No ấm với nghề làm chổi đót ven đại ngàn Trường Sơn

(PLO) -Với những thứ nguyên liệu có sẵn, dễ tìm giữa đại ngàn Trường Sơn, qua đôi bàn tay khéo léo của bà con dân bản, những chiếc chổi đót được kết bền chặt theo chân các mẹ, các chị về với phố thị, mang lại thu nhập ổn định cho hàng chục hộ dân và có điều kiện để lo cho những cái Tết thêm đầy đủ.

Nhờ làm chổi đót, thời gian nông nhàn của người dân không còn phí phạm.
Nhờ làm chổi đót, thời gian nông nhàn của người dân không còn phí phạm.

Học thêm nghề mới để cải thiện thu nhập

Thôn Cu Pua uốn lượn bên dòng sông mang cùng tên với xã Đăkrông (thuộc huyện Đăkrông, Quảng Trị). Là bản của bà con dân tộc thiểu số Vân Kiều, với 61 hộ và gần 280 nhân khẩu.

Những năm trước đây, kinh tế thuộc diện khó khăn, chủ yếu dựa vào nghề nương rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ, với mức thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng/hộ dân.

Sau những vụ mùa thu hoạch từ cây ngô, cây sắn hay vào rừng sâu săn lan rừng bán cho các thương lái vẫn chỉ mang lại nguồn thu ít ỏi và không cố định. Biết được ở đây cây đót làm chổi mọc rất nhiều, nhưng bà con chỉ dùng để nhóm lửa hoặc cắt về cho gia súc nằm nên ông Hồ Văn Chuốp (SN 1937) – một người vừa nhập cư đến địa bàn đã vận động mọi người trong bản thu gom đót về, sau đó chỉ dạy từng người cách bện thành những chiếc chổi đót chắc chắn, bền đẹp rồi mang xuống các chợ ở đồng bằng bán kiếm tiền.
Nhận thấy nghề mới cho thu nhập ổn định hơn nên nhiều người trong bản lần lượt tới nhà “thầy” Chuốp học hỏi. Từ một vài hộ nhỏ lẻ lúc đầu, đến nay cả địa phương có hơn 80% hộ dân đã thuần thục với nghề làm chổi đót.

Bà Hồ Thị Tiền (SN 1972) cho biết: “Thấy cái nghề này đem lại giá trị lao động cao hơn, lại không cực nhọc như việc đi rừng hái lan, không những thế còn giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn nên tôi quyết theo học. Hiện tại, mỗi ngày tôi có thể đan được hơn 30 cái chổi đót, với giá bán 40 nghìn đồng/cái, trừ mọi chi phí thì mỗi cái chổi lãi khoảng 15 nghìn đồng, tính chung chung mỗi tháng cũng kiếm được 3 triệu đồng.

Nhờ thế mà nhà tôi giờ đây không còn lo đói ăn, thiếu mặc nữa. Tết cũng có điều kiện để mua sắm bánh kẹo và các hàng hóa để đón xuân như người dưới xuôi”.

Không riêng gì bà Tiền, cuộc sống của các hộ dân trong thôn cũng đã cải thiện hơn, nhiều hộ đã vươn lên khá giả nhờ tập trung cho công việc làm chổi. Đặc biệt, cũng nhờ học thêm nghề mới mà người phụ nữ nơi đây cũng đã dần tự chủ về kinh tế, khi có một mức thu nhập ổn định để tự mình xoay xở đồng ra đồng vào cho gia đình.

Đót ở Cu Pua luôn được phơi kĩ càng, đủ nắng, đủ sương.
Đót ở Cu Pua luôn được phơi kĩ càng, đủ nắng, đủ sương. 
Mong tìm đầu ra cho sản phẩm

Theo lời những người dân địa phương thì cách đây khoảng 3 năm về trước, khi cây đót mọc trên các sườn đồi quanh khu vực vẫn còn nhiều nên cứ đến cuối tháng 11 âm lịch, chị em phụ nữ trong bản có thể dễ dàng lên hái đót.

Còn bây giờ do giá thành cao và ngày một khan hiếm nên những người làm chổi ở Cu Pua đã chuyển qua mua đót từ Lào, với giá 25 nghìn đồng/kg đót tươi, sau đó mang đi phơi nắng và dầm sương 3 ngày rồi mới dùng để bện chổi. Mỗi kilôgam đót tươi có thể bện thành 2 cái chổi.

Để cây chổi bền chặt, bà con sử dụng lạt mây được cắt trong rừng, còn cán chổi thì dùng bằng tre được trồng tại bản. Sau khi làm được khoảng 100 cái chổi, các bà, các chị lại đón xe khách lên thị trấn Khe Sanh hay về TP Đông Hà bán, với giá khoảng từ 35 – 40 nghìn đồng/cái.

Mặc dù giá thành này vẫn xếp vào hàng cao hơn so với giá thị trường nhưng với những ưu điểm như chiếc chổi được đan chặt, đót dày, màu đót lại sáng, thời gian sử dụng lâu hơn chổi đót ở các vùng miền khác sản xuất nên sản phẩm chổi đót ở Cu Pua vẫn luôn được nhiều khách hàng lựa chọn. 

Chia sẻ với phóng viên, anh Hồ Văn Phoi (SN 1983, Trưởng thôn Cu Pua) cho hay, mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều anh làm được 25 cái chổi. Cứ một tháng trong mùa đót gia đình anh làm được 300 cái chổi. Riêng vào tháng Tết, nhu cầu mặt hàng này tăng cao nên chỉ tính trong cái Tết năm 2016 này, gia đình anh dự trữ hơn 500 cái chổi để bán, thu lại gần 6 triệu đồng tiền lãi.

Còn đối với những hộ sản xuất giỏi thì vào tháng cuối năm như thế này, mức lãi sẽ cao hơn nhiều. Nhờ thế mà tỷ lệ hộ nghèo và hộ đặc biệt khó khăn trong thôn những năm gần đây đã giảm đáng kể.  

Mặc dù nghề làm chổi đót đã tạo được công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con dân bản Cu Pua, là cách thức giúp người dân vùng cao xóa đói giảm nghèo một cách tích cực, thế nhưng hiện tại nghề làm chổi đót ở đây vẫn còn mang tính sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu theo hộ gia đình; chưa có một cơ sở sản xuất và thu mua tập trung; đầu ra cho sản phẩm vẫn còn bấp bênh, chưa ổn định;... 

“Để có thương hiệu và có đầu ra ổn định, chắc chắn phải cần sự hỗ trợ, giúp sức của các cấp, các ngành để thành lập các tổ hợp tác giúp bà con đồng bào nơi đây liên kết để nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập bình quân và tìm hướng ra tốt cho sản phẩm. Vì thế, trước mắt chúng tôi luôn khuyến khích bà con tiếp tục phát huy và lưu giữ nghề này.

Tuy nhiên, việc huy động một nguồn vốn lớn còn rất khó khăn đối với một xã nghèo như Đakrông nên rất mong sẽ có một cơ sở hay doanh nghiệp nào đó đầu tư vốn và thu mua tập trung để bà con dân bản chủ động hơn trong việc sản xuất và đưa sản phẩm của mình đến nhiều khách hàng ở nhiều tỉnh, thành khác ngoài Quảng Trị” – ông Trần Văn Chạy, Chủ tịch xã Đăkrông trình bày.

Đọc thêm