Những thần thú trong tâm thức Việt: Kỳ 1: Rồng- Từ ngai vàng đến chốn nhân gian

(PLVN) - Nếu có con vật nào xuất hiện rộng rãi nhất trong các di tích của người Việt, từ lầu son cung điện đến đình, đền, chùa… thì đó chính là rồng. Rồng không chỉ là biểu tượng của vua chúa nhưng còn là “thần” của cư dân nông nghiệp với niềm ước vọng mưa thuận gió hòa. 
Hình ảnh đôi rồng chầu mặt nguyệt thường thấy ở các chùa, đình, đền cổ
Hình ảnh đôi rồng chầu mặt nguyệt thường thấy ở các chùa, đình, đền cổ

Theo đạo Phật vào đất Việt?

Còn nhớ vào năm Rồng - Nhâm Thìn 2012, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức một trưng bày chuyên đề “Rồng trên cổ vật”. Với khoảng 60 hiện vật, triển lãm khắc họa rõ nét sự thay đổi tư duy về hình tượng rồng trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt suốt hơn 20 thế kỷ qua. Rồng có mặt khắp chốn, với đủ mọi loại chất liệu: vàng, đồng, đá ngọc, đất nung, gốm…

Đáng nói, dưới góc nhìn của các nhà bảo tàng, hình tượng rồng Việt xuất hiện sớm nhất là trên chiếc giáo và rìu đá trang trí đôi giao long từ thời văn hóa Đông Sơn (cách nay 2000-2500 năm). Tiếp đó là một miếng ngọc màu ngà xám rồng uốn dạng chữ S, và miếng ngọc hình tròn “giao long” chung đuôi được xác định có niên đại từ thế kỷ 1 đến 3.

Thế nhưng, những hình rồng Việt “nguyên thủy” này đều hết sức đơn giản, thô sơ, khó có thể gọi là rồng đúng nghĩa. Trong khi theo các tác giả cuốn “Hình tượng linh vật trong Di tích kiến trúc” (Viện Bảo tồn Di tích) thì có lẽ con rồng Việt xuất hiện muộn hơn. Bằng chứng là truyền thuyền Lạc Long Quân coi mình có nòi giống rồng “được san định lại vào thời tự chủ, khoảng thế kỷ 13”.

Hình ảnh con rồng trên nắp Bảo vật quốc gia ấn vàng "Sắc mệnh chi bảo" niên đại 1827 đời vua Minh Mạng thứ 8
 Hình ảnh con rồng trên nắp Bảo vật quốc gia ấn vàng "Sắc mệnh chi bảo" niên đại 1827 đời vua Minh Mạng thứ 8 

Còn trong các sự tích Sơn Tinh - Thủy tinh, An Dương Vương xây loa thành… đều không thấy bóng dáng của linh vật này. PGS Trần Lâm Biền, Ths Nguyễn Thị Tuấn Tú cho rằng, phải tới thời Triệu Việt Vương (thế kỷ VI) mới thấy nói có thần nhân cưỡi rồng từ trên trời xuống. Đây cũng là giai đoạn đạo Phật bắt đầu được dân gian đón nhận với Phật phái Tì-ni-đa-lưu-chi. Một sự kiện cụ thể đó là việc vua nước Vạn Xuân tự nhận là Lý Phật Tử (người con Phật họ Lý).

“Điều đó đã cho chúng ta nghĩ tới một Phật thoại về Rồng, do được nghe Phật giảng đạo mà giác ngộ, nên rồng đã nguyện biến thành thuyền để đưa Phật đi hoằng dương đạo pháp ở khắp nơi. Như thế, một giả thiết được đặt ra là: Rồng đã theo đạo Phật vào đất Việt rồi hội với con rắn – chủ nguồn nước, mà dần thành rồng Việt với chức năng đề cao, tôn sùng Phật đạo, từ đó cũng đồng nhất với tôn trọng pháp lực của rồng”.

Biểu tượng của vương quyền

Rồng vốn là sản phẩm chung của nhân loại mà phần lớn các tác giả đều cho rằng có nguồn gốc từ rắn (đồng giao Việt có bài “rồng rắn lên mây”). Thế nhưng khi vào Trung Quốc, hình tượng rắn trở nên có yếu tố thú và có nét dữ dội hơn. Những nét chính yếu của con rồng Trung Hoa theo P.Corentin Pétillon, được học giả L’Cadière dẫn lại đó là “có đôi sừng nai, đầu của lạc đà, mắt của quỷ, cổ của rắn, bụng cá sấu, vẩy da của cá, móng vuốt của chim ưng và đôi tai của bò”. Và dù không có thực, nhưng trong văn hóa cổ truyền của các nước theo văn minh Khổng giáo như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, rồng vẫn đứng đầu tứ linh (4 con vật thiêng: long, ly, quy, phượng), là “đệ nhất linh vật huyền thoại”.

Cho nên “hầu như trong mọi cung điện hoàng gia hay các đình, chùa, đền, mếu, tháp cổ của bốn quốc gia kể trên, người ta đều ưu ái tạc, đắp hoặc vẽ hình rộng vào những vị trí kiến trúc sang trọng và cao quý nhất”. Tại sao linh vật này lại được tôn sùng như thế? Theo họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, rồng tượng trưng cho vua và thâu  tóm được nhiều quyền lực tối cao: là linh vật duy nhất hoạt động tự do ở cả bốn cõi bầu trời, mặt đất, dưới nước, thậm chí cả độn thổ (làm thành “long mạch”). Rồng có thể “hô phong hoán vũ”, tạo ra gió, mây, mưa cho mùa màng tốt tươi hoặc gây bão lụt, động đất hủy diệt sự sống.

"Lưỡng long triều nguyệt" trên mái cổ rêu phong của chùa Một Cột
"Lưỡng long triều nguyệt" trên mái cổ rêu phong của chùa Một Cột  

Trong Kinh dịch, rồng được tôn là “thủ” (đầu), “quân vương” (vua chúa), là biểu tượng của quẻ càn (trời), quẻ đầu tiên trong 64 quẻ. Sáu vạch của quẻ càn theo truyền thống là thể hiện sáu giai đoạn hiển lộ, từ con rồng náu mình, tiềm ẩn “tiềm long vật dụng”, đến con rồng đã hiện ở cánh đồng “hiện long tại điền”, bay nhảy, có khi nằm dưới vực rồi bay lên trời “phi long tại thiên” ứng nghiệm của thiên tử lên ngôi.

Từ đời vua Lê Đại Hành (nửa cuối thế kỷ X), rồng mới phần nào được đồng nhất với nhà vua. Điều này tiếp tục phát triển dưới thời Lý, Trần và đạt đến đỉnh cao dưới thời Lê sơ. “Trong hoàng cung, rồng như thể ở ngôi nhà của mình” (Cadière – L’art à Hue). Những đặc điểm của rồng phương Bắc thấy rõ ở Điện Kính Thiên (Hà Nội) hay bia Vĩnh Lăng ở Lam Sơn (Thanh Hóa).

Nghi thức múa rồng trong lễ hội chùa Sùng Phúc (huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng)
Nghi thức múa rồng trong lễ hội chùa Sùng Phúc (huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng)  

Quy ước rồng 5 móng dành riêng cho vua cũng bắt đầu có từ thời này. Khảo sát về hình tượng rồng trong mỹ thuật cung đình Nguyễn cũng như ở Huế và vùng phụ cận, học giả người Pháp Cadière còn thấy rằng khi được thể hiện nhìn chính diện, giữa trán của rồng có một chữ được một số người đọc là vương “quân vương, chúa tể”, hay chữ nhâm “to lớn, lớn lao”. Rồng còn ngậm trong miệng chữ thọ, nghĩa là trường thọ. Tất cả những chi tiết đó làm tôn thêm những ý nghĩa tốt lành, tột đỉnh may mắn của hình tượng rồng.

Rồng, rông, sông…

Thế nhưng con rồng Việt không chỉ là biểu tượng của vương quyền, của “chân mệnh thiên tử” gắn với triều đại phong kiến mà nó còn gắn bó chặt chẽ với đời sống dân gian người Việt. Có thể nói, ở Đại Việt, rồng đã “phân thân lưỡng cực” theo hai con đường. Một đường vào cung vua phủ chúa “lầu son gác tía” với những điển chế ngặt nghèo, một đường ra nhân gian với những đình, đền, chùa, miếu nơi quê mùa làng mạc.

Trong khi luật nhà Minh có quy định, quan lại, binh lính và dân thường “tiếm dụng hoa văn rồng phượng bị tội chém đầu”, cho thấy sự “độc chiếm” linh vật rồng cho riêng mình thì hình tượng rồng Việt trong suốt các thế kỷ 16,17,18 thật phong phú, năng động, tươi vui, thậm chí có những hành động vi phạm điều cấm kỵ phong kiến như: để cho tiên nữ “cưỡi” thoải mái, “dan díu” với muôn loài, thậm chí để cho mấy con vật như cầy, cáo, chuột “vuốt râu rồng”…

Ấy là chưa kể tới các đề tài vui nhộn khác như: trúc hóa rồng, cá hóa rồng, gia đình rồng, “ổ rồng” đủ cả rồng mẹ, rồng con…Không chỉ có rồng đơn, mà còn có rồng đôi, ba, bốn, đến cả búi rồng quấn quýt đông đàn dài lũ như ước vọng sinh sôi, nảy nở của cư dân lúa nước. Con rồng trong mắt người nông dân châu thổ sông Hồng thì đơn thuần là biểu tượng của nước, của những cơn mưa, cho cây cối sinh sôi chứ không hệ bị áp chế bởi những điển thức phong kiến khắt khe. Con rồng, từ Hán Việt là “long”, nhưng trong tiếng Việt lại là rồng.

Có tác giả đã dựa trên âm điệu đồng dạng: cơn giông, dòng sông… để nói rằng rồng là sản phẩm bản địa. Ở đây không bàn đến nguồn gốc nhưng điều thú vị là nhiều từ gắn với vần “ông” đều có yếu tố nước. Rông – lớn đầy, (nói về nước). Mùa xuân, mùa thu, sóc vọng trước sau ba ngày thường có nước rông; Dông- gió lớn trong lúc chuyển mưa (theo Paulus Của)…

Đối với người Trung Quốc thì con rồng hoàn toàn tượng trưng cho nho giáo, cho quyền lực của thế lực phong kiến còn con rồng của Việt Nam thật ra xuất phát từ đời sống của dân nông nghiệp. Nó là sự thăng hoa và ước vọng có mặt trời, có mây mưa, có nước non để trồng lúa nước. Sau khi nó được nhập vào Phật giáo thì con rồng trở thành sự siêu thoát rồi cuối cùng mới chịu ảnh hưởng của tinh thần Nho giáo biểu tượng cho vua. Thí dụ như con rồng thời Lý là con rồng hình Sin. Nó biến đổi rất đều trên một cái trục dọc giảm dần và cuối cùng hòa vào làm một. Nó tượng trưng cho chân lý nhất nguyên của đạo Phật tức là cuộc sống có hai mặt, có âm có dương nhưng cuối cùng chỉ đi về một hướng.

(Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng)

Đọc thêm