều quy định của lễ giáo Nho giáo nhưng đến trước cách mạng tháng tám vẫn còn giữ nguyên tục ngủ bạn, tục này là các bạn của cô dâu đến ngủ cùng đêm tân hôn, sáng hôm sau cùng đưa cô dâu về lại nhà mẹ đẻ và chàng trai cũng phải sang đó ở rể cho đến khi có con đầu lòng mới dắt nhau về nhà nội “con so nhà mạ, con dạ nhà chồng” chính là xuất phát từ tục lệ đó. Tuy nhiên, do xã hội phát triển và có nhiều điều tế nhị trong cuộc sống hôn nhân vợ chồng nên hiện tại tục này đã mai một và hầu như đã không còn.
Bạn của cô dâu sẽ ngủ cùng đêm tân hôn (Ảnh minh họa từ internet). |
Tục kết bạn
Bắc Ninh nổi tiếng là những làn điệu dân ca Quan họ chữ tình, đằm thắm. Trong Quan họ của người Bắc Ninh có tục kết bạn, tục lệ này có những chi tiết khác nhau giữa các làng, nhưng cũng có những nét chung. Có nơi như Thị Cầu, Làng Yên, Ngang Nội ... trong cùng một thời gian, nhóm Quan họ này kết bạn 2,3 nhóm Quan họ khác và sự kết bạn ấy có khi chỉ kéo dài vài, ba năm rồi lại kết với nhóm khác.
Có nơi như Bồ Sơn - Y Na , hai nhóm nam nữ Quan họ đã kết bạn với nhau rồi thì không kết bạn với nhóm thứ ba và có tục lệ không bao giờ lấy nhau, giữ đường đi lối lại trọn đời.
Có nơi như Diềm và Bịu, hai nhóm đã kết bạn thì không kết bạn với nhóm thứ ba. Không những thế, cả bên nam, bên nữ, mỗi bên còn gây dựng một nhóm bé Quan họ để dẫn dắt họ lại kết bạn với nhau, cứ thế, hết thế hệ này đến thế hệ khác, hàng trăm năm, tạo nên một tình bạn truyền đời. Những nhóm Quan họ này thường có tục không lấy nhau thành vợ thành chồng.
Có nơi như Thị Cầu, Ngang Nội, Sen Hồ...chỉ có Quan họ nam, nên chỉ mới và kết bạn với Quan họ nữ ở nơi khác.
Có nơi có cả Quan họ nam và Quan họ nữ, khi đi tìm bạn để kết ở làng khác, thường rủ nhau một nhóm nam và một nhóm nữ làng này đến kết bạn với một nhóm nữ và một nhóm nam làng kia, tạo nên tình bạn tay tư hoặc còn gọi là bộ bốn.
Tuy có những điểm khác nhau trong tục kết bạn nhưng nhìn chung có những điểm giống nhau, đã là Quan họ kết bạn thì phải khác giới, khác làng, đều là anh, là chị, là em của nhau, rất ít khi Quan họ đã kết bạn lấy nhau thành vợ thành chồng. Dù giữ tình bạn kết trong một số năm, hoặc trọn đời, hoặc truyền đời thì các Quan họ vẫn cư xử thân thiết, quý trọng, giữ đường đi lối lại thăm hỏi khi vui buồn đến trọn đời.
Khi đi hội hè hoặc đi ca hát ở đâu, các Quan họ kết bạn thường hẹn rủ nhau cùng đi. Mỗi khi làng có hội lệ, hoặc những việc vui mừng Quan họ kết bạn cũng thường mời nhau đến nhà ca hát. Ngoài ra cũng có sự đùm bọc lẫn nhau về vật chất những khi một ai đó trong nhóm Quan họ kết bạn gặp hoạn nạn, khó khăn.
Trong giao tiếp thường giữ gìn phong độ lịch sự từ ngôn ngữ, cử chỉ, khi đứng, khi ngồi; từ chén nước, miếng trầu, mâm cơm thết bạn...đều biểu lộ sự tôn trọng, quý mến lẫn nhau. Không có sự suồng sã, thô lỗ, trong giao tiếp Quan họ.
Tục kết bạn trong Quan họ vẫn được các liền anh liền chị giữ vững trong văn hóa giao tiếp khi hát. (Ảnh từ internet) |
Tục rủ bọn
Muốn đi hát Quan họ phải có bọn, bọn nam hoặc nữ. Từ bọn xưa có lẽ không mang nhiều nghĩa xấu như hiện nay.
Có nơi do các anh nhớn Quan họ, chị nhớn Quan họ đứng ra rủ bạn cho các em bé Quan họ. Nhưng cũng có nhiều nơi do lòng yêu thích ca hát Quan họ, còn gọi là chơi Quan họ, những chàng trai, cô gái, 15,16,17 tuổi tự rủ nhau thành bọn rồi tìm đến một vài anh nhớn, chị nhớn hoặc vài cụ Quan họ để học ca hát, rồi nhờ các bậc đi trước đưa đường, chỉ lối, bắc cầu cho tìm nơi kết bạn...
Mỗi bọn Quan họ thường có từ 4 đến 6 người và được đặt tên từ chị Hai, chị Ba, chị Tư, chị Năm hoặc anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm, có đôi làng có đến anh Sáu, chị Sáu. Nếu số người đông đến 7 hoặc 8 người thì có thể đặt thêm: anh Ba (bé), chị Tư (bé)v.v..mà không đặt anh Bẩy, chị Tám v.v....Không có chị cả, anh cả trong bọn Quan họ.
Khi ra hội hoặc giao tiếp giữa các Quan họ, thường gọi nhau bằng tên anh Hai, chị Ba...hoặc liền anh Quan họ, liền chị Quan họ mà không gọi tên thật. Vùng Quan họ, xưa, trong khẩu ngữ, người ta không nói đàn ông, đàn bà để phân biệt nam, nữ mà nói liền ông, liền bà.
Trong một bọn Quan họ, tuy chia ra anh Hai, Ba, Tư, Năm...nhưng họ sống bình đẳng, đùm bọc, thương yêu, gắn bó cùng nhau. Cả ngày lao động, nhưng đêm đến, họ thường rủ nhau ngủ bọn ở nhà một anh nhớn, chị nhớn nào đấy để học câu luyện giọng. Trước tiên là học đủ lối, đủ câu; luyện giọng sao cho mẫm, cho nền, cho vang, cho ngọt, cho nẩy, cho rền. Sau đó là tập nói năng, lề lối ứng xử, giao tiếp, rồi mới tiến đến chỗ đi hát hội, kết bạn, hát canh, hát thi. Cao hơn nữa là biết đặt câu (sáng tác lời thơ làm lời ca), bẻ giọng (phổ nhạc cho thơ) và ứng đối kịp thời.
Những bọn Quan họ này thường là bạn trọn đời cả trong ca hát và ở đời thường. Họ phải ghép và luyện sao cho từng đôi một thật hợp giọng nhau, để đi ca hát. Thường mỗi đôi hát một số bài, lần lượt thay nhau cho trọn canh hát. Có những đôi nam, đôi nữ nổi tiếng đủ lối, đủ câu, giọng vang như chuông...trong giới Quan họ trong những thời điểm khác nhau, ở những thế hệ khác nhau.
Muốn đi hát Quan họ phải có bọn, bọn nam hoặc nữ (Ảnh từ internet) |
Ngôn ngữ, cử chỉ trong giao tiếp Quan họ
Ngày xưa, người các vùng không có Quan họ đến với vùng Quan họ thường có nhận xét: “Người quan họ nói như có văn có sách”. Ngôn ngữ của người Quan họ là một ngôn ngữ giàu chất thi ca của ca dao, tục ngữ, chuyện nôm, nhất là truyện Kiều.
Ví như “Bây giờ gặp mặt nhau đây mà cứ ngỡ như là chuyện chiêm bao...”. Câu nói này khiến ta liên tưởng đến những chữ đã dùng trong 2 câu thơ truyện Kiều:
Bây giờ gặp mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao
Hay ví như nói để khen bạn: “Thưa anh Hai, anh Ba... thật là thơm cây, thơm rễ, người giồng (trồng) cũng thơm, đấy ạ!”. Câu nói này khiến ta nghĩ ngay đến câu ca dao:
Người như hoa quế thơm lừng
Thơm cây, thơm rễ, người giồng (Trồng) cũng thơm.
Ngôn ngữ giao tiếp của người Quan họ tuy mềm mại, khéo léo, tinh thế, nhiều khi bóng bẩy, lững lờ... nhưng không gợn lên những ẩn ý dối trá, lừa lọc mà đậm đà tình người, sự tôn trọng giữa người và người luôn hướng tới sự giàu đẹp, của ngôn ngữ. Vì vậy, người Quan họ không thích, không chấp nhận sự thô kệch, vụng về trong ngôn ngữ.
Cho nên, khi các em bé được các anh nhớn, chi nhớn quan họ rủ bọn để luyện ca hát thì cũng hướng dẫn các em "học ăn, học nói, học gói, học mở" để sau này giao tiếp trong Quan họ.
Người Quan họ cũng rất coi trọng sự lịch thiệp, thanh nhã trong mọi việc cử chỉ giao tiếp.
Từ việc đỡ ô, đỡ nón khi đón bạn, nâng cơi giầu (trầu) mời bạn, nâng chén nước, chén rượu, đến dáng đi, dáng đứng, thế ngồi, cái miệng, đôi mắt, tư thế khi chuyện trò cùng bạn.v.v.... gần như đều có chuẩn mực thế này là phải, là duyên, thế kia là không phải, vô duyên.
Có những người, những nhóm hát hay, thuộc nhiều bài, nhưng cử chỉ giao tiếp kém cũng không có nhiều bạn muốn hát cùng, muốn kết bạn, thậm chí kết bạn rồi cũng lại nhạt dần rồi thôi.
Một chùm hoa bưởi đặt trong cơi trầu, một nhành hoa sói cài trên mái tóc nép kín vào vành khăn hoặc dấu trong khăn tay... vốn là sự tinh tế của người Quan họ.
Phong tục, lề lối trong hát Quan họ là một hệ thống qui ước không thành văn, không do một ai ban bố, nhưng từ đời này qua đời khác, những quy ước ấy lần lượt ra đời và được mọi người tuân thủ, tuy có những chi tiết khác nhau nhưng mang tính thống nhất cao trong toàn vùng Quan họ.
Hệ thống qui ước ấy được hình thành do những yêu cầu tồn tại, duy trì, phát triển hoạt động ca hát Quan họ, nhưng cũng chịu sự chi phối trực tiếp của toàn bộ phong tục tập quán của cộng đồng dân cư vùng Quan họ, trở nên một bộ phận gắn bó khăng khít với toàn bộ phong tục tập quán của một vùng văn hoá.