Ngày 12/6/2019, Báo Pháp luật Việt Nam có bài “Huế: Sai phạm nghiêm trọng trong công tác tuyển sinh bị bưng bít” phản ánh việc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017-2018 của tỉnh Thừa Thiên Huế có một số cán bộ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đưa 23 TS không đủ điều kiện vào học lớp 10 trường công lập, điển hình trong đó có TS thiếu đến gần 19 điểm vào học. Sự việc không lâu sau đó bị phát hiện và có đơn tố cáo lên các cấp trong tỉnh, thậm chí đơn tố cáo cũng đã được gửi đến Bộ GD-ĐT.
Trước đó, ngày 20/11/2017, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có công văn số 1070/TTr-NV4 yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra, xác minh thông tin báo cáo. Tuy nhiên, điều đáng nói là sự việc bị tố cáo là có thật nhưng lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh này đã “coi thường” sự chỉ đạo của Thanh tra Bộ GD-ĐT, không tiến hành thanh kiểm tra làm rõ vấn đề mà chỉ nghe báo cáo “gian dối” của cấp dưới rồi ký công văn số 2942/SGDĐT-TTr, ngày 28/11/2017 với thủ đoạn biện hộ cho lý do tỉnh quy định số học sinh/lớp đang thiếu nên Trường THPT Cao Thắng có xét tuyển bổ sung 6 em đúng quy định để “lừa dối” Bộ nhằm bưng bít thông tin, còn 17 em của Trường THPT Nguyễn Trường Tộ lại không hề được nhắc đến.
Không những vậy, khi Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Huế tiến hành kiểm tra Trường THPT Cao Thắng cũng không biết bằng cách nào mà sau đó trong Thông báo số 59-TB-UBKTTU, ngày 23/4/2018 cũng không phát hiện ra sai phạm mà chỉ cho rằng: “Đối với 6 trường hợp TS bổ sung vào lớp 10 năm học 2017-2018 Hội đồng tuyển sinh của trường đã thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình tuyển sinh. Tuy nhiên, việc đề nghị 01 trường hợp thiếu 0,1 điểm so với nguyện vọng 1 (mặc dù đã được Sở đồng ý) nhưng đã gây thắc mắc, tạo dư luận không tốt trong nhà trường”.
Vậy nhưng khi làm việc với PV, ông Ngô Đắc Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng đã thừa nhận trong số 6 TS được “đặc cách” xét tuyển trên đều là “con ông, cháu cha” và “Giám đốc Sở bao nhiêu suất, Ban giám đốc Sở bao nhiêu suất rất rõ ràng, đồng thời ông Dũng cũng cho rằng việc này là do Ban Giám đốc Sở chỉ đạo chứ ông không dại (?!).
Đó là 6 TS của Trường THPT Cao Thắng. Vậy còn 17 TS khác ở Trường THPT Nguyễn Trường Tộ thì sao...? Thật bất ngờ là khi làm việc với PV vào ngày 07/6/2019, ông Đặng Phước Mỹ- lúc đó đang là Phó Giám đốc Phụ trách Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ biết ấp úng và trả lời rằng vụ việc này tôi chỉ mới nghe thông tin cách đây ít hôm.
Thế nhưng, khi làm việc với ông Nguyễn Hướng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, vị hiệu trưởng này đã thừa nhận ngay từ ban đầu là việc tuyển thêm 17 TS mặc dù ông tự làm nhưng cũng đã có báo cáo lên Sở bằng miệng và đã được lãnh đạo Sở đồng ý (?!).
Mặc dù sự việc đã được Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh chi tiết, cụ thể rõ ràng đến vậy, đồng thời sau khi báo đăng tải, cùng ngày 12/6/2019 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ngay lập tức ban hành công văn chỉ đạo kiểm tra, báo cáo việc báo phản ánh và PV cũng đã nhiều lần quay lại để làm việc xem kết quả xử lý đến đâu thế nhưng ông Đặng Phước Mỹ, người đứng đầu ngành này đã hẹn khất, hẹn lựa với tinh thần thiếu trách nhiệm nhằm mục đích kéo dài thời gian.
Trước sự việc trên, PV đã có văn bản để đăng ký làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh thì lãnh đạo Sở này mới vội vàng triển khai làm văn bản để báo cáo với lãnh đạo tỉnh sau 80 ngày tỉnh có văn bản chỉ đạo kiểm tra báo cáo.
Tại buổi làm việc vào sáng 04/9/2019, dưới sự chủ trì của “Tân Giám đốc” Sở GD-ĐT vừa mới được bổ nhiệm là ông Nguyễn Tân cùng thành phần đầy đủ các lãnh đạo cấp phòng liên quan. Trước câu hỏi của PV, Tân Giám đốc mới đã chỉ đạo ông Đặng Phước Mỹ báo cáo nội dung.
Tại đây, vị Phó Giám đốc phụ trách Sở bấy lâu nay đã “ấp a, ấp úng 5 câu 3 sợi” không đâu vào đâu, sau đó đưa cho PV công văn do chính ông ký của ngày cuối cùng giữ quyền phụ trách Sở đó là công văn số 1985, ngày 30/8/2019 để báo cáo UBND tỉnh giải trình nội dung báo Pháp luật phản ánh theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn số 3700, ngày 12/6/2019.
Trước hàng loạt câu hỏi của PV, ông Đặng Phước Mỹ giải trình rằng: “Tôi ký công văn này là do hiệu trưởng 2 trường trên báo cáo lên, sau đó bộ phận chuyên môn tổng hợp, soạn thảo văn bản rồi đưa tôi ký thì tôi ký chứ tôi không nắm rõ. Còn việc xem xét, thanh tra, kiểm tra, yêu cầu những cán bộ liên quan sai sót trong vụ việc này đến nay ngành chưa tiến hành làm gì”.
Ngoài sự ngây ngô “giả không biết gì” của vị Phó Giám đốc khi PV đặt câu hỏi với đại diện từng cán bộ phụ trách các phòng chuyên môn về những sai sót trên nhưng điều khôi hài là tất cả các thành viên buổi làm việc đều “ngồi im” không một ai có câu trả lời. Để kết thúc buổi làm việc tân Giám đốc Sở- Nguyễn Tân đã hứa sẽ sớm có biện pháp xử lý nghiêm các cán bộ và cá nhân sai phạm.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ cho biết: “Việc này lãnh đạo tỉnh đã nắm rõ, tỉnh đã giao đồng chí Nguyễn Dung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, nhưng các anh biết đó, diễn biến bản chất vấn đề đã rõ, mặc dù có sự suy đoán khác nhau nhưng quan điểm của tỉnh là sai phải sửa, phải xử lý, ai sai người đó phải chịu, người lớn sai người lớn phải chịu, chứ các em học sinh biết gì đâu, cho nên tỉnh đã giao cơ quan thanh tra tỉnh vào cuộc tiến hành thanh tra làm rõ”.
Còn Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng đội (thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội) người cùng tham gia vụ việc này cũng bày tỏ quan điểm: “Vi phạm trong công tác tuyển sinh tại trường Trường THPT Cao Thắng và Nguyễn Trường Tộ là quá rõ ràng và rất nghiêm trọng, có dấu hiệu tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ của một số cán bộ (điều 356 Bộ luật hình sự) nhưng ngành giáo dục Thừa Thiên Huế đã không xử lý kịp thời các sai phạm mà có biểu hiện dung túng bao che, báo cáo sai sự thật lên cấp trên khi báo chí phản ánh là một điều đáng tiếc, cho nên việc này theo tôi rất cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh và Bộ GD-ĐT để có biện pháp xử lý nghiêm minh những cán bộ, cá nhân liên quan là điều hết sức cần thiết”.
Hiện, dư luận đang nóng lòng mong chờ kết quả xử lý từ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, thanh tra Bộ GD-ĐT đối với những cán bộ đảng viên, cá nhân liên quan đã làm ô danh ngành giáo dục truyền thống lâu đời của Thừa Thiên Huế, đồng thời làm trong sạch ngành giáo dục của tỉnh này góp phần xây dựng “giấc mơ Huế”, như mong muốn của Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ được bày tỏ trong bức thư gửi học sinh tỉnh nhà dịp năm học mới 2019-2020, với nhiều kỳ vọng, ấp ủ: “giáo dục truyền thống quê hương, đất nước để các em có quyền tự hào về lịch sử, con người và văn hóa Huế, để các em hướng về cội nguồn, tổ tiên, cốt cách Huế. Từ đó vun đắp, củng cố bản sắc văn hóa, bồi đắp tinh thần dân tộc, khơi dậy lòng tự hào, khát khao cống hiến vì một Huế hạnh phúc”.