Những quyết định bất thường của các cơ quan chức năng từ một vụ ly hôn ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh

(PLO) - Ông Dương Phương Long, hộ khẩu thường trú tại phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM vừa làm đơn tố cáo khẩn cấp đến các cơ quan chức năng và truyền thông về việc Tòa án Nhân dân (TAND) và Chi cục Thi hành án Dân sự (CCTHADS) Quận 2 đã ban hành các quyết định không đúng quy định pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và danh dự của ông.
(Hình minh họa)
(Hình minh họa)

 Sự việc bắt đầu từ vợ ông Long là bà Trần Thị Diễn bất ngờ gửi đơn lên tòa để ly hôn với chồng. TAND Quận 2 đã thụ lý vụ án số 471/2016/TLST-HNGĐ ngày 4/11/2016. Ngày 15/11/2016, TAND Quận 2 có Quyết định số 71/2016/QĐ-CCCC do Thẩm phán Phan Thị Ngọc Phú ký ban hành, yêu cầu Phòng Giao dịch Nguyễn Thị Minh Khai, Ngân hàng Vietinbank – Chi nhánh TP.HCM cung cấp chứng cứ là số dư của các thẻ tiết kiệm do ông Long đứng tên vào thời điểm ngày 4/11/2016. Đồng thời nêu rõ thời hạn cung cấp là 15 ngày – kể từ ngày ngân hàng nhận được quyết định (thực tế thì cho đến ngày 16/11/2016, ngân hàng mới nhận được quyết định trên).

Ngay trong ngày 15/11, TAND Quận 2 “tranh thủ” ra tiếp “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) số 33/2016/QĐ-BPKCTT”. Cần phải công nhận rằng các cơ quan chức năng ở quận 2 làm việc hết sức “nhiệt tình” vì cũng chính ngày 15/11, CCTHADS Quận 2 có Quyết định THA chủ động số 323/QĐ-CCTHADS. Một ngày sau (16/11) CCTHADS Quận 2 lại ra Quyết định số 26/QĐ-CCTHADS về việc phong tỏa tài khoản, tài sản đối với ông Long.

Những quyết định nêu trên là vội vàng, có điều gì đó bất thường, bởi trong khi hai cơ quan này chưa biết số dư tài khoản của ông Long trong ngân hàng là bao nhiêu, nhưng lại ra quyết định phong tỏa, làm như thế có đúng quy định của Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hay chưa? Đồng thời, các cơ quan trên cũng chưa thể xác định được các thẻ tiết kiệm của ông Long tại ngân hàng (nếu còn số dư) là tài sản chung của hai vợ chồng!

            Khoản 2 – Điều 111 của Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 có nêu: “Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng BPKCTT quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó”. Tuy nhiên, khi căn cứ vào Điều 114 thì ông Long không phải là đối tượng bị áp dụng!.

            Căn cứ từ Quyết định 33/2016/QĐ-BPKCTT của TAND Quận 2, ngày 15 và 16/11/2016 CCTHADS Quận 2 đã ban hành quyết định THA chủ động và quyết định việc phong tỏa tài khoản, tài sản đối với ông Long không đúng với nội dung Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ Hướng dẫn Luật THADS. Cụ thể, tại Khoản 3 – Điều 6 nêu: “Các khoản thu khác cho Nhà nước, quy định tại Điểm c – Khoản 2 – Điều 36 Luật THADS thuộc diện chủ động ra quyết định THA bao gồm khoản truy thu thuế; khoản viện trợ cho Nhà nước và các khoản bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các khoản thu khác nộp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước”. Và Luật THADS ở Điểm c – Khoản 2 – Điều 36 có nêu: “Tịch thu sung quỹ Nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước”.

So sánh với những điều khoản này, ông Long cũng không thuộc đối tượng bị áp dụng THA chủ động! Mặt khác, ở Khoản 1 – Điều 20 cũng của Nghị định 62/2015-NĐ-CP quy định về việc phong tỏa tiền trong tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, như sau: “Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa….Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được ban hành khi Chấp hành viên lập biên bản phong tỏa theo quy định tại Khoản 2 – Điều 67 Luật THADS phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi có tài khoản, tài sản đã bị phong tỏa”. Thế nhưng trong vụ này, Chấp hành viên đã làm không đúng khi không lập biên bản phong tỏa mà đã ra ngay quyết định phong tỏa và cũng không giao quyết định này cho ông Long là người bị phong tỏa tài khoản!

Trong khi ngân hàng chưa có văn bản cung cấp thông tin, mà cơ quan THA đã vội vàng ra quyết định phong tỏa tài khoản là trái với tinh thần Thông tư Liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BLĐTBXH-NHNNVN ban hành ngày 14/1/2014 Hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải THA và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để THA dân sự, vì Điều 9 của Thông tư có nêu: “Căn cứ văn bản cung cấp thông tin, Chấp hành viên ra quyết định phong tỏa tài khoản”.

Thiết nghĩ, vụ việc trên cần được các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh những điều ông Long tố cáo, để kịp thời ngăn chặn những hậu quả có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Long. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi để cung cấp cho bạn đọc những thông tin mới nhất của vụ việc này.

Đọc thêm